Nguy cơ chiến tranh hạt nhân sau khi Nga đình chỉ hiệp ước New START
Quốc tế - Ngày đăng : 10:48, 22/02/2023
Ký kết vào năm 2010 bởi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, New START quy định mỗi quốc gia không được phép triển khai nhiều hơn 1.550 đầu đạn hạt nhân và 700 tên lửa cùng máy bay ném bom. Năm 2021 hiệp ước được gia hạn thêm 5 năm.
Trong Thông điệp liên bang ngày 21.2 mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đơn phương đình chỉ New START. Tuy nhiên ông nhấn mạnh nước này chưa “xé bỏ” hiệp ước.
Duy trì chút ít sợ hãi
Chuyên gia Emmanuelle Maitre (Tổ chức Nghiên cứu Chiến lược FRS) nhận xét: “New START chưa mất nhưng đang tê liệt. Loại hiệp ước này hoạt động trên cơ sở ý chí chính trị, và rõ ràng ý chí chính chẳng còn nữa”.
Còn theo phó chủ tịch tổ chức thúc đẩy giải trừ vũ khí hạt nhân IDN (Pháp) Marc Finaud, tuy Tổng thống Putin vừa giáng một đòn nữa vào nỗ lực kiểm soát hạt nhân toàn cầu, nhưng cũng không nên “kịch tính hóa quá mức” động thái này.
“Đây chỉ là cách thức gây áp lực lên Mỹ và NATO – một phần của chiến lược đưa ra nhiều lời đe dọa ngày càng hung hăng. Không hề có thay đổi lớn nào, học thuyết của Nga vẫn vậy”, ông Finaud nói với AFP.
Chuyên gia Maitre nhận định: “Tổng thống Putin cần thường xuyên đưa ra lời đe dọa như vậy để củng cố tính chính danh và duy trì chút ít sợ hãi ở các nước phương Tây. Điều này không có nghĩa Nga có ý định tăng cường kho vũ khí”.
Nhà nghiên cứu Colin Clarke (tổ chức nghiên cứu an ninh quốc tế Soufan) đánh giá động thái đình chỉ New START cho thấy quan hệ Nga - Mỹ xấu đi như thế nào.
Theo chuyên gia Maitre, mặc dù Tổng thống Putin không định thay đổi chiến lược hạt nhân Nga, nhưng phía Mỹ có thể xem động thái đình chỉ New START là cơ hội tái cơ cấu và tăng cường kho vũ khí kho vũ khí.
Tác động từ động thái trên không chỉ giới hạn trong quan hệ Nga - Mỹ. Nhà nghiên cứu Clarke cảnh báo: “Với việc Iran ngày càng tiến gần đến mục tiêu sở hữu vũ khí hạt nhân, tình trạng phổ biến hạt nhân và bất ổn gia tăng sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách lo ngại”.
Học giả James Acton (tổ chức Carnegie Endowment vì Hòa bình quốc tế) cũng khuyến cáo: “Ngay cả khi New START chưa sụp đổ, giữa Trung Quốc, Nga và Mỹ đã diễn ra chạy đua vũ trang. Động thái đình chỉ New START có thể đẩy nhanh cuộc chạy đua này”.
Sau phát biểu của Tổng thống Putin, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố nước này vẫn sẽ tuân thủ nghiêm ngặt hạn chế về số lượng vũ khí hạt nhân trong New START dù đã đình chỉ hiệp ước.