Triều Tiên thiếu hụt lương thực trầm trọng

Quốc tế - Ngày đăng : 11:12, 26/02/2023

Dịch bệnh COVID-19 đã khiến tình trạng thiếu lương thực ở Triều Tiên trở nên trầm trọng. Tuy nhiên, các chuyên gia nói không có dấu hiệu xảy ra nạn đói ở nước này.
kim.jpg
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong- un thăm và làm việc tại một trại gà- Ảnh: KCNA

Theo AP, đã có những đồn đoán về tình trạng mất an ninh lương thực ở Triều Tiên vào lúc các lãnh đạo nước này chuẩn bị thảo luận về “nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách”, trong đó bao gồm việc hoạch định một chính sách nông nghiệp mới.

Các nguồn tin nói rằng cuộc họp sắp tới của Đảng Lao động Triều Tiên sẽ tập trung ủng hộ nhà lãnh đạo Kim Jong-un, vào lúc ông thúc đẩy chương trình vũ khí hạt nhân nhằm thách thức sức ép và lệnh trừng phạt của Mỹ.

“Ông Kim Jong-un sẽ không thể thúc đẩy chương trình hạt nhân nếu ông ấy không giải quyết được vấn đề lương thực một cách cơ bản vì sự ủng hộ của công chúng sẽ bị lung lay”, giáo sư Lim Eul-chul thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Đại học Kyungnam (Hàn Quốc) nhận định.

Ông Lim Eul-chul còn nói Hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên sẽ diễn ra vào cuối tháng 2 “để củng cố tinh thần đoàn kết trong lúc cùng thúc đẩy các ý tưởng giải quyết vấn đề thiếu lương thực”.

AP nêu không thể biết chương trình nghị sự của cuộc họp này, nhưng Bộ Chính trị của Đảng Lao động Triều Tiên trước đó đã nói đó là “một bước ngoặt cần thiết để khuyến khích những thay đổi triệt để trong phát triển nông nghiệp”.

Cuộc họp này sẽ là phiên họp toàn thể đầu tiên chỉ bàn về các vấn đề nông nghiệp, dù vấn đề này thường là chủ đề chính trong các kỳ họp quan trọng ở Triều Tiên. Tại một cuộc họp toàn thể hồi tháng 12.2022, việc tăng sản lượng lúa gạo là một trong 12 ưu tiên kinh tế mà Đảng Lao động Triều Tiên thông qua.

Theo nhà kinh tế học cao cấp Kwon Tae-jin ở Viện nghiên cứu GS&J, một tổ chức nghiên cứu tư nhân ở Hàn Quốc, các nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể sẽ thúc đẩy ngành nông nghiệp tăng sản lượng lúa tại phiên họp này.

“Các chỉ tiêu sẽ được ấn định và các cán bộ trong ngành có thể bị kỷ luật vì không đạt chỉ tiêu nếu tình trạng thiếu lương thực trầm trọng thêm”, ông Kwon Tae-jin nhận định.

Ông Ahn Kyung-su, chủ nhiệm trang web chuyên theo dõi các vấn đề y tế ở Triều Tiên, nói rằng phiên họp toàn thể sắp tới của Đảng Lao động Triều Tiên là để phục vụ công tác tuyên truyền, chứng tỏ nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang làm việc để cải thiện điều kiện sống của người dân.

Người phát ngôn Koo Byoungsam của Bộ Thống nhất Hàn Quốc nói vấn nạn thiếu lương thực hiện nay là do khâu phân phối chứ không phải vì thiếu gạo, do đa phần sản lượng lúa thu hoạch trong năm ngoái vẫn chưa được sử dụng. Ông còn nói sự mất an ninh lương thực trầm trọng thêm vì chính quyền Triều Tiên siết kiểm soát tư nhân bán lúa gạo ở chợ thay vì nỗ lực chuyển giao hoạt động mua bán cho các cơ quan nhà nước.

kim-2.jpg
Nông dân trồng lúa tại một hợp tác xã nông nghiệp Triều Tiên - Ảnh: KCNA

Hãng tin AP cho biết rất khó để có thông tin chính xác về tình hình Triều Tiên vốn đóng cửa biên giới trong thời gian xảy ra dịch COVID-19. Việc thiếu lương thực và kinh tế khó khăn đã kéo dài ở nước này, sau một nạn đói ước tính làm chết hàng trăm ngàn dân hồi giữa những năm 1990.

Lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng sau khi kế nhiệm người cha quá cố Kim jong-il hồi cuối năm 2011, ông Kim Jong-un đã hứa rằng “sẽ không bao giờ để người dân Triều Tiên phải thắt lưng buộc bụng nữa”.

Trong 7 năm đầu ông Kim Jong-un cầm quyền, kinh tế Triều Tiên đạt những thành tựu khiêm tốn do ông chấp thuận các hoạt động kinh tế thị trường và tăng xuất khẩu than cùng các loại khoáng sản qua Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, kinh tế Triều Tiên đã bị tác động nghiêm trọng do điều hành kém, cùng với các biện pháp phòng dịch nghiêm khắc và những mức trừng phạt cứng rắn hơn của cộng đồng quốc tế đối với chương trình hạt nhân của ông Kim Jong-un.

Phía Hàn Quốc ước tính sản lượng lúa của Triều Tiên năm 2022 chỉ khoảng 4,5 triệu tấn, giảm 3,8% so với năm trước đó. Trong 10 năm qua, sản lượng lúa của nước này vào khoảng từ 4,4 - 4,8 triệu tấn.

Trong khi đó, Triều Tiên cần khoảng 5,5 triệu tấn lúa gạo để nuôi 25 triệu dân, tức mỗi năm thiếu khoảng 1 triệu tấn. Thường thì một nửa sự thiếu hụt này được bù đắp bằng cách mua gạo không chính thức từ Trung Quốc. Phần thiếu hụt còn lại thì không thể giải quyết, theo nhà kinh tế học Kwon Tae-jin.

Kwon cho biết việc hạn chế thương mại xuyên biên giới do đại dịch COVID-19 có thể đã cản trở việc mua gạo không chính thức từ Trung Quốc. Ông cho biết những nỗ lực của chính quyền Triều Tiên nhằm thắt chặt kiểm soát và hạn chế các hoạt động của thị trường cũng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

“Tôi cho rằng năm nay Triều Tiên phải đối mặt tình hình thiếu lương thực nghiêm trọng nhất kể từ khi ông Kim Jong-un nắm quyền lực”, Kwon nói. Nhưng ông khẳng định tình trạng thiếu lương thực sẽ không gây ra nạn đói vì lương thực vẫn có bán ở các chợ dù giá cao.

Trong một báo cáo hồi tháng 1, nhà phân tích Yi Jisun thuộc Viện Chiến lược An ninh Quốc gia Hàn Quốc cho biết, gần đây Triều Tiên đã nhập khẩu một lượng gạo lớn từ Trung Quốc, dù nước này không chấp nhận sự hỗ trợ lương thực từ Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong khi tuyên bố các vấn nạn lương thực phải được cải thiện bằng bất cứ giá nào, giới truyền thông nhà nước Triều Tiên tiếp tục đề cao chủ trương “tự cung tự cấp”, một chiến lược lâu nay nhằm tránh sự giúp đỡ của phương Tây.

“Sự giúp đỡ của chủ nghĩa đế quốc là một cái bẫy nhằm giành lấy 100 thứ sau khi trao đi một thứ. Sẽ là một sai lầm nếu xây dựng kinh tế bằng cách nhận “viên kẹo ngọt có độc ấy”, theo bài xã luận đăng trên báo Rodong Sinmun của Triều Tiên ngày 22.2.

Bảo Vĩnh