Gần 30 vòng lặp phản hồi khí hậu có thể thay đổi vĩnh viễn khí hậu Trái đất

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:48, 19/02/2023

Theo một nghiên cứu mới, các vòng lặp phản hồi khí hậu nguy hiểm đang làm gia tăng sự nóng lên toàn cầu và có nguy cơ gây ra sự thay đổi khí hậu hiện tại vĩnh viện của Trái đất.

Các vòng lặp phản hồi khí hậu là các phản ứng dây chuyền theo chu kỳ xảy ra khi một thay đổi kích hoạt các thay đổi tiếp theo, trong một quá trình không ngừng lặp lại. Một số vòng lặp phản hồi này làm giảm sự nóng lên toàn cầu, nhưng những vòng khác lại khuếch đại nó.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học bang Oregon (Mỹ), Đại học Exter (Anh) và Viện nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam (Đức) đã xác định 41 vòng phản hồi khí hậu trong báo cáo của họ, 27 vòng trong số đó làm tăng sự nóng lên, 7 vòng trong số đó có tác dụng làm giảm và 7 vòng không chắc chắn.

William Ripple, Giáo sư Sinh thái học tại Đại học bang Oregon và là tác giả chính của nghiên cứu, nói với CNN rằng trong số các vòng lặp phản hồi mà họ trích dẫn bao gồm băng vĩnh cửu tan chảy, rừng chết, mất carbon trong đất, than bùn khô và cháy âm ỉ. "Những vòng lặp phản hồi này có thể lớn và khó định lượng chính xác", Ripple nói với CNN.

Ông nói thêm rằng các nhà nghiên cứu đã rất ngạc nhiên trước số lượng lớn các vòng lặp phản hồi khí hậu khuếch đại mà họ tìm thấy.

"Theo hiểu biết tốt nhất của chúng tôi, đây là danh sách đầy đủ nhất về các vòng lặp phản hồi khí hậu và không phải tất cả chúng đều được xem xét đầy đủ trong các mô hình khí hậu", Christopher Wolf, học giả sau tiến sĩ tại Đại học bang Oregon và là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết.

anh-chup-man-hinh-2023-02-19-luc-10.34.29.png

Theo nghiên cứu, các vòng lặp phản hồi khí hậu cũng có thể ảnh hưởng gián tiếp lẫn nhau, tạo ra một mạng lưới phức tạp gồm các thay đổi liên kết với nhau có thể đẩy nhanh tác động của khủng hoảng khí hậu.

Ví dụ về lớp băng vĩnh cửu, nhiệt độ tăng dẫn đến tan băng, tạo ra khí thải carbon dioxide và khí mê-tan dẫn đến nhiệt độ ngày càng tăng, từ đó giúp tạo ra các điều kiện nóng hơn, khô hơn khiến cháy rừng lan nhanh. Cháy rừng giải phóng sự ô nhiễm làm nóng hành tinh, làm tăng thêm nhiệt độ...

Ripple cho biết: “Những mối liên kết này khiến việc dự đoán chính xác các tác động của biến đổi khí hậu trở nên khó khăn". 

Báo cáo cũng cảnh báo rằng các vòng lặp phản hồi tương tác có thể dẫn đến một chuỗi các "điểm tới hạn" của sự kiện khí hậu thảm khốc.

Wolf cho biết: "Một khi sự ấm lên xảy ra, các vòng lặp phản hồi cuối cùng có thể khiến dải băng Greenland sụp đổ, đây là kết quả của việc vượt quá điểm tới hạn".

Ripple cho biết trong một tuyên bố: "Trong trường hợp xấu nhất, nếu vòng lặp phản hồi khuếch đại đủ mạnh, kết quả có thể là biến đổi khí hậu bi thảm vượt ra khỏi tầm kiểm soát của con người".

Nghiên cứu cũng tìm thấy 7 vòng lặp phản hồi "giảm chấn", giúp ổn định hệ thống khí hậu. Chúng bao gồm khả năng của đất và đại dương hấp thụ khí thải carbon làm nóng hành tinh.

Báo cáo lưu ý rằng hầu hết các quốc gia đã ký kết Hiệp định Paris, kêu gọi hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 2,0 độ C và lý tưởng là 1,5 độ C, nhưng họ cho biết cần có hành động quyết liệt hơn để giảm lượng khí thải cũng như tăng cường nghiên cứu về các vòng lặp phản hồi khí hậu. 

Đan Thuỳ