'Một chiếc ô tô cần 200 mác thép cho 20.000 linh kiện, Việt Nam chưa chế tạo được mác thép nào'
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 17:15, 24/02/2023
Tại buổi hội thảo chuyên ngành công nghiệp phụ tùng và dịch vụ ô tô Automechanika 2023, ông Phan Đăng Tuất - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết ông đã đặt câu hỏi rằng "Việt Nam đã có nền công nghiệp ô tô chưa?" và câu trả lời là vừa có, vừa chưa có.
"Để đánh giá một quốc gia có nền công nghiệp ô tô chưa, người ta căn cứ vào quy mô thị trường, năng lực sản xuất nội tại của thị trường đó. Thông thường, thị trường tiêu thụ 500.000 xe/năm trở lên thì mới có thể phát triển được công nghiệp ô tô, còn với quy mô 100.000 - 200.000 xe của Việt Nam hiện nay, mà chủ yếu là lắp ráp, nhập khẩu thì có gọi là có nền công nghiệp ô tô được hay không?", ông Tuất đặt vấn đề.
Theo ông Tuất, muốn có nền công nghiệp ô tô thì phải có nền công nghiệp cơ bản và công nghiệp vật liệu, sản xuất được hợp kim. Công nghiệp ô tô là ngành tích hợp của rất nhiều ngành khoa học cơ bản, từ ngành vật liệu học, động lực học, điện tử... cho đến môi trường sinh thái.
“Trên một chiếc ô tô hiện nay sử dụng gần 20.000 chi tiết linh kiện từ hơn 200 mác thép khác nhau. Nhưng Việt Nam chưa chế tạo được loại nào trong số 200 mác thép đó. Trước đây tôi đã từng có lần nói mỉa mai rằng Việt Nam mới làm được duy nhất mác thép cho sản xuất ốc vít bắt biển số ô tô, nhưng 6 tháng sau lại rỉ mất. Vì vậy, để phát triển được ngành công nghiệp ô tô nước ta hiện nay, trước tiên rất cần phát triển ngành khoa học cơ bản, đặc biệt là sản xuất được thép dùng cho sản xuất công nghiệp”, ông Tuất nói.
Ông Tuất cho rằng cái khó đang đeo bám ngành công nghiệp hỗ trợ lâu nay, là khi bán sản phẩm cho các tập đoàn, hãng xe lớn thì họ yêu cầu phía doanh nghiệp phải đáp ứng nhiều tiêu chí như: đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, có năng lực về tài chính, có năng lực về quản trị doanh nghiệp, có năng lực về thực hiện các hợp đồng quốc tế, về thời gian cung cấp… Đáp ứng các yêu cầu này rất khó khăn. Nghịch cảnh này khiến các doanh nghiệp chế tạo linh kiện xe hơi chật vật tìm kiếm khách hàng.
Chủ tịch VASI cũng cho rằng, trên thực tế, các tập đoàn sản xuất, lắp ráp trong nước đều thừa nhận chưa thể dẫn dắt doanh nghiệp chế tạo những linh kiện cốt yếu, hầu hết phụ thuộc vào nhập khẩu. Trong khi đó, đặc thù của công nghiệp hỗ trợ là tạo ra các linh kiện để chắp nối, giúp tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh. Nghịch cảnh này khiến các doanh nghiệp chế tạo linh kiện xe hơi chật vật tìm kiếm khách hàng.
Cũng theo ông Phan Đăng Tuất: "Tại Hàn Quốc và Nhật Bản, những đạo luật liên quan tới công nghiệp hỗ trợ đã được dần hình thành từ giữa thế kỷ 20. Điều này giúp nền công nghiệp xe hơi tại hai quốc gia này phát triển vượt bậc, trở thành những "ông lớn" trên thế giới. Trong khi đó tại Việt Nam, dù thị trường xe hơi đã hình thành khoảng 30 năm, bộ luật về công nghiệp hiện mới bắt đầu trên đà soạn thảo, trong đó chỉ bao gồm một chương về công nghiệp hỗ trợ. Sự trì trệ này khiến ngành công nghiệp hỗ trợ khó phát triển, trong khi đây là cốt lõi, linh hồn của nền công nghiệp nước nhà".
Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện nay ngành công nghiệp ô tô đang nhập khẩu 80% linh kiện sản xuất. Với thực tế giai đoạn ô tô hóa đang tăng nhanh, doanh số bán xe toàn ngành đã vượt con số 500.000 chiếc trong năm 2022 - mốc được gỡ bỏ mác "thị trường nhỏ". Do đó, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô ngày càng trở nên cấp thiết.
Số liệu của Bộ Công Thương cũng cho thấy hiện các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô tại Việt Nam còn khá ít, mới chỉ khoảng 300 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Trong đó, có khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô...
So với các quốc gia trong khu vực, những con số này rất khiêm tốn. Đơn cử như Thái Lan có gần 700 doanh nghiệp là nhà cung cấp cấp 1 thì tại Việt Nam có chưa đến 100 doanh nghiệp. Đối với nhà cung cấp cấp 2, cấp 3, Việt Nam chỉ có chưa đến 150 doanh nghiệp, trong khi Thái Lan có khoảng 1.700 doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng mới sản xuất, gia công chưa được 300 chi tiết trong khi cả chiếc xe có khoảng 30.000 chi tiết linh kiện; hàm lượng công nghệ và giá trị các chi tiết linh kiện, phụ tùng này cũng chưa cao khi mới chỉ là những linh kiện cồng kềnh, cần nhiều nhân công như ghế, bộ dây điện, vành bánh xe, ốp cửa, lốp không săm... và một số doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe.
Để giải quyết những khó khăn hiện tại, Chủ tịch VASI đề xuất Chính phủ ban hành một đạo luật riêng dành cho công nghiệp hỗ trợ, trong đó có quy định dành cho ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô để có định hướng, chỉ tiêu cụ thể và cân đối nguồn lực. Đối với ngành vật liệu, bên cạnh các quy định hiện hành như Luật Đầu tư, Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ cần xem xét và ban hành chiến lược phát triển ngành công nghiệp vật liệu theo hướng rõ ràng, dễ thực hiện, khả thi và đủ sức hấp dẫn để thúc đẩy ngành vật liệu trong nước phát triển.
Ngoài ra, ông Tuất đề nghị đẩy mạnh phát triển khoa học kỹ thuật bởi đây là xương sống của ngành công nghiệp ô tô, cần nâng cao năng lực, chất lượng của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa để đáp ứng yêu cầu của các đối tác.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), trong bối cảnh ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô còn non yếu, các doanh nghiệp Việt buộc phải liên kết lại để tạo sức mạnh tổng hợp và gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường.