Thợ săn rùa biển Philippines trở thành người bảo tồn
Quốc tế - Ngày đăng : 17:05, 23/02/2023
Johnny Manlugay là một thợ xây, nhưng mỗi tối ông đều trang bị dụng cụ để đi gắp trứng rùa trên các bãi biển vắng của tỉnh La Union, phía bắc Philippines. Từ khi còn nhỏ, Manlugay đã được truyền nghề truy vết loài rùa biển và trứng của chúng để ăn hoặc đem bán. Người đàn ông 55 tuổi này có thể dễ dàng phát hiện những ổ trứng rùa trên bãi biển.
Tuy nhiên, những ngày “trộm” trứng rùa biển của Manlugay đã kết thúc. Ngày nay, ông dùng các kỹ năng săn bắt của mình để giúp bảo tồn loài rùa biển ở các bãi biển trong tỉnh. Các bãi biển nguyên sơ này là nơi lý tưởng để loài rùa Olive Ridley làm ổ.
Manlugay nói: “Tôi đã yêu công việc này. Trước đây chúng tôi không biết săn bắt trứng rùa biển là trái pháp luật. Lẽ ra chúng tôi không được ăn trứng và thịt rùa biển”.
Mangulay là một thành viên của Tổ chức hành động quản lý tài nguyên dưới biển (CURMA), nhóm đi đầu trong việc bảo tồn các loài rùa biển bị đe dọa tuyệt chủng của Philippines. Chúng bao gồm các loài rùa xanh, rùa da, rùa quản đồng, đồi mồi và rùa Olive Ridley... và thường được người dân Philippines gọi chung là “pawikan”.
Các nỗ lực bảo tồn “pawikan” đã được lập từ năm 2009, giúp các thợ săn trở thành “đồng minh” của chúng, đồng thời treo các giải thưởng cũng như huấn luyện để giúp bảo vệ hàng ngàn con rùa và ngăn không cho trứng rùa biển bị đưa ra chợ.
“Chúng tôi đã nói chuyện với người săn trộm, hóa ra đó chỉ là một cách kiếm sống của họ. Họ không có lựa chọn nào khác”, theo Carlos Tamayo, Chủ nhiệm tổ chức CURMA.
Trung bình một con rùa biển đẻ khoảng 100 trứng vào một ổ, với số ổ từ 35 - 40 mỗi mùa trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 2. Tamayo nói thêm rằng số ổ trứng rùa biển đã tăng gấp đôi trong năm đầu của dịch COVID-19, do dịch bệnh giữ chân người dân ở trong nhà suốt một thời gian.
Người tình nguyện tìm trứng rùa biển sẽ được thưởng 0,37 USD cho mỗi trứng, gấp 4 lần số tiền họ có thể kiếm được từ việc bán chúng. Tiếp đó, trứng rùa biển được trao cho CURMA để họ đem đặt trứng trở lại những khu bảo tồn.
Jessie Cabagbag từng là một thợ săn trộm rùa biển, lớn lên nhờ ăn thịt và trứng của chúng. Người đàn ông 40 tuổi này cho biết “trộm” trứng của rùa biển nhằm kiếm thêm thu nhập là “nghề gia truyền” dù gia đình ông chủ yếu đánh cá để kiểm sống.
Cabagbag nói thêm: “Những khoản tiền thưởng giúp chúng tôi trả tiền điện, mua thức ăn. Khi gặp may, tôi có thể tiết kiệm và dùng tiền để mua một xe ba bánh chở khách khi không còn đánh cá nữa, nên đó là một nguồn thu nhập khác”.
Từ tháng 10 đến nay, Cabagbag và vợ cùng con trai 7 tuổi đi khắp bãi biển Bacnotan của tỉnh La Union. Họ đã trao hơn 1.000 trứng rùa biển cho CURMA. Ông nói: “Tôi ngưng săn trộm khi đã được huấn luyện và được hướng dẫn rằng những gì chúng tôi từng làm là trái pháp luật và những loài rùa đó đang lâm nguy”.
Cabagbag cũng rất thích việc CURMA lập chương trình thả rùa con về biển cho du khách xem. Ông nói: “Tôi thật sự tự hào. Ngay cả láng giềng cũng khen ngợi việc tôi làm vì đó là việc không dễ dàng. Tôi hài lòng vì đã góp phần bảo tồn pawikan”.