Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cần đáp ứng yêu cầu 'đúng, đủ, sạch, sống'

Sự kiện - Ngày đăng : 13:45, 25/02/2023

"Họp ở đây nhưng lãnh đạo Chính phủ có thể biết được tình hình, kết quả thực hiện thủ tục hành chính của một xã, một huyện, thậm chí một hồ sơ đến từng cán bộ, công chức tiếp nhận, giải quyết theo thời gian thực", Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho hay.

Mục tiêu đặt ra có quá cao?

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về chuyển đổi số ngày 25.2, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng nêu hàng loạt chỉ tiêu về chuyển đổi số cho các bộ, ngành.

Theo ông Dũng, hiện nay, mỗi bộ, ngành, địa phương có rất nhiều dữ liệu, nhưng lại không có dữ liệu, vì dữ liệu này nằm rải rác ở các phần mềm, phần cứng, hệ thống thông tin khác nhau, khi cần không kịp thời có ngay để sử dụng.

Nhiệm vụ năm 2023 là trên 50% bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch triển khai nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp bộ, cấp tỉnh, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.

Về dịch vụ công trực tuyến, nhiệm vụ năm 2023 là trên 80% bộ, ngành, địa phương triển khai chức năng kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh. Theo đó, người dân, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; trên 50% người dân trưởng thành có tài khoản sử dụng dịch vụ công trực tuyến...

Thứ trưởng Bộ TT-TT cũng cho rằng chương trình chuyển đổi số quốc gia đã đặt ra mục tiêu rất cao là đến năm 2025 thì 50% hoạt động kiểm tra cơ quan quản lý nhà nước thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, đến nay, sau thời gian đại dịch COVID-19, hoạt động kiểm tra trực tuyến gần như không được thực hiện nữa.

dung.jpg
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng

“Nhiệm vụ năm 2023 là trên 10% hoạt động kiểm tra hành chính định kỳ của cơ quan quản lý nhà nước đối với đối tượng quản lý được thực hiện trực tuyến thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý, tuân thủ quy định của pháp luật”, ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, năm 2023 là năm trọn vẹn đầu tiên thực thi Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số. Nhiệm vụ năm 2023 là 100% bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước ban hành và tổ chức triển khai kế hoạch phát triển kinh tế số và xã hội số thuộc phạm vi quản lý; 100% bộ, ngành, địa phương ban hành và tổ chức triển khai kế hoạch hành động thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục, y tế thuộc phạm vi quản lý…

Ông Dũng cũng cho biết nhân lực chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước tiếp tục là bài toán không thể giải quyết trong ngắn hạn, vì vậy tổ công nghệ số cộng đồng tiếp tục là giải pháp trước mắt để huy động nhân lực trong xã hội cùng tham gia ngay vào thúc đẩy chuyển đổi số.

Trong năm 2022, 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng đến từng thôn, tổ dân phố, khu dân cư, khóm, ấp dân cư với hơn 63.000 tổ công nghệ số cộng đồng và trên 300.000 thành viên, trong đó 42/63 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% đến cấp xã. Mỗi tổ có từ 5 đến 9 thành viên, trong đó tổ trưởng các tổ dân phố, công an khu vực, Ban chấp hành Đoàn Thanh niên và doanh nghiệp công nghệ số là lực lượng nòng cốt.

Liên quan đến mốt số ý kiến cho rằng, mục tiêu trong Kế hoạch hoạt động của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đang đăt ra cao quá, trong khi chưa rõ về nhân lực, kinh phí thực hiện, Bộ TT-TT cho biết, đây là các mục tiêu đã được giao trong Nghị quyết Đảng, chương trình, chiến lược quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, không phát sinh mục tiêu mới. Nếu không quyết tâm thực thi thì rất khó khả thi trong việc thay đổi thứ hạng quốc gia.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước

Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với 15 bộ, cơ quan, 63 địa phương để tổng hợp, cung cấp 210 chỉ tiêu thông tin trực tuyến.

"Họp ở đây nhưng lãnh đạo Chính phủ có thể biết được tình hình, kết quả thực hiện thủ tục hành chính của một xã, một huyện, thậm chí một hồ sơ đến từng cán bộ, công chức tiếp nhận, giải quyết theo thời gian thực", Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho hay.

Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng công tác chuyển đổi số vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế. Đầu tiên, đó là chưa phát huy được nhân tố con người (cả cán bộ, công chức và người dân, doanh nghiệp) với vai trò là trung tâm, chủ thể của chuyển đổi số, thậm chí nhiều cơ quan, đơn vị coi đây là nhiệm vụ của một số cá nhân, bộ phận; kết quả thực hiện chưa đến được hoặc chưa hướng tới người dân.

son.jpg
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn

Hạn chế tiếp theo là việc xây dựng dữ liệu còn chậm, chất lượng dữ liệu còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu về "có dữ liệu, nhất là dữ liệu phải đúng, đủ, sạch, sống"; tính dẫn dắt của cải cách để khai thác hiệu quả tiềm năng, giá trị của các dữ liệu đã có phục vụ chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội còn chưa được quan tâm triển khai.

"Chẳng hạn, năm 2022, mới chỉ có khoảng 1% hồ sơ thủ tục hành chính có tái sử dụng thông tin, giấy tờ đã có trong các cơ sở dữ liệu để cắt giảm khai báo thông tin, cung cấp giấy tờ của người dân… Như vậy là còn rất thấp", Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP cho biết.

Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho rằng việc đầu tư, hoàn thiện hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin của một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa đáp ứng triển khai theo yêu cầu mới.

Ví dụ, việc triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư giữa Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đến nay chưa hoàn thành do còn 20 bộ, ngành và 3 địa phương chưa đảm bảo các yêu cầu về bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho rằng, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương trong triển khai chương trình chuyển đổi số và Đề án 06.

"Tất cả quá trình xử lý hồ sơ, công việc, báo cáo của cán bộ, công chức phải được thực hiện trên môi trường điện tử. Việc này không chỉ giúp hình thành công chức điện tử, mà còn là giải pháp tốt nhất để xây dựng, làm sạch, làm giàu và bảo đảm tính bền vững, hiệu quả của dữ liệu", Bộ trưởng Trần Văn Sơn nhấn mạnh.

Sơn Lam