Vụ ASML tố cựu nhân viên ở Trung Quốc trộm dữ liệu làm cuộc chiến Mỹ - Trung thêm căng thẳng
Thế giới số - Ngày đăng : 13:05, 18/02/2023
CNN hôm 16.2 đưa tin ASML cáo buộc một cựu nhân viên tại Trung Quốc đánh cắp dữ liệu liên quan đến công nghệ độc quyền của công ty. Sau những tiết lộ trên, các câu hỏi đang đặt ra về những rủi ro liên quan đến sự tăng trưởng đó của ASML.
Peter Wennink, Giám đốc điều hành ASML, đã kiên định bảo vệ hoạt động kinh doanh của công ty Hà Lan ở Trung Quốc. Ngay cả sau khi các luật sư riêng của ASML lập luận trước tòa rằng các nhân viên cũ đã đánh cắp tài sản trí tuệ (IP) như một phần của “âm mưu lấy công nghệ cho chính phủ Trung Quốc”, công ty Hà Lan công khai hạ thấp vấn đề.
ASML gợi ý rằng họ không phải là nạn nhân của hoạt động gián điệp, mà những nhân viên lừa đảo “đã vi phạm pháp luật để làm giàu cho bản thân”.
Trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh nỗ lực ngăn cản Trung Quốc tiếp cận công nghệ bán dẫn, việc cáo buộc cựu nhân viên trộm thông tin kỹ thuật có thể dẫn đến sự kiểm soát chặt chẽ hơn với ASML.
Bị mắc kẹt giữa căng thẳng chính trị leo thang, Peter Wennink cố gắng bảo vệ một nguồn tăng trưởng quan trọng, lập luận rằng việc kiểm soát chặt chẽ cuối cùng có thể thúc đẩy Trung Quốc phát triển các máy sản xuất chip tiên tiến của riêng mình.
Alexander Peterc, nhà phân tích của công ty Societe Generale, cho biết: “Peter Wennink không hài lòng. Tất cả những gì Peter Wennink muốn là có nhiều khách hàng mua công cụ sản xuất chip của họ hơn, đặc biệt nếu ông ấy đầu tư vào khả năng bán hàng và phân phối ở một quốc gia như Trung Quốc”.
Nhiều người e ngại Trung Quốc có thể lấy trộm công nghệ chủ chốt cho các hệ thống có thể sản xuất ra những chip tiên tiến nhất trên thế giới. Hiện không có công ty nào sở hữu công nghệ sản xuất chip với độ phức tạp cao trên đĩa bán dẫn như ASML.
Theo công ty nghiên cứu Gartner, ASML rất quan trọng ngành công nghiệp chip đến mức kiểm soát hơn 90% thị trường thiết bị in thạch bản toàn cầu trị giá 17,1 tỉ USD tính đến năm 2021. Việc ASML gần như độc quyền với các hệ thống in thạch bản tiên tiến nhất khiến công ty trở thành một bánh răng quan trọng trong ngành và là mục tiêu do thám.
“Vấn đề chính của ASML nằm ở các công nghệ tiên tiến. Lợi thế công nghệ đó cần được bảo vệ. Trung Quốc là một thị trường béo bở. Nếu bạn không ở đó thì một thực thể khác có thể cạnh tranh với bạn”, David Criekemans, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Antwerp (Bỉ), nhận định.
Peter Wennink đã chỉ ra lịch sử lâu dài của ASML trong việc bảo vệ công nghệ của công ty và duy trì vị trí dẫn đầu, một phần nhờ vào việc sử dụng doanh thu từ các thị trường như Trung Quốc để tái đầu tư. Ông nói rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu do Mỹ áp đặt và gần đây được Hà Lan, Nhật Bản áp dụng, có nguy cơ phản tác dụng.
“Nếu không thể có được những chiếc máy đó, họ sẽ tự phát triển chúng. Điều đó sẽ mất thời gian, nhưng cuối cùng họ sẽ đạt được", Giám đốc điều hành ASML nói trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 1 với trang Bloomberg.
Nhiệm kỳ của Peter Wennink bắt đầu vào 2013, cùng năm mà ông Tập Cận Bình trở thành Chủ tịch Trung Quốc. Vào thời điểm này, toàn cầu hóa dường như không có giới hạn và trong những năm sau đó, các chuyến hàng của ASML đến Trung Quốc bắt đầu bùng nổ.
Trong thời gian này, cổ phiếu ASML đã tăng gấp 10 lần để trở thành hãng công nghệ có giá trị nhất châu Âu.
Trong năm đầu tiên Peter Wennink làm Giám đốc điều hành ASML, Trung Quốc bắt đầu rót nguồn lực lớn vào ngành công nghiệp chip bằng cách thành lập một quỹ thu hút khoảng 45 tỉ USD vốn và hỗ trợ nhiều công ty. Peter Wennink định vị ASML theo đuổi những nguồn đó.
ASML đã đầu tư vào phát triển phần mềm ở thành phố Thâm Quyến, sản xuất hệ thống kiểm tra ở Bắc Kinh và đặt trụ sở khu vực tại Hồng Kông. ASML hiện có 1.500 nhân viên ở Trung Quốc. Công ty cũng có công dân Trung Quốc làm việc tại trụ sở chính ở Veldhoven (Hà Lan).
Được tiết lộ trong báo cáo thường niên của ASML tuần này, vụ cựu nhân viên tại Trung Quốc trộm dữ liệu xảy ra trong một kho lưu trữ kỹ thuật bao gồm các chi tiết về hệ thống quan trọng để sản xuất một số chip tiên tiến nhất thế giới. Những người hiểu biết về tình hình tiết lộ thông tin này với Bloomberg.
Vụ xâm phạm liên quan đến thông tin chứ không phải phần cứng và đã được thực hiện trong vài tháng qua, theo nguồn tin của Bloomberg. ASML cho biết đang điều tra vi phạm và phản hồi bằng cách thắt chặt kiểm soát an ninh.
ASML đang bị hạn chế bán các máy móc tiên tiến nhất của mình cho Trung Quốc. Trong khi ASML cho biết hành vi trộm cắp không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, việc đó xảy ra khoảng một năm sau khi công ty Hà Lan cáo buộc Dongfang Jingyuan Electron Ltd (có trụ sở tại Bắc Kinh) có thể đã đánh cắp bí mật thương mại của họ.
Trước đó, trong một phiên tòa năm 2018 ít được chú ý, các luật sư của ASML cho biết các nhân viên cũ đã âm mưu đánh cắp tài sản trí tuệ và gửi nó cho một công ty ở bang California (Mỹ) cùng một công ty liên quan ở Trung Quốc là Dongfang Jingyuan Electron Ltd.
Một kỹ sư bị buộc tội đánh cắp toàn bộ 2 triệu dòng mã nguồn cho phần mềm quan trọng của ASML và sau đó chia sẻ một phần mã đó với các nhân viên tại Dongfang Jingyuan Electron Ltd cùng công ty Mỹ, theo bản ghi của quá trình tố tụng.
Vụ việc mới nhất đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Mỹ.
Thea Kendler, trợ lý Bộ trưởng Thương mại phụ trách Quản lý Xuất khẩu, cho biết Mỹ “quan ngại sâu sắc” về các cáo buộc này. Căng thẳng giữa hai cường quốc đã lên cao sau khi một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay lượn trên không phận Mỹ trước khi bị bắn hạ.
Hà Lan đã tham gia nỗ lực của Mỹ nhằm hạn chế xuất khẩu công nghệ sản xuất chip sang Trung Quốc. Theo đó, Hà Lan sẽ ngăn không cho ASML bán ít nhất một số máy in thạch bản nhúng cho Trung Quốc, loại thiết bị tiên tiến nhất trong dây chuyền in thạch bản tia cực tím sâu (DUV) của công ty, những người quen thuộc với các cuộc đàm phán nói với Bloomberg.
Liesje Schreinemacher, Bộ trưởng Thương mại Hà Lan, cho biết: “Thật đáng lo ngại khi một công ty lớn và uy tín như vậy lại bị ảnh hưởng bởi hoạt động gián điệp kinh tế. Điều này một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của việc chúng tôi bảo vệ tốt công nghệ chất lượng cao mà chúng tôi có ở Hà Lan”.
Theo Giáo sư David Criekemans, Hà Lan có thể sẽ phải đối mặt với áp lực hơn nữa từ Mỹ để phải làm nhiều hơn và có thể tìm kiếm điều gì đó để thay cho việc thắt chặt các hạn chế với ASML.
Mỹ từng công bố các hạn chế vào tháng 10.2022 nhằm hạn chế khả năng của Trung Quốc trong việc sản xuất chất bán dẫn tiên tiến của riêng mình hoặc mua chip tiên tiến từ nước ngoài để hỗ trợ các năng lực quân sự và trí tuệ nhân tạo (AI).
Áp lực khiến Trung Quốc có động thái tạm dừng các khoản đầu tư lớn nhằm xây dựng ngành công nghiệp chip của mình. Thay vào đó, Trung Quốc đang tìm kiếm những cách thay thế để hỗ trợ các nhà sản xuất chip trong nước, chẳng hạn như giảm chi phí vật liệu bán dẫn, những người quen thuộc với vấn đề này cho biết.
Peter Wennink đã công khai chỉ trích các biện pháp kiểm soát xuất khẩu với Trung Quốc do Mỹ dẫn đầu, cho rằng những hạn chế quá mức có thể dẫn đến chi phí cao hơn cho các nhà sản xuất chip. Song nhu cầu cho các thiết bị của ASML sau cuộc khủng hoảng bán dẫn do đại dịch là rất lớn, đến mức biện pháp kiểm soát xuất khẩu với Trung Quốc gần như không có tác động đến kinh doanh của công ty.
Một máy của ASML duy nhất có thể lớn bằng chiếc xe buýt và giá khoảng 170 triệu USD. Nếu máy của ASML không được vận chuyển đến Trung Quốc thì sẽ có đủ người mua ở những nơi khác, đặc biệt là khi Mỹ và châu Âu tìm cách đưa về nước các thành phần chính sản xuất chip và giải quyết một số khía cạnh của toàn cầu hóa.
Các nhà phân tích ước tính rằng các hạn chế mới có thể ảnh hưởng ở mức không quá 4% doanh thu của ASML do công ty tránh được các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn. Bản thân Peter Wennink đã gợi ý rằng vẫn có đủ nhu cầu để các biện pháp hạn chế với Trung Quốc sẽ không cản trở mục tiêu tăng gần gấp đôi doanh số bán hàng của ASML vào năm 2025.
Cuối cùng, Peter Wennink đang thúc đẩy cho các chính phủ bỏ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và để thế giới trở lại phẳng như trước.
“Chúng tôi là doanh nhân. Chúng tôi không phải là chính trị gia. Các định luật vật lý tại Trung Quốc cũng giống như ở đây”, ông nói vào tháng trước.