Giám đốc BV Hữu Nghị Việt Đức: Nhiều bệnh viện sẽ hết hóa chất xét nghiệm trong 1 tuần nữa

Sự kiện - Ngày đăng : 12:52, 23/02/2023

GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết nhiều bệnh viện trong vòng một tuần nữa sẽ hết các hóa chất xét nghiệm. Nếu không được tháo gỡ, các bệnh viện hầu như sẽ không hoạt động được.

Hóa chất chỉ còn đủ dùng trong 1 tuần

GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho hay, trong năm 2022, sau đại dịch, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện số lượng khám chữa bệnh, điều trị với hơn 79.000 ca mổ. Có thể nói đó là khối lượng công việc rất lớn, không có nhiều bệnh viện trên thế giới có thể làm được.

“Số lượng người bệnh thường xuyên đến và phải chờ đợi được điều trị rất nhiều trong khi những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để có thể mua được hóa chất xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế hiện tại vẫn đang hết sức vướng mắc”, ông Giang nêu.

Ông Giang lo lắng, Luật Khám chữa bệnh sẽ có hiệu lực từ 1.1.2024 nhưng chỉ còn chưa đến 10 tháng nữa, liệu những điều luật ấy có được cụ thể hóa để đi vào cuộc sống được hay không?

Vấn đề thứ hai, theo ông Giang là hiện tại không chỉ Bệnh viện Việt Đức mà nhiều bệnh viện khác như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Chợ Rẫy... cũng gặp rất nhiều khó khăn để bảo đảm cung ứng được các điều kiện phục vụ người bệnh.

Đơn cử, hiện tại các bệnh viện lớn trên toàn quốc, vật tư y tế để dành chăm sóc người bệnh gần như đã hết, các hóa chất xét nghiệm để phục vụ chẩn đoán, điều trị cho người bệnh cũng gần như đã hết. Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, theo thống kê, có những xét nghiệm đơn giản như công thức máu chỉ còn một tuần nữa là không còn hóa chất để sử dụng nếu như sử dụng bình thường.

“Việt Đức đã họp rất nhiều lần, kể cả họp Đảng ủy, họp Hội đồng khoa học mở rộng tới tất cả trưởng các bộ phận, đơn vị để tháo gỡ nhưng rất khó khăn. Tại sao như thế? Tại vì đó là những hóa chất xét nghiệm được sử dụng trên các hệ thống máy do các công ty cung cấp hóa chất đặt tại bệnh viện làm. Tại sao chúng ta phải đặt máy? Vì kể từ năm 2015, Bệnh viện Việt Đức hầu như không có tiền cung cấp từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động chi không thường xuyên, mua máy móc nên số lượng máy móc xét nghiệm (riêng máy móc xét nghiệm tại BV Việt Đức đã có giá từ 250 đến 300 tỉ đồng) rất khó khăn”, ông Giang nói.

giang.jpg
GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Về giải pháp, từ năm 2015, đấu thầu công khai để mua hóa chất xét nghiệm, sau đó các công ty sẽ đặt máy sử dụng hóa chất đó. Kèm theo đó, các công ty sẽ lo những vấn đề như là bảo hành, bảo trì các hệ thống phần mềm đi kèm cho máy hoạt động, kiểm định, kiểm chuẩn để đảm bảo máy hoạt động chính xác.

"Điều này là thông lệ trên toàn thế giới. Nhưng đến năm 2022, Việt Nam lại có công văn quy định việc sử dụng máy mượn, máy đặt như vậy không có trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật nào và đề nghị dừng, đã gây ra tình trạng hết sức khó khăn", ông Giang nêu và cho biết sau đó Chính phủ có Nghị quyết 144 để tháo gỡ khó khăn này, nhưng nghị quyết này chỉ có giá trị cho những hợp đồng đặt mua máy hóa chất và đặt máy trước ngày 5.11.2022. Chính vì vậy bây giờ không còn hóa chất để làm.

Nhiều phương án nhưng đều… tắc!

Câu hỏi đặt ra là tại sao các giám đốc bệnh viện không tìm phương án khác để xử lý việc này? Ông Giang cho hay, phương án thứ nhất là mua máy để làm và thời gian để mua máy, đấu thầu theo quy trình mất 6 tháng. Nếu bệnh viện không có tiền, có thể vay tiền để mua máy và chấp nhận trả thêm tiền bảo hành, bảo trì, trả thêm tiền hệ thống phần mềm…

Tuy nhiên, một máy xét nghiệm trị giá nhiều chục tỉ đồng sẽ đi kèm với những hóa chất của hãng. “Chỉ có hóa chất của hãng đó mới sử dụng cho máy đó được nên khi chúng ta đấu thầu để mua hóa chất sử dụng cho máy thì rơi vào tình trạng chỉ có một hóa chất, tức là rơi vào tình trạng chỉ định thầu, vi phạm pháp luật, không thể làm theo phương án ấy được”.

Phương án thứ hai là thuê máy, tuy nhiên “cũng y như phương án trước vì hóa chất cũng đi theo máy, không thể mua hóa chất khác được và chúng ta lại rơi vào tình trạng vi phạm pháp luật nếu như chỉ có một hóa chất”.

Phương án thứ ba là liên doanh, liên kết để có thể sử dụng hóa chất, nhưng hiện không có quy định nào của pháp luật về chuyện này. Ví dụ như Bệnh viện Việt Đức với lịch sử gần 120 năm thì giá trị thương hiệu của Việt Đức ai sẽ định giá và nó là bao nhiêu?

co-2.jpg
Các khách mời phát biểu tại tọa đàm

Ông Giang cho rằng theo quy định của Luật Giá và Nghị định 177, khi giá đất để đưa vào để liên doanh liên kết thì UBND cấp tỉnh quy định giá cho thuê, cho mua đất. Trong khi đó, theo quy định của Nghị định 151, phải xác định giá trị cho thuê đất theo giá trị thị trường. Tuy nhiên, không ai biết giá trị thị trường như thế nào và các công ty thẩm định giá không đủ quyền lực, không đủ khả năng, không đủ vai trò pháp luật để xác định.

“Như vậy cả 3 phương án đều tắc. Tôi biết rằng đã có nhiều bệnh viện thông báo đến tất cả các khoa, phòng trong bệnh viện trong vòng một tuần nữa, bệnh viện sẽ hết các hóa chất xét nghiệm và chỉ có thể thực hiện theo cấp cứu. Bệnh viện Việt Đức cũng có nguy cơ rơi vào tình trạng đó. Chính vì vậy, đây là việc cấp cứu của cấp cứu, rất mong nhận được sự xử lý của các cấp lãnh đạo từ Bộ Y tế tới Chính phủ để tháo gỡ sớm. Chúng ta chỉ còn khoảng thời gian từ một tuần tới hai tuần nữa, nếu như chúng ta không tháo gỡ thì các bệnh viện hầu như sẽ không hoạt động được”, ông Giang nêu.

Ngoài ra, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cũng cho rằng các vật tư tiêu hao dành cho phẫu thuật cũng chỉ trong vòng một tháng nữa sẽ hết. Theo quy định của luật pháp, việc mua các vật tư tiêu hao phải đảm bảo các vật tư đó được phép lưu hành trên thị trường và có giấy phép. Hầu hết giấy phép cho các vật tư tiêu hao hiện nay chưa được cấp, chưa được gia hạn nên chúng ta không thể mua được dù chúng ta đấu thầu hay mua. Đây là một vấn đề cấp cứu cần phải xử lý.

Hoài Lam