ChatGPT - trợ thủ đắc lực trong ngành y tế
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:20, 17/02/2023
Liệu ChatGPT có thể thay thế được bác sĩ?
ChatGPT được tạo ra để trả lời các câu hỏi của người dùng theo cách trò chuyện thân mật. Nó đã tạo ra nhiều tiếng vang đến mức các bác sĩ và nhà khoa học đang cố gắng xác định những mặt hạn chế của nó cũng như cách nó giúp ích cho nền y học và sức khỏe con người.
Trước đây, một số chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) đã được thử nghiệm song ChatGPT thực sự thu hút nhiều sự quan tâm đến mức các cơ sở y tế, hiệp hội nghề nghiệp và tạp chí y khoa đã thành lập các nhóm nghiên cứu để tìm hiểu nó có thể hữu ích như thế nào và cả những mặt hạn chế của nó.
Phòng khám Ansible Health của tiến sĩ Victor Tseng đã thành lập một nhóm nghiên cứu vấn đề này và đã chứng minh rằng ChatGPT có thể vượt qua kỳ thi cấp phép y tế.
Tseng cho biết các đồng nghiệp của ông bắt đầu thử nghiệm ChatGPT vào năm ngoái và rất thích thú khi nó chẩn đoán chính xác các bệnh nhân giả vờ trong các tình huống giả định.
"Chúng tôi rất ấn tượng và thực sự sửng sốt trước tài hùng biện và phản ứng trôi chảy của nó đến nỗi chúng tôi quyết định rằng nên thực sự đưa ChatGPT vào quy trình đánh giá chính thức của mình và bắt đầu kiểm tra nó dựa trên tiêu chuẩn về kiến thức y tế", ông Tseng nói.
Điểm chuẩn để đánh giá là bài kiểm tra gồm 3 phần mà sinh viên tốt nghiệp trường y Mỹ phải vượt qua để được cấp phép hành nghề y. Những bài kiểm tra này vô cùng khó vì nó không hỏi những câu hỏi đơn giản với câu trả lời có thể dễ dàng tìm thấy trên internet.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng 305 câu hỏi kiểm tra có sẵn công khai từ kỳ thi mẫu vào tháng 6.2022. Không có câu trả lời hoặc ngữ cảnh liên quan nào được lập chỉ mục trên Google trước ngày 1.1.2022, vì vậy chúng sẽ không phải là một phần thông tin mà ChatGPT được đào tạo. Các tác giả nghiên cứu đã loại bỏ những câu hỏi mẫu có hình ảnh và đồ thị, đồng thời họ bắt đầu một phiên trò chuyện mới cho mỗi câu hỏi mà họ đặt ra.
Sinh viên thường phải dành hàng trăm tiếng đồng hồ để chuẩn bị và các trường y thường cho họ thời gian nghỉ học để ôn luyện song ChatGPT không phải chuẩn bị nhiều như vậy.
Nghiên cứu cho biết ChatGPT đã thực hiện gần đạt tất cả các phần của bài kiểm tra mà không cần bất kỳ khóa đào tạo chuyên môn nào. Điều này cho thấy "mức độ phù hợp và hiểu biết cao trong các giải thích của nó".
"Tìm kiếm trên Google hoặc thậm chí cố gắng tìm ra bằng trực giác bằng cách tiếp cận sách mở là rất khó. Có thể mất hàng giờ để trả lời một câu hỏi theo cách đó. Nhưng ChatGPT đã có thể đưa ra câu trả lời chính xác khoảng 60% với những lời giải thích thuyết phục trong vòng 5 giây", ông Tseng chia sẻ.
Tiến sĩ Alex Mechaber - Phó chủ tịch Kỳ thi cấp phép y tế Mỹ tại Ủy ban Giám định y khoa quốc gia cho biết kết quả của ChatGPT không làm ông ngạc nhiên. Song các thành viên khác đặc biệt quan tâm đến những câu hỏi mà ChatGPT đã trả lời sao và họ muốn hiểu tại sao.
"Tôi nghĩ công nghệ này thực sự thú vị. Chúng tôi cũng nhận thức khá rõ ràng và cảnh giác về những rủi ro mà các chương trình trí tuệ nhân tạo mang lại về khả năng đưa thông tin sai lệch, đồng thời có khả năng tạo ra những định kiến và thành kiến có hại. Song tôi nghĩ rằng nó sẽ ngày càng trở nên hoàn thiện hơn. Chúng tôi rất phấn khích và muốn tìm hiểu làm thế nào để nắm bắt và sử dụng chúng đúng cách", ông Mechaber nói.
Trợ thủ đắc lực của bác sĩ
Hiện tại, ChatGPT đã tham gia thảo luận về nghiên cứu và xuất bản. Kết quả của nghiên cứu về kỳ thi cấp phép y tế thậm chí còn được viết ra với sự trợ giúp của ChatGPT. Công nghệ này ban đầu được liệt kê là đồng tác giả của nghiên cứu, nhưng ông Tseng nói rằng khi nghiên cứu được xuất bản, ChatGPT sẽ không được liệt kê là tác giả.
Tháng trước, tạp chí Nature cho biết không chương trình trí tuệ nhân tạo nào có thể được ghi nhận là tác giả vì "bất kỳ sự ghi nhận nào về quyền tác giả đều đi kèm với trách nhiệm giải trình đối với tác phẩm, và các công cụ AI không thể chịu trách nhiệm như vậy".
Nhưng một bài báo mới được xuất bản trên tạp chí Radiology đã được viết gần như hoàn toàn bởi ChatGPT. Tuy nhiên, ChatGPT vẫn có một số hạn chế. Tiến sĩ Linda Moy, Giáo sư X-quang tại Trường Y khoa NYU Grossman (Mỹ) cho biết: "Tôi nghĩ nó chắc chắn sẽ hữu ích, nhưng mọi thứ từ các chương trình trí tuệ nhân tạo đều cần có hàng rào bảo vệ".
Bà Moy cho biết bài viết của ChatGPT khá chính xác, nhưng nó vẫn chỉ mang tính chất tham khảo. Một trong những lo ngại khác của bà là AI có thể ngụy tạo dữ liệu. "Với rất nhiều thông tin không chính xác có sẵn trực tuyến về những thứ như vắc xin COVID-19, nó có thể sử dụng thông tin đó để tạo ra kết quả không chính xác", bà Moy nói.
Đồng nghiệp của bà Moy, tiến sĩ Artie Shen thuộc Trung tâm Khoa học dữ liệu (NYU) đang khám phá tiềm năng của ChatGPT như một loại dịch giả cho các chương trình AI khác để phân tích hình ảnh y tế. Trong nhiều năm, các nhà khoa học đã nghiên cứu các chương trình AI từ các công ty khởi nghiệp và các công ty lớn như Google, có thể nhận dạng các mẫu phức tạp trong dữ liệu hình ảnh. Hy vọng là những thứ này có thể cung cấp các đánh giá định lượng có khả năng phát hiện ra các bệnh, có thể hiệu quả hơn mắt người.
"ChatGPT có thể nâng cao hoạt động y tế giống như cách thông tin y tế trực tuyến, vừa trao quyền cho bệnh nhân vừa buộc các bác sĩ trở thành những người giao tiếp tốt hơn, bởi vì giờ đây họ phải cung cấp thông tin chi tiết về bệnh lý và giải đáp được những thông tin mà bệnh nhân đọc được từ ChatGPT", ông Shen nói.
ChatGPT sẽ không thay thế bác sĩ và đó là điều chắc chắn. Nhưng tiến sĩ Victor Tseng nghĩ rằng nó có thể làm cho ngành y dễ tiếp cận hơn. Một bác sĩ có thể yêu cầu ChatGPT đơn giản hóa thuật ngữ y tế phức tạp thành ngôn ngữ mà một người học hết lớp 7 có thể hiểu được. "Hy vọng cơ bản của tôi là nó thực sự sẽ giúp chúng tôi với tư cách là bác sĩ và nhà cung cấp trở nên tốt hơn", ông Tseng nói thêm.