An Giang: Một nông dân đưa 5.000 gốc nho về vùng Bảy Núi làm du lịch

Du lịch - Ngày đăng : 15:00, 17/02/2023

Vườn nho rộng 20.000 mét vuông nằm ngay đường vào Hồ Ô Thum, xã Ô Lâm (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) là điểm hẹn độc đáo, mới lạ thu hút du khách gần xa mỗi khi đến đây.

Điểm du lịch hấp dẫn do ông Nguyễn Văn Hiển, lão nông có 3 đời gắn bó với mảnh đất này đầu tư. Hiện vườn nho khoảng 20.000 mét vuông của ông Hiển được 2 năm tuổi, có hơn 6.000m2 đang cho trái, phục vụ du khách.

Ngoài ra, để vườn nho luôn có thêm sự mới mẻ, độc đáo phục vụ du khách, ông Hiển mở thêm khu vực trồng các giống nho khác và các loại hoa, kiểng độc đáo.

1-nho1.jpg
Vườn nho rộng 20.000 mét vuông nằm ngay đường vào Hồ Ô Thum, xã Ô Lâm (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) - Ảnh: Tô Văn

Ông Hiển cho biết vườn nhà ông hiện có 5.000 gốc nho các loại (với 18 giống nho được thu thập tại các tỉnh miền Tây và Ninh Thuận).

“Mới đầu chưa biết hiệu quả thế nào, tôi đầu tư nhiều tỉ đồng để lên luống, làm giàn và mua cây giống. Vì vậy cũng khá lo lắng. Tuy nhiên bên bán cây họ hướng dẫn cho mình kỹ thuật trồng, chi phí vật tư cũng nhẹ, mình chỉ tốn công chăm sóc nên cũng yên tâm.

Sau hơn 4 tháng, cây bắt đầu cho hoa, đợi thêm 2 tháng nữa, tổng thời gian hơn 6 tháng có thể thu hoạch trái. Vụ đầu tôi không chú trọng sản lượng, mỗi gốc cho khoảng 2kg nho, ước tính cả vườn thu được 20 tấn, giá bán thị trường dao động 80.000 - 100.000 đồng/kg”, ông Hiển nói.

2-nho2.jpg
Vườn nho của ông Hiển trồng 5.000 gốc nho các loại (với 18 giống nho được thu thập tại các tỉnh miền Tây và Ninh Thuận) - Ảnh: Tô Văn
5-nho5.jpg
Ông Hiển đang quy hoạch thêm khu vực trồng các giống nho khác và các loại hoa, kiểng độc, lạ phục vụ khách tham quan - Ảnh: Tô Văn
7-nho7.jpg
Một góc vườn nho nhà ông Hiển - Ảnh: Tô Văn

Cũng theo ông Hiển, đầu tư làm du lịch vườn cực hơn rất nhiều so với làm nông thuần túy vì khi bắt tay vào hoàn toàn đều là ý tưởng, kế hoạch, mà chưa hình dung nó sẽ như thế nào khi ứng dụng vào thực tế.

“Tôi vẫn kiên trì đi theo con đường đã chọn với quan niệm khi chọn lối đi mới mình phải tự mở đường mà đi, có khi gặp sông suối, đầm lầy, vách núi trở ngại thì cũng tự bản thân phải tính toán giải pháp để tiến lên vì đâu có ai hỗ trợ, không có ông thầy nào chỉ cho mình.

Chính vì thế, tôi không ngại rẽ sang một lĩnh vực mới với nhiều thử thách, khó khăn là xây dựng chuỗi khép kín trồng nho, đầu tư chế biến rượu nho, mật nho và kinh doanh dịch vụ du lịch”, ông Hiển bộc bạch.

3-nho3.jpg
Vườn nho của ông Hiển - Ảnh: Tô Văn

Theo ghi nhận của phóng viên Một Thế Giới ngày 14.2, tại điểm tham quan vườn nho của ông Hiển mặc dù lúc này buổi trưa, nắng gắt nhưng vẫn có nhiều du khách từ các tỉnh xa đến tham quan.

Vườn nho của ông Hiển lúc này đang gần lúc thu hoạch nên cây lá xum xuê, các chùm nho nặng trĩu quả. Với giá vé là 35.000 đồng/người, du khách thỏa thích check-in, tham quan, chụp hình, trải nghiệm.

4-nho4.jpg
Một nhóm bạn trẻ thích thú chụp ảnh tại vườn nho - Ảnh: Tô Văn

Chị Trần Thị Ngọc Hân (du khách từ Đồng Tháp) chia sẻ: “Tôi đã được biết đến vườn nho này qua những hình ảnh trên các trang mạng xã hội. Nhân dịp ngày lễ tình nhân tôi cùng gia đình đến Tri Tôn ăn gà đốt, tiện đường ghé vào đây tham quan. Chủ yếu tôi muốn cho cháu nhỏ được trải nghiệm, xem trực tiếp vườn nho, trái nho và cách leo mọc của cây nho như thế nào, vì trước giờ cháu chỉ biết qua tivi và sách báo thôi”.

Tương tự, anh Quốc Duy (ngụ TP.Long Xuyên) khá bất ngờ vì nho được trồng thành công tại vùng Bảy Núi. “Đây là mô hình mới lạ và rất thú vị, là hướng đi mới của người nông dân”, anh Duy bày tỏ.

6-nho6.jpg
Du khách từ các tỉnh thành xa đến vườn nho tham quan - Ảnh: Tô Văn

Ông Lê Trung Hiếu - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh An Giang cho biết huyện Tri Tôn là một địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.

“Tri Tôn có nhiều di tích lịch sử hào hùng, danh lam thắng cảnh xinh đẹp, cùng cộng đồng đồng bào Khmer với những phong tục, văn hóa dân tộc đặc trưng, độc đáo, hoàn toàn thuận lợi để phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch về nguồn, du lịch văn hóa trải nghiệm đời sống cộng đồng dân cư bản địa.

Bên cạnh đó, Tri Tôn còn có các cảnh quan đẹp mang tính đặc trưng như núi và các hồ nhân tạo, là những tài nguyên thiên nhiên quan trọng để phát triển sản phẩm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng.

Những năm gần đây, Tri Tôn dần thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm, phát triển các sản phẩm du lịch như resort nghỉ dưỡng, khu cắm trại kết hợp ăn uống, chụp ảnh check-in, điều này đã góp phần làm phong phú các sản phẩm du lịch địa phương”, ông Hiếu nói.

Cũng theo ông Hiếu, bên cạnh những thuận lợi hiện có thì Tri Tôn cũng đang gặp khó khăn trong vấn đề giao thông, các tuyến đường chính dẫn đến các điểm du lịch còn nhỏ hẹp.

Nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch còn thiếu, yếu, tay nghề chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách, chưa đồng bộ với tốc độ phát triển của ngành.

Quy hoạch và các chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch của huyện còn nhiều vấn đề cần phải được quan tâm hơn nữa, để thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn, phát triển nhiều sản phẩm du lịch chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

“Nếu được quan tâm đúng mức, trong thời gian tới chắc chắn du lịch Tri Tôn sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa”, ông Hiếu nhận định.

Tô Văn