Chữ ăn kia cũng có ba bảy đường
Văn hóa - Ngày đăng : 15:00, 18/02/2023
Phở, bánh mì và cơm tấm là ba món ăn sáng phổ biến được người Việt và du khách nước ngoài yêu thích. Phở thì khỏi bàn, biết bao từ ngữ, áng văn ca ngợi món phở danh bất hư truyền của Việt Nam với hàng loạt thương hiệu khác nhau cho đến cả những dự án làm về phở. Đó là món mùa nào cũng dễ ăn, dễ thấy ngon.
Chả thế mà sau thời gian giãn cách vì dịch bệnh, khi được hỏi món gì thèm ăn nhất và phải ăn ngay, bà con ta chúng khẩu đồng từ gọi tên phở. Tuy nhiên ăn bát phở ở xứ người thấy khó mà ngon bằng ăn phở trên quê hương, không những thế việc “khuyến mại” con tôm, miếng mực, nhiều khi làm bát phở hơi lạc vị.
Còn bánh mì được CNN ca ngợi hết lời. Không thiếu cảnh, người đi làm sớm ôm ổ bánh mì bên cốc chè chén vỉa hè ngồi ăn ngon lành. Ta thích, Tây cũng khen bánh mì Việt. Bánh mì kẹp trứng, kẹp chả, kẹp xúc xích, dăm bông, pate… mỗi loại một vị riêng. Sài Gòn có món bánh mì chảo. Là ăn bánh mì kèm 1 chảo pha trộn cả trứng, xúc xích, pate, thịt bò, cá hộp… và dĩ nhiên có đĩa dưa leo, đồ chua ăn kèm. Sau có món bánh mì Kebab của Thổ Nhĩ Kỳ du nhập vào ta, thịt ú ụ ăn một cái no 2 bữa, nhưng không thịnh hành bằng bánh mì Việt.
Cơm tấm Sài Gòn trước đây chỉ dành cho dân văn phòng hay người lao động thích ăn no chắc bụng để lấy sức làm việc, giờ đã trở thành món khoái khẩu của giới trẻ. Mấy quán cơm tấm ở quận 1 toàn mở cửa từ nửa đêm tới sáng, và giới trẻ là khách hàng chủ yếu khi lúc đó đi chơi “quá đã” về, thấy đói mới dằn bụng.
Du khách nước ngoài cũng thử cơm tấm và cũng thấy hay hay như một anh bạn người Pháp nghiền món cơm tấm sườn nướng, bì heo.
Còn nhà thơ phương Nam ra Hà Nội lại chỉ sùng sục đòi đi ăn sáng là cháo lòng (lòng xe điếu) và bún đậu mắm tôm kèm cút rượu trắng. Khổ thế!