TP.HCM kiến nghị điều chỉnh hướng tuyến vành đai 4

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 06:30, 19/02/2023

UBND TP.HCM vừa có công văn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì phối hợp với chính quyền TP.HCM và 3 tỉnh rà soát, điều chỉnh hướng tuyến vành đai 4.

Theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, đường Vành dai 4 TP.HCM là tuyến vành đai cao tốc, có chiều dài khoảng 199 km, quy mô 8 làn xe, đầu tư trước năm 2030.

Tuyến đường dài khoảng 199 km đi qua 5 địa phương: TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu; điểm đầu tại đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, điểm cuối tuyến nối trục Bắc - Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước TP.HCM.

Tháng 9.2021, Thủ tướng đã có văn bản giao các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án thuộc tuyến đường này. TP.HCM làm cơ quan có thẩm quyền triển khai đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn) chiều dài 17km.

Dự án Vành đai 4 có quyết định chủ trương đầu tư vào quý 2-2023, quyết định đầu tư vào quý 4/2023. Công tác tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và khởi công vào quý 4/2024. Công trình dự kiến hoàn thành vào quý 1/2026.

Trước đó, trong 3 phương án đã trình, Sở GTVT TP.HCM đã đề xuất  chỉnh hướng tuyến để vành đai 4 đoạn qua TP.HCM tiết kiệm 4.000 tỉ đồng, giúp 669 hộ dân không phải giải tỏa, di dời.

Có 3 phương án được đề xuất nghiên cứu, lấy ý kiến góp ý để lựa chọn phương án tối ưu nhất. Cụ thể

Phương án hướng tuyến 1: Thực hiện theo hướng tuyến quy hoạch, đi trùng đường Bàu Lách, đường Nguyễn Thị Rành, đường Trung Viết, đường Cao Thị Bèo... qua huyện Củ Chi.

Trên thực tế, đoạn đi theo đường Bàu Lách dài khoảng 4,7km và đoạn theo đường Nguyễn Thị Rành khoảng 2,1km ở huyện Củ Chi có nhiều nhà cửa, công trình.

Tuy phương án có diện tích giải phóng mặt bằng thấp nhất nhưng số hộ dân giải tỏa lại nhiều nhất. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 theo phương án cũng cao nhất, gần 17.792 tỉ đồng. Do tuyến vành đai đi qua đường hiện hữu nên khi triển khai thi công sẽ rất khó khăn về tổ chức giao thông.

Phương án hướng tuyến 2: là nắn chỉnh một đoạn 9,7km về phía nam 0 - 160m, tránh đường Bàu Lách, Nguyễn Thị Rành hiện hữu. Đoạn tiếp 3,7km nắn về phía nam 0 - 120m tránh đường Trung Viết, Cao Thị Bèo hiện hữu và đoạn còn lại trùng tim quy hoạch.

Phương án tránh được đường hiện hữu, tránh được khu dân cư, số hộ dân di dời ít nên giảm chi phí giải phóng mặt bằng. Tổng mức đầu tư khi làm phương án 2 khoảng 13.803 tỉ đồng.

Phương án hướng tuyến 3: sẽ nắn chỉnh một đoạn dài 14,7km về phía Nam 1.300m tránh đường hiện hữu, đoạn còn lại trùng quy hoạch. Hướng tuyến tránh xa các đường hiện hữu nên số hộ dân di dời ít nhất.

Tuyến cắt ngang qua khu công nghiệp Tây Bắc giai đoạn 2 được quy hoạch từ năm 2007 đến nay chưa xây dựng. Chi phí đầu tư khoảng 13.631 tỉ đồng, thấp nhất so với các phương án còn lại và đặc biệt là giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến cuộc sống ổn định của người dân.

Theo Sở GTVT so về chi phí đầu tư, phương án 3 khi làm sẽ tiết kiệm gần 4.160 tỉ đồng so với phương án 1. Phương án 3 cũng chỉ di dời 481 căn nhà, công trình, trong khi phương án 1 có 1.150 trường hợp, phương án 2 có 486 trường hợp.

Bên cạnh đó, chính quyền TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét, bố trí vốn ngân sách Trung ương tham gia thực hiện các dự án trên đường vành đai 4, bao gồm tiền giải phóng mặt bằng và chi phí xây dựng.

H.Đ