Người đề nghị, người phản đối giám định tâm thần bà Nguyễn Phương Hằng: Tình huống pháp lý nào xảy ra?

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:40, 24/02/2023

Xoay quanh câu chuyện đề nghị giám định tâm thần với bà Nguyễn Phương Hằng, nhiều câu hỏi đặt ra về việc cơ quan nào sẽ có trách nhiệm giám định? Chồng, con bà Hằng có quyền yêu cầu hay phản đối giám định hay không? Nếu bà Hằng bị tâm thần thì vụ án diễn biến thế nào và tài sản của bà Hằng sẽ xử lý ra sao?

Ai có quyền yêu cầu giám định tâm thần đối với bà Nguyễn Phương Hằng?

Vừa qua, ông Nguyễn Quang Tuấn (SN 1990, con trai bà Nguyễn Phương Hằng) có đơn gửi đến Công an TP.HCM và Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM phản đối việc giám định tâm thần cho mẹ ông.

Ông Tuấn nêu rằng ông Huỳnh Uy Dũng làm điều này với lý do là tình tiết bảo lãnh, giảm nhẹ hình phạt cho mẹ ông. Tuy nhiên, với tư cách là con trai, ông phản đối việc này và yêu cầu các cơ quan chức năng không giám định tâm thần.

Đáng chú ý, ông Tuấn cho rằng việc giám định tâm thần có thể ảnh hưởng đến nhiều vấn đề về quan hệ pháp luật hôn nhân, quyền sở hữu tài sản, quản lý phần vốn trong các doanh nghiệp. Chính vì vậy ông Tuấn nghi ngờ việc yêu cầu giám định tâm thần cho bà Nguyễn Phương Hằng.

Việc này đặt ra nhiều tình huống pháp lý như cơ quan nào sẽ có trách nhiệm giám định? Nếu bà Hằng bị tâm thần thì vụ án diễn biến thế nào và tài sản của bà Hằng xử lý ra sao?

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới về vấn đề này, luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng giám định pháp y tâm thần hay gọi tắt là giám định tâm thần là công tác được phối hợp thực hiện giữa các ngành y tế, công an, viện kiểm sát và tòa án để nghiên cứu mối liên hệ giữa các trạng thái rối loạn tâm thần với các vấn đề về dân sự và hình sự.

"Thủ tục giám định tâm thần được quy định tại Quyết định 2999/QĐ-BYT ngày 3.11.2022 về Quy trình giám định pháp y tâm thần 30 bệnh/rối loạn tâm thần thường gặp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành", ông Hùng nói.

hang.jpeg
Bà Nguyễn Phương Hằng

Theo ông Hùng, khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đương nhiên phải giám định tình trạng tâm thần của người bị buộc tội mà không phụ thuộc vào yêu cầu giám định của đương sự hay người đại diện của họ.

Theo khoản 1 Điều 206 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án.

Luật sư Hùng cũng cho rằng kết luận giám định pháp y, pháp y tâm thần được pháp luật quy định là một trong nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án.

Vì thế, quy trình để giám định pháp y một người có bị mắc tâm thần hay không cần đòi hỏi phải được tuân thủ một cách rất nghiêm ngặt. Nếu có bằng chứng cho rằng kết luận giám định không đảm bảo độ chính xác, khách quan, cơ quan tiến hành tố tụng có quyền trưng cầu giám định lại hoặc giám định lại lần 2 theo quy định.

“Trong trường hợp này, bà Phương Hằng đang là bị can trong một vụ án hình sự, hiện vụ án đang trong giai đoạn điều tra. Do đó, nếu nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của bà Hằng, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM sẽ trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với bà Hằng, chồng hay con của bà không có quyền yêu cầu giám định hay yêu cầu không giám định tâm thần đối với bà”, ông Hùng nói.

Nếu bị tâm thần, bà Hằng không phải chịu trách nhiệm hình sự

Tùy thuộc vào kết luận giám định mà cơ quan có thẩm quyền sẽ ra các quyết định sau: Quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh (nếu xác định bị can, bị cáo bị tâm thần); miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh (nếu xác định bị can, bị cáo bị tâm thần).

Căn cứ theo Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 thì người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

“Như vậy nếu bà Hằng thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”, ông Hùng nói.

Tài sản của bà Hằng xử lý thế nào?

Về vấn đề tài sản, ông Trần Minh Hùng cho rằng cần phân biệt năng lực trách nhiệm hình sự và năng lực trách nhiệm dân sự.

Cụ thể, việc giám định tâm thần đối với người bị buộc tội là nhằm xác định tình trạng năng lực trách nhiệm hình sự của họ trong vụ án hình sự. Nói cách khác là xác định mức độ, khả năng nhận thức, chịu trách nhiệm của họ đối với hành vi phạm tội tại các thời điểm trước, trong và sau khi họ thực hiện hành vi phạm tội.

hung-2.jpg
Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM

Còn đối với khả năng có và thực hiện các quyền dân sự của người bị buộc tội (trong đó có quyền tài sản) thì được quy định bằng pháp luật dân sự.

Cụ thể, nếu một người bị tòa án tuyên bố là mất năng lực hành vi dân sự (người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi) thì giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.

Theo Điều 53 Bộ luật Dân sự 2015 về người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự quy định thì trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ đương nhiên.

Theo điều 47 Bộ luật Dân sự, một người chỉ có thể được một người giám hộ, trừ trường hợp cha, mẹ cùng giám hộ cho con hoặc ông, bà cùng giám hộ cho cháu. Do đó, nếu người này có chồng và các con thì chồng là người giám hộ đương nhiên và duy nhất.

Đối với việc quản lý tài sản thì người giám hộ phải tuân thủ quy định theo Điều 59 Bộ luật Dân sự 2015.

Cụ thể, người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ. Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và giao dịch dân sự khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác. Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

Ngoài ra, luật sư Hùng cũng cho hay, theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì không có quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp.

Theo đó, trong trường hợp người bị buộc tội thuộc một trong các trường hợp trên nhưng họ đồng thời là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thì sẽ áp dụng khoản 5 hoặc khoản 6, điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020 để xử lý và người bị buộc tội không còn là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp nữa. Tòa án, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác có thể căn cứ khoản 7, điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020 để chỉ định người đại diện theo pháp luật tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.

Hoài Lam