Tín hiệu khả quan cho phát triển nhà ở xã hội

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 11:48, 18/02/2023

Các chuyên gia cho rằng đề xuất dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỉ đồng phát triển nhà ở xã hội rất đáng hoan nghênh. Điều này góp phần tăng thêm nguồn cung nhà ở cho thị trường.

Bộ Xây dựng cho biết thời gian tới sẽ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân, lao động tại các khu công nghiệp.

Đồng thời, ngành xây dựng đẩy mạnh nguồn cung cho thị trường bất động sản, trong đó tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà cho công nhân, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành khoảng 1,4 triệu căn (giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng gần 600.000 căn).

Trong lúc chờ Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) để tháo gỡ tổng thể những khó khăn hiện nay trong phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đề nghị Quốc hội giao Chính phủ xem xét ban hành nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.

nha-o.jpg
Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỉ đồng phát triển nhà ở xã hội

Để đảm bảo nguồn tiền cho phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỉ đồng (tương đương 10% nhu cầu vốn của giai đoạn 2022-2030) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà cho công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn (tương tự gói 30.000 tỉ đồng).

Trong đó, dành khoảng 50% gói tín dụng cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà cho công nhân vay ưu đãi, và 50% gói tín dụng còn lại cho khách hàng cá nhân là người thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà cho công nhân.

Nói với phóng viên Một Thế Giới, TS Lê Bá Chí Nhân cho rằng mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội từ nay đến 2030 không hề đơn giản. Những vướng mắc chính có thể kể đến như vấn đề quỹ đất, thủ tục, nguồn vồn ưu đãi…

“Bộ Xây dựng phải phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường và tất các các địa phương để giải quyết vấn đề quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời cần có thêm nhiều chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đơn giản về thủ tục pháp lý. Ngoài ra, ngành ngân hàng cần tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn với lãi suất thấp. Ví dụ Singapore lãi suất chỉ khoảng 2%”, ông Nhân nêu.

ts-le-ba-chi-nhan-doanh-nghiep-bds-an-xoi-o-thi-gap-khung-hoang-la-duong-nhien-2.jpg
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Bá Chí Nhân 

Còn theo ông Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý bất động sản, để hiện thực hóa đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội thì giải pháp dài hạn, căn cơ là phải sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở để đề ra những chính sách thực chất nhằm phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là việc tạo lập quỹ đất, bố trí vốn, các cơ chế ưu đãi và lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

“Nhưng Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến thông qua vào cuối năm 2023 và phải đến tháng 7.2024 mới có hiệu lực. Trong một năm rưỡi sắp tới, Chính phủ cần áp dụng giải pháp trung hạn và ngắn hạn nhằm “giải cứu” nhà ở xã hội, gồm sửa đổi Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 49/2021/NĐ-CP)”, ông Đỉnh khuyến nghị.

Ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 cũng cho rằng để đạt được mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 thì phải có đủ quỹ đất để xây nhà ở xã hội. Quỹ đất phải quy hoạch đủ đáp ứng nhu cầu của người dân và Nhà nước nên đứng ra giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho doanh nghiệp. Khi đó, chỉ cần 1 năm thủ tục đầu tư, 2 năm xây dựng; trong khi hiện nay riêng giải phóng mặt bằng đã mất 2-5 năm. Ngoài ra, chi phí giải phóng mặt bằng cấu thành vào giá tính theo định mức nhà nước, nhưng trong thực tế, chủ đầu tư đang trả cho người dân theo thỏa thuận. Như vậy phần vượt định mức sẽ “ăn” vào phần lợi nhuận của chủ đầu tư.

“Đối với dự án nhà ở xã hội, cho dù có đất sạch thì để triển khai dự án thì từ khi xin thủ tục đầu tiên đến khi xong phải rơi vào 5-7 năm trở lên”, ông Quê nói và cho hay trong thủ tục mở bán, việc phê duyệt giá mất nhiều thời gian cũng là điều các doanh nghiệp băn khoăn. Nhiều khi doanh nghiệp làm xong móng rồi mà vẫn chưa được bán vì chưa được phê duyệt giá.

“Thủ tục trước kia chỉ làm một vòng. Người mua nhà làm hồ sơ gửi cơ quan công tác, chính quyền, xin xác nhận, chủ đầu tư gửi lên Sở Xây dựng là xong. Còn hiện nay, khi chủ đầu tư gửi lên Sở Xây dựng thì Sở lại gửi sang quận, phường, gửi sang thuế, tài nguyên môi trường, rồi phường, quận lại tập hợp hồ sơ, gửi lại lên Sở. Như vậy, chúng ta làm rất nhiều vòng, trong khi chỉ một vòng là đủ”, ông Quê nhấn mạnh và cho rằng thủ tục nhiêu khê dẫn đến ùn ứ hồ sơ.

Liên quan đến đề xuất của Bộ Xây dựng về gói tín dụng 110.000 tỉ đồng cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng nhận thấy, việc có một gói tín dụng riêng cho lĩnh vực này là cần thiết, để tăng cung về nhà ở xã hội, giúp giảm mất cân đối với thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, theo đại diện NHNN, nguồn vốn từ đâu cũng phải cân nhắc, tức là với nguồn vốn từ tái cấp vốn, là cung ứng tiền ra với thời gian dài hạn, có thể làm giảm tính linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ. Vì vậy, cần tính toán nguồn vốn tổng thể trên cơ sở chính sách tiền tệ cũng đang thực hiện nhiều chỉ đạo của Chính phủ về tái cơ cấu như tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng… và ở các lĩnh vực, các ngành kinh tế khác.

"NHNN đã họp với 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Các ngân hàng thương mại nhà nước cũng thống nhất dành một gói tín dụng cho lĩnh vực này trị giá 120.000 tỉ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ", đại diện NHNN cho biết.

Hoài Lam