9 loại cây hút khí độc cực tốt cho nhà ở và văn phòng
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 09:16, 09/07/2015
Không chỉ mang ý nghĩa về phong thủy, những loại cây cảnh như Ngũ gia bì, Nha đam, Dương xỉ, cọ cảnh hay cỏ seo gà, đặt ở khu vực trong nhà hoặc trong sân sẽ hút khí độc cực tốt, mang đến không khí trong lành và tốt cho sức khỏe của con người.
Ngoài ra, có một số cây đặt trong phòng làm việc sẽ giúp tăng hiệu suất công việc.
1. Cây Ngũ gia bì
Ngũ gia bì còn có tên gọi khác là Xuyên gia bì, Thích gia bì hay Chân chim, cao 2-3m, nhiều lá màu xanh đậm. Vỏ có thể được dùng làm thuốc. Cây còn có khả năng đuổi các loại côn trùng cực tốt, nhất là muỗi.
2. Thiết mộc lan
Hay còn gọi là Cây phát tài. Đây là loại cây mà trong phong thủy quan niệm mang lại may mắn cho gia chủ. Loại cây này không chỉ được trồng trong văn phòng mà nhà riêng cũng rất được ưa chuộng. Trong nghiên cứu nông nghiệp, loại cây này có khả năng hấp thụ khí toluen sau 24h tiếp xúc (tính trên một đơn vị diện tích bề mặt lá) là 1.3 µg/cm2, 2,7 µg/cm2 sau 72 giờ tiếp xúc.
3. Cỏ seo gà
Cây này có nhiều tên gọi như phượng vĩ thảo, hùng kê thảo, kê cước thảo, kim kê vĩ... Đây là loại cây nhỏ sống nhiều năm, lá mọc thành chùm xòe ra như đuôi gà.
Ngoài khí CO, cây cỏ seo gà còn có khả năng hấp thụ khí formaldehyde. Trong Đông y, cỏ seo gà là loại thuốc có khả năng chữa bệnh đường viêm tiết niệu. Loại cây này được dân văn phòng ưa chuộng nhiều.
Theo PGS, TS Phùng Văn Khoa (Khoa Sau Đại học, Đại học Lâm nghiệp), khi trồng cây trong nhà 10m2 nên trồng từ 2-3 cây, có cây cao 1 m và đường kính tán 0,5m, một cây nhỏ hơn đặt gần nơi làm việc. Thực tế đã chứng minh rằng, cây được đặt gần bàn làm việc sẽ góp phần tăng hiệu suất làm việc, giúp thư giãn, góp phần phát huy tính sáng tạo.
Mặt khác, khi trồng cây cần lưu ý không tự tiện ngắt lá để nhai, ăn. Thêm nữa, chú ý không đặt cây xanh hút khí oxi, thải khí cacbonic về đêm trong phòng ngủ.
4. Cây thiên niên kiện Cây có thân rễ mập, bò dài, lá mọc từ thân rễ, phiến lá sáng bóng. Theo kết quả của nhóm nghiên cứu, cây thiên niên kiện có thể hút khí CO và formaldehyde.
Ngoài ra, còn có một số loại cây khác (ngoài nghiên cứu trên) có thể hút bớt khí độc trong phòng. Loại cây này cũng là loại thuốc chữa bệnh phong hàn, thấp khớp. Ngoài trồng trong chậu đất, loại cây này có thể trồng thủy sinh trong bình kính, để trên bàn hoặc trong phòng làm việc.
5. Cồ nốc hoa đầu
Còn có tên gọi khác là Cồ nốc lá lớn, cồ nốc rộng, sâm cau lá lớn. Theo kết quả nghiên cứu, cây cồ nốc hoa đầu có khả năng hút khí toluen với 0,1 µg/cm2 sau 24 giờ tiếp xúc, còn 72 h tiếp xúc là 1.0 µg/cm2. Hoa và rễ của Cồ nốc hoa đầu có thể giúp đường tiêu hóa và trị bệnh đường tiết niệu.
6. Cây mẫu tử
Cây mẫu tử phân bố ở châu Phi và châu Mỹ. Cây thân chồi mập mạp, lá mọc sát đất và mọc thành từng bụi nhỏ, trông khá đẹp mắt thường để trồng trên bàn làm việc. Cây mẫu tử là cây có khả năng hút các khí độc và thải khí CO2.
7. Cây cọ cảnh
Cọ cảnh không chỉ là loại cây hút khí độc tốt mà còn được dân văn phòng ưa chuộng, sử dụng để trang trí trên bàn làm việc hoặc trồng trong không gian rộng, thoáng mát. Với dáng vẻ độc đáo, dạng cây thân cột, đơn độc, lá to dạng tròn, màu xanh bóng ở mặt trên. Lá cọ cảnh có hình dạng như cái quạt xoè ra. Loại cây này hút khí benzen, khí formaldehyde.
8. Cây nha đam
Cây nha đam, hay còn gọi là lô hội. Nha đam có thể hút khí aldehyde formic, cacbonic, cacbondioxit. Nha đam không chỉ dùng làm cây cảnh, rất dễ trồng mà nó dùng để ăn (nấu với đường phèn, hoặc chè đậu xanh) rất mát.
9. Cây dương xỉ
Cây dương xỉ thuộc loại thân thảo, dường như không có thân mà chỉ có lá. Dương xỉ nằm trong nhóm nhưng loại cây thuốc quý (chữa thận hư, ỉa chảy, bong gân, tụ máu sai khớp, phong thấp, cầm máu...) và có khả năng làm sạch không khí bằng cách hút khí aldehyde formic. Ngoài ra, người ta có thể sử dụng đọt non của dương xỉ để làm rau ăn.
Minh An (Tổng hợp)