Khám phá phố đóng giày thủ công trăm tuổi ở Hàn Quốc
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 10:46, 25/02/2023
Phố giày Yeomcheongyo đã được chọn là Di sản vì tương lai của Seoul, minh chứng cho sự kiên nhẫn và tận tụy với nghề của các nhà buôn giày đã vượt qua vô số trở ngại để duy trì hoạt động trong gần một thế kỷ. Các nhà đóng giày trên phố này đã truyền nghề cho nhiều thế hệ, điều khiến nghề này trở nên một ví dụ độc đáo về sự lành nghề của người Hàn Quốc.
Theo Korea Times, sự cạnh tranh từ nguồn cung hàng hóa giá rẻ hơn từ nước ngoài cùng từ những cửa hàng bán lẻ lớn đã khiến các doanh nghiệp nhỏ trên phố giày Yeomcheongyo bị giảm lợi nhuận, khiến họ khó khăn trong việc hành nghề.
Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 130 tiệm đóng giày tiếp tục hoạt động, theo trang web của Phố giày Yeomcheongyo. Các tiệm nổi bật trên phố này và thu hút người tiêu dùng đến “săn” giày. Bằng cách chú trọng chất lượng và dịch vụ chăm sóc khách hàng, các tiệm đã duy trì sự trung thành của người mua, bất chấp sự cạnh tranh.
Tiệm giày Italy Shoes của thợ đóng giày thủ công Ko Kee-hwang vẫn ở yên tại một góc của Phố giày Yeomcheongyo từ gần 100 năm qua. Ko nhớ lại những ngày cũ: “Chúng tôi dùng ủng mà quân đội Mỹ vứt bỏ để làm giày trong những năm đầu. Đó là cách bắt đầu nghề của cộng đồng đóng giày”.
Các đôi giày thủ công do Ko đóng đều dùng các vật liệu chất lượng cao khiến chúng nổi tiếng là bền và tạo sự thoải mái khi mang. Khách hàng của ông thường là những người không ưa các loại giày đóng đúng tiêu chuẩn, người khuyết tật, những người tìm kiếm một kiểu giày độc đáo.
Ko cho biết: “Khi khách vào tiệm, tôi đề nghị họ cởi giày của họ để tôi có thể dùng tay để kiểm tra chân họ. Tôi sẽ hỏi liệu có yêu cầu đặc biệt nào hoặc nếu có gì đó khiến chân họ không thoải mái để tôi có thể đóng một kiểu giày thật vừa với chân họ”.
Khi dùng tay đo chân khách hàng, Ko có thể nảy sinh một ý tưởng hay cho nhu cầu của khách, và đảm bảo tìm ra một kiểu giày thật vừa chân họ và cung cấp sự hỗ trợ cần thiết.
Rồi khách hàng sẽ đặt từng bàn chân vào những tấm lót bằng len, Ko dùng tay nhấn bàn chân khách vào một lớp sáp paraffin. Rồi tấm lót sẽ được gỡ ra và thạch cao được đổ vào để tạo khuôn giày.
Tiếp đó, Ko dùng một khuôn xốp để đo chân thật chính xác. Ông giải thích: “Chân được đo bằng cách ép lên khuôn và sẽ để lại dấu bàn chân, và tôi đánh dấu vào những điểm mà khách nói chân họ bị đau. Bằng cách đánh dấu những điểm này, tôi có thể dò ra chính xác vị trí mà khách cảm thấy không thoải mái”.
Khi đã có khuôn, Ko sẽ dùng da để đóng thành giày. Ông tự hào cho biết nhiều người gọi ông là một “nghệ nhân”, vì ông chú ý đến từng chi tiết và dồn hết sự quan tâm khi đóng những đôi giày.
Nhưng Ko cũng nói ông đang già đi, nên ông hy vọng sẽ có thế hệ trẻ theo nghề, tạo ra những đôi giày thủ công cho những người có kích cỡ bàn chân khác nhau cùng những nhu cầu khác nhau.
Ko nói: “Tôi muốn giúp người bằng chuyên môn tôi có, và đó là lý do tôi không bao giờ đăng ký bằng phát minh. Tôi ước ai đó sẽ đến tiệm và đề nghị tôi truyền nghề. Nhưng chưa hề có ai đến”.
Ko cho rằng chuyên môn của ông nên được chia sẻ với thế giới chứ ông không giữ cho riêng mình, và ông đang tìm người có cùng đam mê với ông để ông truyền nghề. Nhưng ông lo ngại rằng có thể đã quá muộn vì ông đang già đi và không còn nhiều thời gian.
Dù biết vậy, Ko quyết tâm phải tiếp tục đóng giày chất lượng cao cho những người khách vốn chưa bao giờ được thoải mái mang một đôi giày thật vừa chân trước khi tìm đến tiệm ông: “Khi họ rời tiệm, họ thường đi bộ vài trăm mét rồi quay trở lại để cảm ơn tôi lần nữa. Đó là những khoảng khắc khuyến khích tôi tiếp tục công việc mà tôi đang làm”.