Điện thoại thông minh làm thay đổi cuộc chiến ở Ukraine như thế nào?
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:48, 21/02/2023
Hàng triệu điện thoại thông minh trở thành cảm biến có thể cung cấp dữ liệu thời gian, địa điểm, phản ánh thực tế chiến sự, cũng như biến thành công cụ tuyên truyền cho các bên. Công cụ này đang cho phép xây dựng kho lưu trữ trực quan rộng rãi về cuộc xung đột.
Smartphone được dùng để xác định mục tiêu quân sự và đánh giá thiệt hại. Chúng cho phép người dân cung cấp dữ liệu mục tiêu đến quân đội, làm mờ ranh giới giữa dân thường với quân đội.
Điện thoại thông minh còn được người dân Nga và Ukraine sử dụng để gây quỹ mua đồng phục, máy bay không người lái hoặc các thiết bị quân sự khác. Quân đội Ukraine cũng sử dụng smartphone để dẫn đường cho máy bay không người lái và ném bom các mục tiêu.
Matthew Ford, phó giáo sư tại Đại học Quốc phòng Thụy Điển cho biết: “Cuộc chiến nằm trong lòng bàn tay bạn, điều này thực sự đáng kinh ngạc. Bạn có thể theo dõi nó từ bất cứ đâu trên thế giới. Một thiết bị di động trở thành phương tiện để bạn sản xuất, xuất bản và thưởng thức nội dung trên mạng xã hội, đồng thời cũng là công cụ xác định mục tiêu quân sự”.
Tài liệu kỹ thuật số về chiến sự Ukraine được thu thập từ smartphone đã đạt quy mô khổng lồ. Một tổ chức giám sát phi lợi nhuận ở Đức cho biết, họ đã tập hợp 2,8 triệu tài liệu trong chưa đầy một năm chiến sự Ukraine, so với khoảng 5 triệu tài liệu trong suốt 11 năm xung đột tại Syria.
Brian Perlman, một điều tra viên tại Mnemonic cho biết, tổ chức của ông đang nghiên cứu tài liệu kỹ thuật số về chiến sự ở Urkaine, với sự trợ giúp của máy tính, trí tuệ nhân tạo. Mỗi tệp tài liệu được cung cấp một mã định danh duy nhất nhằm đảm bảo rằng nó không thể bị thay đổi sau đó.
Theo Eliot Cohen, nhà sử học quân sự và chiến lược gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, “điện thoại thông minh là giấc mơ trở thành hiện thực đối với những người làm tình báo và là cơn ác mộng đối với những người phản gián”. “Smartphone giúp theo dõi động thái đối phương, nhưng cũng có nguy cơ làm lộ hoạt động của đồng minh”, ông Cohen cho hay.
Các tay súng Chechnya đã sử dụng TikTok và Instagram để đăng tải chiến công của họ, nhưng cũng nhiều lần vô tình để lộ vị trí của họ bằng điện thoại di động. Tình báo quân sự của Ukraine có thể xác định vị trí của tay súng Chechnya thông qua mạng xã hội và tập kích.
Ông Cohen đánh giá việc sử dụng smartphone trên chiến trường là bài kiểm tra kỷ luật cơ bản. "Một đội quân có kỷ luật tốt đến mấy cũng khó có thể có thể ngăn chặn binh lính dùng smartphone”, ông nói.
Nền tảng mạng xã hội đang được cả Nga và Ukraine sử dụng nhiều nhất là Telegram, một ứng dụng được mã hóa cho phép phân phối rộng rãi nội dung mà hầu như không bị kiểm duyệt.
Andrew Hoskins, giáo sư về an ninh toàn cầu tại Đại học Glasgow (Anh) cho biết: “Trên Telegram, công chúng có thể chứng kiến sự khủng khiếp của chiến tranh trong thời gian thực mà chưa từng thấy trước đây. Chúng không bị làm mờ cũng như không bị kiểm duyệt”.
“Tôi nghĩ, trên một số kênh, mọi hình ảnh và video đều vi phạm Công ước Geneva, chẳng hạn như cấm phát tán các bức ảnh về những người đã thiệt mạng trong chiến tranh cũng như nhấn mạnh vào việc giữ gìn danh dự của các tù nhân chiến tranh”, giáo sư Hoskins nói.