Bộ trưởng GD-ĐT: Triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới để nhằm mục đích phát triển giáo dục
Giáo dục - Ngày đăng : 18:53, 17/02/2023
Trong buổi làm việc của đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bắc Kạn về chuyên đề đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, đã có nhiều ý kiến, câu hỏi được đưa ra yêu cầu Bộ GD-ĐT trả lời.
Các tỉnh miền núi gặp khó khăn khi triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018
Tại buổi làm việc, ông Phạm Duy Hưng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã báo cáo tình hình triển khai thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 trong hơn hai năm qua, về cơ bản các lớp đến nay đều hoạt động theo đúng lộ trình, đã cơ bản đi vào nền nếp.
Giáo viên đã thực hiện tốt việc tự chủ chương trình, khai thác có hiệu quả SGK, nguồn học liệu và các thiết bị, đồ dùng dạy học phù hợp, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Học sinh hoàn thành tốt các mục tiêu cần đạt theo quy định của chương trình, phát huy được các phẩm chất, năng lực trong quá trình học tập.
Tuy nhiên, hiện nay ngành GD-ĐT Bắc Kạn vẫn còn gặp một số khó khăn về đội ngũ như thiếu về số lượng, chưa đồng bộ về cơ cấu, chủng loại theo từng môn học, cấp học. Đặc biệt là cấp tiểu học thiếu giáo viên dạy môn tin học và công nghệ, tiếng Anh đối với lớp 3. Việc giảng dạy đối với các môn khoa học tự nhiên, lịch sử, địa lý, nghệ thuật vẫn do giáo viên của từng phân môn cùng đảm nhiệm thực hiện. Việc bố trí giáo viên dạy tiếng Anh, tin học còn khó khăn do không có giáo viên đủ điều kiện về trình độ đào tạo (tốt nghiệp đại học) theo quy định của Luật Giáo dục 2019. Các trường có nhiều điểm trường và các điểm lẻ cách xa nhau cũng khó khăn cho công tác bố trí giáo viên dạy học 2 môn này.
Triển khai chương trình mới không phải để đạt thành tích
Trao đổi tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết những ý kiến của tỉnh Bắc Kạn là hết sức cần thiết, sát thực tiễn của tỉnh. Bộ trưởng Sơn cũng mong tỉnh Bắc Kạn khắc phục khó khăn. Bộ GD-ĐT mong muốn tỉnh sẽ có báo cáo giám sát, nhìn nhận chương trình mới đổi mới rất sâu, tốc độ nhanh, đòi hỏi cao, tính kế thừa chương trình cũ rất lớn nên trong quá trình triển khai không thể nóng vội, đổi mới giáo dục không thể một sớm một chiều. Những gì cấp bách đặt ra phải làm ngay, những gì cần hoàn thiện thì từng bước.
“Trong khó khăn có thuận lợi, trong thuận lợi có khó khăn. Còn một nửa chặng đường phía trước, cần tính toán bước đi phù hợp với nhóm khó khăn, để đạt đến mục tiêu nhưng phù hợp với điều kiện của địa phương. Chúng ta thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới không phải để đạt thành tích mà là đạt đến những chỉ số phát triển của giáo dục” - Bộ trưởng Sơn nhấn mạnh.
Cùng với mối quan tâm về báo cáo giám sát, Bộ trưởng GD-ĐT cũng mong muốn tỉnh Bắc Kạn lên tiếng mạnh mẽ về việc cắt giảm biên chế trong ngành giáo dục, nếu có cắt giảm phải tính đến đặc thù của địa phương. Cùng với đó, phải có một kế hoạch về kiên cố hóa trường lớp và triển khai ráo riết với lộ trình cụ thể từng năm, vì Bắc Kạn hiện vẫn là địa phương thuộc nhóm có tỷ lệ trường học kiên cố thấp nhất cả nước. Đặc biệt, cần có chiến lược xây dựng lực lượng giáo viên, hỗ trợ nhà giáo vì đây là nhân tố quyết định.
Để triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018 một cách tốt nhất thì tỉnh thành cần tập trung hơn nữa cho công tác thông tin, truyền thông, để cấp ủy đảng, nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên hiểu, chia sẻ, ủng hộ, quyết tâm triển khai đổi mới.
Sắp tới, ngành giáo dục sẽ có cơ chế đảm bảo bổ sung kịp thời số lượng biên chế giáo viên theo định mức để đảm bảo thực hiện đầy đủ các nội dung theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới đã được đề ra theo Nghị quyết của Quốc hội và đề án của Chính phủ; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng việc triển khai dạy học 2 buổi/ngày cấp tiểu học đảm bảo đúng quy định...