Hà Nội: Học sinh và phụ huynh căng mình chuẩn bị kỳ thi vào lớp 10 công lập
Giáo dục - Ngày đăng : 15:50, 24/02/2023
Hiện nay, các trường THCS địa bàn thủ đô đã biết được 3 môn thi chính thức vào lớp 10 bậc THPT, nên học sinh lớp 9 cũng như phụ huynh, giáo viên đều căng mình để chuẩn bị cho kỳ thi này. Có nhiều gia đình đã cho con em đến các trung tâm luyện thi, học cả ngày nghỉ để có thể tranh được 1 suất vào lớp 10 trường THPT công lập.
Theo thống kê sơ bộ, toàn TP.Hà Nội có hơn 100.000 học sinh lớp 9. Chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập chiếm hơn 60% số ấy. Số còn lại theo học lớp 10 của các trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường trung cấp... Đây chính là lý do lớn khiến kỳ thi vào lớp 10 trở thành kỳ thi căng thẳng nhất của học sinh.
Để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 sắp tới, em Lương Quế Anh (Trường THCS Thống Nhất, Q.Ba Đình) cho biết để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10, em ngoài việc học trên lớp còn phải đi học 3 lớp học thêm cho 3 môn, tăng cường liên tục, đặc biệt thời gian gần đây do sở đã công bố 3 môn thi nên gia đình em thuê thêm gia sư về kèm thêm em học ở nhà.
"Em ngoài việc học ở trường, học thêm tại trường thì cũng đi học thêm 3 nơi khác và có cả gia sư học kèm, em còn cố gắng học viết thư UPU để có thể hy vọng đạt giải, sẽ được chọn vào trường THPT mình yêu thích. Mục tiêu lớn nhất của em chính là đỗ vào trường công lập gần nhà cho bố mẹ đỡ vất vả, nên giờ phải cố gắng học. Đôi khi em thấy hơi mệt mỏi nhưng bạn bè trong lớp em ai cũng đi học thêm, mình không đi học thì lại chẳng biết làm gì" - em Quế Anh cho hay.
Cũng như Quế Anh, chị Đào Thùy Trang (phố Đội Cấn) bảo rằng việc cho các con đi học thêm để tập trung kỳ thi vào lớp 10 là hoàn toàn đúng đắn. "Nếu con không đỗ vào công lập thì học dân lập cũng được, nhưng tôi nói với con rằng phải cố gắng vì học dân lập thì gia đình sẽ hơi khó khăn về kinh tế. Mà giờ cho con đi học nghề luôn thì không an tâm vì biết định hướng cho nó học nghề gì lúc này. Nhìn các con căng thẳng trước kỳ thi mình cũng xót lắm" - chị Trang tâm sự.
Càng gần ngày thi, áp lực lên cả phụ huynh và học sinh càng cao. Chị Nguyễn Thùy Dương đang giảng dạy tại một trường THCS ở quận Đống Đa cho biết thực tế hiện nay các trường cũng tăng cường chỉnh lại thời khóa biểu, tăng số tiết Toán, ngoại ngữ, Ngữ văn của lớp 9 lên, để các em có cơ hội học tập sâu và ôn tập các kiến thức cần thiết.
"Thấy con căng thẳng mình cũng rất thương, bình thường lượng kiến thức chia ra khoảng 35 - 40 tiết nhưng nay ôn tập dồn dập trong 20 tiết để kịp thi thì làm sao mà các con không áp lực. Ai cũng mong mỏi các con em đỗ đạt, thành tích tốt nhưng thật sự thấy rất buồn khi nhiều đứa khóc không muốn học hoặc ngủ gục trong giờ vì phải học tới 2 - 3 giờ sáng. Tôi cũng đành để con mình chợp mắt chút rồi lại đánh thức dậy để học tiếp", chị Dương kể.
Cô Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương cho biết, dưới góc độ phụ huynh và giáo viên, cô mong muốn các em được giảm bớt gánh nặng học tập, thi cử. Việc Sở GD-ĐT giảm áp lực thi còn 3 môn là hợp lý, nếu phải thi thêm một môn nữa, học sinh sẽ ôn tập nhiều hơn, dễ xảy ra tình trạng học đối phó, học thuộc lòng, không nắm bắt được kiến thức. Yêu thích môn học nào thì học sinh sẽ say mê tìm tòi, học hỏi, không nhất thiết cứ phải thi các em mới học.