Tình trạng nóng lên toàn cầu khiến hạn hán khắp nơi thêm trầm trọng
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:57, 21/02/2023
Bất chấp mưa bão tàn khốc trong giai đoạn tháng 12.2022 - 1.2023, phần lớn khu vực miền tây nước Mỹ vẫn đang trải qua hạn hán. Mỹ là một trong những quốc gia phải đối mặt với khô hạn bất thường và đang ngày trầm trọng do tình trạng nóng lên toàn cầu.
Khu vực Sừng châu Phi (Somalia, Ethiopia, Kenya) có thể đón mùa mưa ít nước thứ 6 liên tiếp vào mùa xuân này – làm hạn hán kỷ lục tại đây thêm tồi tệ. Nơi đây thường có 2 mùa mưa mỗi năm: tháng 3 đến tháng 5 và tháng 10 đến tháng 12.
Hạn hán nghiêm trọng chủ yếu do nhiệt độ ấm hơn kết hợp hiện tượng La Nina. La Nina có thể mang lại nhiều mưa hơn cho một số nơi như Indonesia, Úc nhưng đồng thời làm giảm lượng mưa ở phía đông châu Phi.
Tháng 8.2022, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) dự báo về một đợt La Nina thứ 3 liên tiếp: “Hạn hán ngày một trầm trọng ở Sừng châu Phi, phía nam Nam Mỹ cũng như lượng mưa trên mức trung bình ở Đông Nam Á và Úc mang dấu hiệu La Nina. Cập nhật tình hình củng cố cho dự báo hạn hán khu vực Sừng châu Phi sẽ trở tên tồi tệ hơn, ảnh hưởng đến hàng triệu người.
Một báo cáo khác vào tháng 11 của WMO cũng nhận định, La Nina đang tiếp diễn.
Hạn hán gây ra tình trạng mất an ninh lương thực trên diện rộng. Hơn 1,3 triệu người tại Somalia buộc phải rời khỏi nơi canh tác truyền thống đến địa điểm khác tìm kiếm nguồn thức ăn.
Giới khí tượng học Kenya chỉ ra, có mối liên hệ giữa khủng hoảng lương thực với biến đổi khí hậu. Cựu giám đốc cơ quan thời tiết Kenya Evans Mukolwe cho biết: “Đã đến lúc chúng ta xem biến đổi khí hậu là yếu tố cần cân nhắc trong kế hoạch phát triển của mình. Hạn hán hiện tại - điều mà chúng tôi cảnh báo vài năm trước - có tác động rộng hơn với tình hình kinh tế xã hội của khu vực, gồm cả hòa bình, an ninh và ổn định chính trị”.
Các quốc gia Nam Mỹ cũng hứng chịu hạn hán tồi tệ. Khu vực trung tâm lục địa này bị khô hạn từ năm 2019. Uruguay vào tháng 10.2022 ban bố tình trạng khẩn cấp về nông nghiệp; mùa đậu tương, lúa mì, ngô của Argentina bị ảnh hưởng nặng nề.
Argentina là quốc gia xuất khẩu dầu cùng bột đậu tương hàng đầu thế giới, xuất khẩu ngô thứ 3 thế giới. 2022 là năm khô hạn nhất ở miền trung Argentina kể từ năm 1960 đến nay.
Tổ chức nghiên cứu World Weather Attribution (WWA) nhận định, biến đổi khí hậu không trực tiếp làm giảm lượng mưa tại Nam Mỹ, nhưng nhiệt độ cao có khả năng làm hạn hán trở nên tồi tệ thêm. Tuần trước, Argentina cùng các nước láng giềng ghi nhận một đợt nắng nóng làm bốc hơi đáng kể lượng nước mưa đã rơi xuống trong tháng 1 - đầu tháng 2.