Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh: “Một dự án thông được đầu này thì bị chặn hết các đầu khác”

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 12:09, 21/02/2023

“Hiện giờ một dự án "thông được đầu này thì bị chặn hết các đầu khác", chặn về đất đai, về môi trường… Mỗi dự án chỉ cần chậm 1-2 tháng thôi thì không thể thực hiện đồng thời được”, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu.

Về việc giải ngân đầu tư công 2022, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết tháng 9.2022 Hà Nội mới giải ngân chưa được 50%. Khi đó Thủ tướng đã có đoàn công tác trực tiếp làm việc với TP.Hà Nội.

“Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đoàn công tác của Thủ tướng, TP.Hà Nội đã chủ động tích cực nhận diện các khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ, tập trung về trách nhiệm, giá cả. Đến 31.1.2023, TP.Hà Nội đã giải ngân được hơn 45.000 tỉ đồng (87,8%), đây là sự nỗ lực rất lớn của thành phố”, ông Thanh nói.

Về khó khăn, vướng mắc, TP.Hà Nội đồng tình với báo cáo của Bộ KH-ĐT đó là có rất nhiều khó khăn về kkỹ thuật, quy trình dự án, phân cấp phân quyền. “Rất mong Thủ tướng trong bối cảnh pháp luật chưa kịp sửa có việc gì ủy quyền được cho địa phương, ủy quyền cho các Bộ trưởng thì mong một Nghị quyết của Chính phủ, của Quốc hội phân cấp phân quyền cho địa phương”.

ha-noi.jpg
Các địa phương họp cùng Thủ tướng về đầu tư công

“Hiện giờ một dự án "thông được đầu này thì bị chặn hết các đầu khác", chặn về đất đai, về môi trường… Mỗi dự án chỉ cần chậm 1-2 tháng thôi thì không thể thực hiện đồng thời được. Mong Thủ tướng cho rà soát lại, phân cấp ủy quyền mạnh về việc này để giảm tình trạng "phải ngồi đôn đốc nhau" như thế này”, ông Thanh nói.

Ông Thanh cũng cho hay, ngoài nhà máy nước thải Yên Xá, dự án đường Nhổn - ga Hà Nội cũng đã hết thời gian hiệp định vay vốn đến 31.12. Thủ tướng đã kiểm tra dự án và Hà Nội đã báo cáo tiến độ từ cuối tháng 11 mà đến tháng 1.2023 mới có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng xuống Bộ KH-ĐT thẩm định là quá chậm.

Về vấn đề liên quan đến Luật Đầu tư công, không chỉ riêng Hà Nội mà các tỉnh thành khác cũng đang vướng, đó là câu chuyện phải có đủ vốn mới được phê duyệt chủ đầu tư. Hà Nội nhiệm kỳ này có 250.000 tỉ vốn đầu tư công, với số tiền này Hà Nội chỉ bố trí cho 5-7 công trình đã hết số tiền này mà cũng phải làm trong ít nhất 2 nhiệm kỳ.

“Đây chính là câu chuyện nhiệm kỳ ảnh hưởng đến việc bố trí vốn đầu tư công mà hội đồng nhân dân không thể tháo gỡ được, cứ tháo gỡ là sai luật. Mong Thủ tướng quan tâm chỉ đạo nội dung này thì mới giải thoát được câu chuyện về bố trí vốn”, ông Thanh nêu.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cũng đồng tình với ý kiến của lãnh đạo Hà Nội và cho rằng công tác GPMB hiện nay theo Luật Đầu tư công là giữa nhóm A mới là tiểu dự án riêng. Ông Huy đề nghị tất cả các dự án đầu tư công này, cho phép tách ra thành các tiểu dự án GPMB thì sẽ đẩy nhanh được hơn.

Ngoài ra, theo ông Huy, việc ủy quyền cho UBND cấp huyện phê duyệt đơn giá GPMB và các địa phương là việc làm rất cần thiết, bởi ở cấp huyện mới hiểu rõ được nội dung này.

“Bây giờ tất cả báo cáo lên tỉnh để phê duyệt là phải thành lập hội đồng cấp tỉnh, phải đi kiểm tra. Như vậy không đủ thời gian để làm. Vừa qua, tỉnh đã ủy quyền rồi nhưng một số bộ, ngành có ý kiến là việc ủy quyền này không theo luật. Do đó, vừa rồi Quảng Ninh có ý kiến, nếu cấp có thẩm quyền đồng ý để UBND cấp tỉnh ủy quyền cho cấp huyện được phê duyệt giá GPMB và tái định cư thì sẽ đẩy nhanh được tiến độ giải ngân vốn đầu tư công”, ông Huy nêu.

Lãnh đạo Đại học quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) cho biết năm 2022 được bố trí vốn là 1.172,4 tỉ đồng. Đến thời điểm hiện nay việc giải ngân chỉ đạt 38,48%, trong đó còn có 789,8 tỉ chưa được giải ngân tập trung vào mấy hạng mục chưa giải ngân được, trong đó phần vốn ngoài nước cho dự án WorldBank trong đó 319 tỉ không giải ngân được.

ha-noi-2.jpg
Lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội nêu vướng mắc trong giải phóng mặt bằng

“Hiện nay công tác GPMB đang kéo dài, có nhiều vướng mắc từ việc xác định nguồn gốc đất đai đến kiểm đếm đền bù áp giá dự án tái định cư, việc bốc thăm tái định cư cho các gia đình rất kém”, đại diện ĐHQGHN nói

Theo đó, dự án của WorldBank tài trợ đang vướng về tài sản đảm bảo do được Chính phủ cấp phát 90% còn vay lại 10%. Theo Luật Đầu tư công phải có tài sản đảm bảo cho phần vay lại. Tuy nhiên hiện nay việc xử lý cho tài sản đảm bảo đang vướng mắc. Hiện nay ĐHQGHN và ĐHQG TP.HCM, Đại học Đà Nẵng đã có kiến nghị Chính phủ vừa rồi Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xử lý tháo gỡ.

Tuy nhiên, việc này nếu không được giải quyết thì việc giải ngân hơn 900 tỉ vốn ngoài nước thực hiện dự án WorldBank trong năm 2023 thì ĐHQGHN không thể xử lý được. Hơn nữa quy trình xét duyệt của dự án Worldbank rất dài cho gói đầu tư mất từ 3-6 tháng, gói tư vấn mất đến 8-10 tháng. ĐHQGHN kính đề nghị Thủ tướng chỉ đạo, tháo gỡ cho ĐHQGHN.

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chia sẻ, hàng tuần, tỉnh nghe tất cả những khó khăn, vướng mắc của từng dự án. UBND tỉnh, Sở KH-ĐT phân công lãnh đạo nghe các đơn vị báo cáo để từ đó trực tiếp chỉ đạo. Đồng thời, bản thân Chủ tịch UBND tỉnh cũng ngồi trực tiếp lắng nghe, cùng tháo khó khăn và tháo gỡ chậm nhất 10 ngày sau khi đã nghe tất cả các báo cáo, đặc biệt là vướng mắc về thủ tục pháp lý, đất đai…

Về công tác GPMB, tỉnh tập trung thực hiện công tác này trước hết phải lo các chính sách về nơi ở mới, nhà tái định cư cho người dân. Tỉnh phải chuẩn bị quỹ đất, các căn hộ trước, nên khi người dân chuẩn bị giải tỏa có nơi ở ngay…

Hoài Lam