Tổng cục phó TDTT Trần Đức Phấn: Những việc không hay ở đội tuyển quần vợt Việt Nam là bài học cho tất cả các bộ môn
Thể thao - Ngày đăng : 10:13, 18/02/2023
Cuộc họp diễn ra ở Hà Nội với đầy đủ lãnh đạo các bên liên quan gồm Tổng cục TDTT, Trung tâm Huấn luyện quốc gia TP.HCM, Bộ môn quần vợt Tổng cục TDTT, Liên đoàn Quần vợt Việt Nam, Câu lạc bộ quần vợt Hải Đăng. Ông Phấn điều hành cuộc họp cho biết những bộ phận, những người có sai sót đã nhận lỗi và sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc để không lặp lại, và những lần tập trung sau này sẽ tốt hơn, đồng thời đây cũng là bài học cho tất cả các bộ môn.
- PV: Ông có thể cho biết vì sao ngày 5.2 đã thi đấu mà mãi đến ngày 30.1, Tổng cục TDTT mới có quyết định tập trung đội tuyển thi đấu Davis Cup? Lỗi này, trách nhiệm thuộc về bộ phận nào?
- Tổng cục phó TDTT Trần Đức Phấn: Lỗi trước tiên thuộc về VTF khi trong công văn gửi Tổng cục TDTT đề nghị được tập trung đội tuyển đã không xác định rõ ràng thời gian tập trung, thay vào đó chỉ đề nghị tập trung trong tháng 1.2023. Nhưng tôi đã nói với các bộ phận liên quan rằng, lịch thi đấu Davis Cup đã được xác định, nếu VTF thiếu sót, thì bộ môn của Tổng cục TDTT phải trao đổi với VTF để xác định ngày tập trung. Ở đây cũng có lỗi của Ban huấn luyện đội tuyển, nếu chưa thấy quyết định tập trung thì liên lạc và hỏi VTF. Tóm lại, những bộ phận này chưa làm tròn trách nhiệm.
Từ việc tập trung trễ đã dẫn đến hệ lụy Trung tâm Huấn luyện quốc gia TP.HCM không kịp cấp tiền ăn, ở, sinh hoạt cho đội tuyển, từ đó các thành viên đội tuyển vừa phải tạm ứng tiền và lại vừa phải tự mua thực phẩm.
Để xảy ra tình trạng này, cũng như đội tuyển không có phương tiện di chuyển, lỗi này là do các bên không trao đổi với nhau nên thiếu sự phối hợp đồng bộ khiến cho đội tuyển quần vợt VN không được chuẩn bị tốt.
- Tổng thư ký VTF Đoàn Thanh Tùng phát biểu trên VTV1 rằng: “Đội tuyển quốc gia không trực thuộc VTF. Do đó việc ăn ở, đi lại, tập luyện, thi đấu như thế nào thì đó là trách nhiệm, quản lý của Tổng cục TDTT và Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP.HCM”. Quan điểm của ông như thế nào về phát biểu này?
- Tôi nói với anh Tùng trong cuộc họp, đội tuyển là của quốc gia, đội tuyển không của riêng ai. Các bộ phận liên quan trong đó có VTF phải có trách nhiệm quan tâm, chăm sóc đội tuyển, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho đội tuyển còn các VĐV nhiệm vụ của họ chỉ tập luyện, thi đấu.
- Ông Tùng đã ký công văn gửi Tổng cục TDTT báo cáo là nếu không đáp ứng được yêu cầu hỗ trợ 50 triệu đồng/tháng và thưởng 200 triệu đồng cho chiếc Huy chương vàng đơn nam thì Lý Hoàng Nam không thi đấu SEA Games. Từ đây có dư luận cho rằng Hoàng Nam đòi hỏi tài chính. Sự thật thì như thế nào thưa ông?
- Lãnh đạo CLB quần vợt Hải Đăng chỉ đưa ra lý do Hoàng Nam tập trung kiếm suất thi đấu Roland Garros, giải diễn ra trùng thời gian với SEA Games nên đơn vị chủ quản đã gửi công văn đề nghị Lý Hoàng Nam không thi đấu SEA Games. Không hề có bất kỳ lý do nào liên quan đến tài chính. Quan điểm của tôi là phải bảo vệ hình ảnh, uy tín của Lý Hoàng Nam. Hoàng Nam đã cống hiến rất nhiều cho thể thao Việt Nam, và không nên để tâm lý của Nam bị ảnh hưởng từ suy diễn không đúng này. Tổng cục TDTT tôn trọng và ủng hộ quyết định của Hoàng Nam.
Tổng cục TDTT không thể can thiệp những công việc nội bộ của VTF. Nhưng tôi có nói với lãnh đạo VTF, về vấn đề VĐV đội tuyển phản ánh liên quan đến tiền thưởng (VTF ăn chia 50-50 với VĐV – MTG), VTF phải chủ động báo cáo công khai, minh bạch về tiền thưởng đến các VĐV. Tôi cũng đề nghị VTF họp rút kinh nghiệm, chân thành nhận lỗi về vụ việc này.
- Cảm ơn ông.