Lạm phát tại Việt Nam có phải là vấn đề lớn trong năm 2023?
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 13:43, 16/02/2023
Áp lực lạm phát đang gia tăng
Theo báo cáo của Chứng khoán VNDIRECT, áp lực lạm phát đang gia tăng và sẽ duy trì ở mức cao trong nửa đầu năm 2023.
Lý do, về phía cầu, doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng có thể tăng 8,5-9,0% so với cùng kỳ trong năm 2023, thấp hơn mức 19,9% so với cùng kỳ trong năm 2022.
Quốc hội đã quyết định tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng 20,8%) và có hiệu lực từ ngày 1.7.2023. Quốc hội cũng đã thông qua việc tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thôi việc cho một số đối tượng như người hưởng lương hưu từ ngân sách nhà nước, cán bộ y tế cơ sở…
“Thông thường khi lương cơ sở tăng, lạm phát cũng có xu hướng tăng do tâm lý tăng lương gắn với tăng giá hàng tiêu dùng của một bộ phận người kinh doanh tạp hóa, bán lẻ”, VNDIRECT nêu.
Về phía cung, mặc dù hàng hóa toàn cầu đã đạt đỉnh nhưng tác động của việc đồng USD mạnh lên đối với nguyên liệu nhập khẩu vẫn còn kéo dài đến quý 2/2023. Chi phí nợ cao hơn so với cùng kỳ có thể được chuyển vào giá bán lẻ cho người dùng cuối.
“Nhiều khả năng Chính phủ sẽ tăng giá một số dịch vụ công thiết yếu như điện, y tế, học phí trong năm nay”, báo cáo nêu.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, lạm phát năm 2022 lập đỉnh sau 40 năm ở Mỹ, EU... Năm 2023 lạm phát của nền kinh tế thế giới dù có xu hướng hạ nhiệt nhưng được dự báo vẫn ở mức cao, khoảng 6,5%. Điều này tác động rất lớn đến tới giá cả hàng hóa và tình hình lạm phát trong năm 2023 của Việt Nam.
“Việt Nam là quốc gia có độ mở cửa hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới, có gần 40% nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nhập khẩu từ các quốc gia trên thế giới nên khả năng nhập khẩu lạm phát thông qua nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu đầu vào rất lớn”, ông Thịnh nói.
Ngoài ra, theo ông Thịnh, việc lãi suất tăng cũng gây áp lực lên chi phí vốn, tạo sự trì trệ trong sản xuất và tăng áp lực lạm phát; xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài và chính sách trừng phạt giữa phương tây và Nga làm các chuỗi cung ứng đứt gãy, chi phí logicstic tăng cao, kéo theo chi phí sản xuất cao. Do đó, Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn trong phục hồi và tăng trưởng.
Thêm vào đó, việc Chính phủ Trung Quốc dần dỡ bỏ lệnh phong tỏa để phòng chống đại dịch COVID-19 có thể làm sản xuất tăng trưởng, tăng sức ép về giá cả xăng dầu, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của thế giới và gia tăng áp lực lạm phát.
“Năm 2023 tác động của lạm phát của Việt Nam sẽ bộc lộ rõ hơn do tác động vòng 2, vòng 3 bởi độ trễ của lượng tiền tệ được đưa vào thị trường trong các năm trước. Lạm phát các tháng cuối năm 2022 so với tháng 12.2021 và cùng kỳ năm 2021 tăng cao đến 4,55% và 4,52%. Điều này cho thấy khả năng lạm phát tăng cao trong năm 2023”, ông Thịnh nêu.
Lạm phát không phải vấn đề đáng quan ngại nhất
Tuy nhiên, ông Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng có nhiều nhân tố có thể giảm áp lực năm 2023 của nền kinh tế Việt Nam như Ngân hàng Nhà nước đã có biện pháp cung ứng vốn giá rẻ với thời gian tương đối dài cho các ngân hàng thương mại, yêu cầu cắt giảm chi phí nhằm ổn định và hạ thấp mặt bằng lãi suất của nền kinh tế; hoàn thiện các quy định pháp lý cho hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ; tỷ giá VND ổn định so với USD, các cân đối vĩ mô ổn định, nền kinh tế tăng trưởng cao; vốn FDI tăng sẽ giảm áp lực tăng tỷ giá và áp lực lạm phát của VND…
Ông Thịnh dự báo, trong năm 2023 nếu tình hình kinh tế-xã hội của thế giới vẫn diễn biến phức tạp, tăng trưởng ở mức 6,2% - 6,7% thì khả năng lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 3,3% - 3,7%. Nếu tình hình kinh tế-xã hội của thế giới được cải thiện thì khả năng lạm phát cả năm có thể sẽ ở mức là 3,8% - 4,1%.
Nhận định về chỉ số lạm phát của Việt Nam tại sự kiện "FiinGroup Invest Summit: Điểm sáng đầu tư năm 2023", PGS-TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô Trường đại học Kinh tế Quốc dân dự báo, lạm phát trung bình cả năm 2023 nhiều khả năng ở dưới mức 3,5%.
Theo ông Thế Anh, lạm phát không phải vấn đề đáng quan ngại nhất của Việt Nam trong năm 2023 mà vấn đề đáng lo hơn là suy giảm tăng trưởng.
Chuyên gia phân tích, năm 2022, so sánh với các quốc gia lớn trên thế giới, Việt Nam đang ở vùng lạm phát tương đối thấp, có thể chấp nhận được. Trung bình cả năm 2022, CPI của Việt Nam tăng 3,15%, trong khi trên thế giới có thời điểm lạm phát của Mỹ hay châu Âu lên tới hai con số.
Tuy nhiên, ông Phạm Thế Anh cho rằng lạm phát ở các nước phát triển đã qua đỉnh, còn ở một số quốc gia đang phát triển thì đang gặp phải tình trạng lạm phát gia tăng.
Ông Thế Anh đánh giá, ở Việt Nam, lạm phát đã qua đỉnh. Lạm phát năm 2022 tăng dần qua từng quý và đến tháng 1 năm nay lên đến đỉnh điểm 4,89% (yoy). Nếu tính yoy, tháng 1.2023 sẽ là đỉnh lạm phát, từ tháng 2 trở đi, lạm phát sẽ giảm dần và xuống mức 3 - 3,5% trong vòng 2 - 3 tháng tới.
Vị chuyên gia này lý giải nguyên nhân là do sức cầu tiêu dùng hiện khá yếu, sức cầu yếu. Trong đó, nổi trội là từ thu nhập sụt giảm, tăng trưởng kinh tế chậm lại, chi tiêu giảm; thị trường tài sản của Việt Nam có sự giảm giá rất mạnh; lãi suất ở mức cao làm cho chi phí cơ hội của việc tiêu dùng đắt đỏ hơn khiến người dân có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn…
Một nguyên nhân nữa là trong năm qua, Việt Nam có tăng trưởng cung tiền rất thấp, chỉ dưới 4%, trong khi những năm trước tăng trưởng cung tiền lên tới 14%, 15%, hoặc như năm 2021 cũng phải gần 11%. Vì vậy, yếu tố tiền tệ gây ra lạm phát sẽ giảm rất nhiều trong năm 2023.