Bóng đá Việt Nam nên quên đi 4 chữ 'thay tướng đổi vận'
Thể thao - Ngày đăng : 15:56, 24/02/2023
Mua sắm nhiều, trong đó có hai ngoại binh chất lượng là Vua phá lưới V-League 2022 Rimario Gordon và tiền vệ Oloya Moses, CLB BBD đã phải nhận chỉ tiêu của lãnh đạo là vào nhóm đầu tranh chấp huy chương.
Nhưng, qua 4 trận đầu mùa, BBD xếp cuối bảng với 2 điểm nên BBD quyết định thay HLV Lư Đình Tuấn bằng HLV Nguyễn Quốc Tuấn.
HLV Quốc Tuấn từng thay HLV Guillaume Graechen dẫn dắt HAGL FC khi mùa V-League 2015 chỉ còn 5 lượt đấu và ông đã giúp HAGL trụ hạng thành công. Nhưng ông đã phải nhường ghế HLV cho Dương Minh Ninh từ vòng đấu 22 V-League 2017.
Rồi HLV Dương Minh Ninh cũng bị thay bởi HLV Hàn Quốc Lee Tae-hoon sau 6 trận đầu mùa V-League 2019. Sau đó Dương Minh Ninh và Nguyễn Văn Đàn là đồng HLV HAGL thay Lee Tae-hoon từ vòng 13 V-League 2020. Cuối cùng HAGL FC chỉ thực sự ổn định khi được dẫn dắt bởi HLV Kiatisak từ V-League 2021.
Lướt sơ, chúng ta dễ dàng thấy, không chỉ BBD, HAGL mà đây là xu hướng chung: lãnh đạo các CLB bóng đá Việt Nam thường chọn phương án thay HLV khi thành tích không được như mong đợi, thay vì tìm hiểu, phân tích kỹ để nhận ra nguyên nhân rồi từ đó chọn giải pháp tốt nhất để vực dậy đội bóng!
Bài học từ Premier League
Rạng sáng nay 24.2, Manchester United đã thắng Barcelona 2-1 ở trận lượt về Europa League và giúp MU vào vòng 1/8 để trở thành đội duy nhất ở châu Âu mùa này có khả năng ăn 4 gồm: Premier League (xếp thứ 3), Cúp Liên đoàn (chung kết gặp Newcastle) và Cup FA (vòng 5 gặp West Ham).
Thế nhưng, đầu mùa, sau 2 trận thua cả hai và xếp cuối bảng, Paddy Power, một trong những nhà cái lớn nhất châu Âu cho “đặt cửa” khả năng Ten Hag là HLV bị sa thải đầu tiên ở Premier League. Còn theo nhận định của các chuyên gia, Erik Ten Hag là nhà cầm quân có tỷ lệ bị sa thải cao thứ 3 tại giải Ngoại hạng Anh khi đây là lần đầu tiên MU giữ con số 20, vị trí cuối bảng Premier League từ tháng 9.1992.
Các cổ động viên cho rằng người chịu trách nhiệm cao nhất cho thảm cảnh của MU chính là HLV Erik Ten Hag. Trong khi đó với phong độ chạm đáy của MU, giới chuyên môn cho rằng rất khó cho MU của HLV Ten Hag có thể giành chiến thắng lần lượt trước đương kim vô địch Liverpool, tiếp đó là Southampton, Leicester, Arsenal, Crystal Palace…
Lại nhớ, dù Arsenal thăng hoa và liên tục dẫn đầu Premier League mùa này, nhưng đã có lúc HLV Mikel Arteta bị kêu gọi từ chức.
Sau 3 vòng đấu đầu tiên của Ngoại hạng Anh 2021/2022, Arsenal toàn thua và không ghi được bàn thắng nào. Arsenal của HLV Arteta xếp cuối bảng với 0 điểm cùng hiệu số -9 và rơi vào nhóm rớt hạng lần đầu tiên kể từ tháng 8.1992.
Trên mạng xã hội, những dòng hashtag A.I.D.S, thậm chí còn có website A.I.D.S (Arsenal is dying slowly - Arsenal đang chết từ từ). Và các cổ động viên Arsenal đã kêu gọi: “Mikel, làm ơn rời Arsenal!”
Vậy tại sao giới chủ MU cũng như Arsenal không sa thải hai HLV Ten Hag và Mikel Arteta?
Khi mời Ten Hag, lãnh đạo MU biết rõ tài năng của Ten Hag khi ông từng thành công với Ajax Amsterdam, đồng thời tạo nên những viên ngọc sáng như Frenkie de Jong, Matthijs De Ligt, Lisandro Martinez và Hakim Ziyech… Với niềm tin đó, giới chủ MU cho HLV Ten Hag thời gian đủ dài để tái cấu trúc MU vì vực dậy MU không dễ dàng nên Ten Hag không thể sớm ra đi.
Tương tự với Areta, giới chủ Arsenal quá hiểu Arsenal chết dần từ đâu, chết dần từ nhiều nguyên nhân và đó là những nguyên nhân mà nếu thay HLV cũng không cứu được Arsenal.
Lãnh đạo MU, Arsenal đã đúng.
HLV Vũ Tiến Thành và CLB TP.HCM
Cuối mùa V-League 2022, ai cũng thấy ông Vũ Tiến Thành dũng cảm nhận ghế HLV CLB TP.HCM (HCMC) với trọng trách không dễ: giúp “Chiến hạm đỏ” không bị chìm xuống… hạng nhất! Cuối cùng ông Thành không chỉ thành công mà còn giúp HCMC trụ hạng trước 2 vòng đấu.
Thật ra khi mời HLV Vũ Tiến Thành, lãnh đạo HCMC đã trong tâm thế đón nhận đội xuống hạng và khẳng định với HLV Vũ Tiến Thành rằng “Đội có xuống hạng vẫn làm, làm lại từ đầu, làm từ tuyến trẻ mang bản sắc thành phố”.
Không chỉ lãnh đạo đội bóng mà lãnh đạo TP.HCM cũng tin tưởng HLV Vũ Tiến Thành khi trước mùa V-League 2023, với chiến lược giảm thiểu kinh phí, thay vì ”đầu tư ngọn” bằng cách ký hợp đồng với ngoại binh chất lượng, còn trong nước là “sao”, năm nay HCMC “thắt lưng buộc bụng”, đầu tư trẻ để sau này là chính mình. Do đó chỉ tiêu giao cho HLV Vũ Tiến Thành chỉ là trụ hạng. Thậm chí sau 3 trận đầu mùa thua cả ba, lãnh đạo đội không bối rối lo âu mà còn động viên, tin tưởng HLV Vũ Tiến Thành khi nhấn mạnh “Làm bóng đá là làm lâu dài, làm từ trẻ. Tất cả vẫn tin tưởng HLV Vũ Tiến Thành”.
***
Từ quá khứ đến hiện tại, từ bóng đá thế giới đến bóng đá trong nước, chúng ta thường thấy các CLB bóng đá Việt Nam và ngay cả giới truyền thông luôn đặt vấn đề “đổi tướng thay vận”, nghĩa là khi đội bóng thua nhiều trận, cứ thay HLV là sẽ khác. Tư duy này phản ánh bóng đá Việt Nam gần như thiếu những con người có tư duy, định hướng chiến lược từ trên cao bao quát được mọi vấn đề để từ đó đưa ra được những giải pháp tối ưu và thực tế.
MU và Arsenal là 2 bài học, là 2 tấm gương đáng để các CLB bóng đá ở Việt Nam noi theo.