Nhiều học sinh lựa chọn kỳ thi đánh giá năng lực để chuyển sang học nghề

Giáo dục - Ngày đăng : 18:46, 26/02/2023

Khi trường đại học công bố tuyển sinh 2023 là lúc thầy và trò các trường THPT tăng tốc ôn luyện kiến thức, hướng nghiệp cho học sinh lớp 12.

Không nên đăng ký thi quá nhiều kỳ thi Đánh giá năng lực

Thời điểm này là thời điểm ôn thi nước rút của các học sinh cuối cấp hệ THPT vì các em vừa dành sức ôn thi tốt nghiệp nhưng cũng đăng ký vào các kỳ thi đánh giá năng lực riêng của các trường ĐH.
Có nhiều trường ĐH đang tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh. Để đáp ứng được điều trên, học sinh phải dành nhiều thời gian ôn tập hơn để đăng ký tham dự kỳ thi này nhằm gia tăng cơ hội trúng tuyển.

Trao đổi với phóng viên trong sáng 26.2 khi tham dự chương trình Tư vấn - hướng nghiệp tại Hải Phòng, em Nguyễn Tú Nhi - đang theo học một trường THPT trên địa bàn TP.Hải Phòng - cho biết bản thân em đã đăng ký thi kỳ thi đánh giá năng lực của trường ĐH Quốc gia Hà Nội, tuy nhiên sau khi đăng ký xong em mới được các thầy cô giáo tư vấn là không nên tham dự kỳ thi đánh giá năng lực ở trường Quốc gia.

"Vì năng lực của em chỉ học tốt môn Toán, còn các môn khác thì hơi yếu. Các thầy cô nói cho em biết là em nên đăng ký kỳ thi đánh giá năng lực tại trường ĐH Kinh tế, Bách khoa thì hợp hơn. Trước mắt đã đăng ký rồi thì em phải cố gắng để thi, sau đó nếu không đỗ thì em tham dự kỳ thi THPT xong rồi lựa chọn học nghề cho phù hợp. Vì em thích ngành Công nghệ thông tin nên học nghề để tiếp cận được máy tính sớm hơn, thiết kế những phần mềm mà em yêu thích", Tú Nhi nói. 

Cũng như Tú Nhi, em Nguyễn Thiện Nhân - trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội cho biết bản thân em rất thích các mô hình lắp ghép nên em sẽ đăng ký ngành công nghệ. Tuy nhiên, bố mẹ vẫn muốn em lựa chọn một trường chuyên về tài chính nên em đã đăng ký thi đánh giá năng lực để cho bố mẹ biết điểm số ở các môn cũng như năng lực thật sự của em. Thiện Nhân chia sẻ: “Sau đó thì em mới thi tốt nghiệp, đăng ký nguyện vọng vào các trường ĐH có các khoa công nghệ hoặc học luôn trường nghề gần nhà cho tiện để ra trường em có thể đi làm luôn. Tiếp xúc với máy móc công nghệ nhanh chóng hơn".

Các chuyên gia giáo dục đều cho rằng mỗi kỳ thi xét tuyển ĐH có số lượng câu hỏi cũng như tính chất khác nhau nên việc các học sinh ôn tập cũng khác. Nếu sa đà vào quá nhiều kỳ thi, thí sinh có thể biến cơ hội thành thách thức, khó có thể đồng thời đạt kết quả cao ở tất cả các kỳ thi.

Trao đổi với phóng viên, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc - Giáo viên dạy môn Hóa học cho biết các kỳ thi riêng sẽ giúp các trường chọn được những sinh viên phù hợp với chương trình đào tạo cả về năng lực, phẩm chất, tâm lý tính cách, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo. Thí sinh sẽ rất dễ áp lực nếu không tìm hiểu kỹ phương thức tuyển sinh, nguyên lý xét tuyển, sa đà vào đăng ký quá nhiều kỳ thi với suy nghĩ thi càng nhiều cơ hội càng lớn. Chính tư duy này đã tạo ra cho các em áp lực phải học nhiều, ôn thi nhiều.

"Tôi cho rằng, trong những năm tới, xu hướng các trường tuyển sinh riêng sẽ không bùng nổ một cách tự phát, tràn lan. Bởi để tổ chức một kỳ thi riêng chất lượng đòi hỏi những nguồn lực rất lớn. Xu hướng trong lương lai sẽ là các trường đại học liên kết lại với nhau để tổ chức các kỳ thi lớn, có sức ảnh hưởng và thí sinh có thể dùng kết quả này để xét tuyển vào nhiều trường khác nhau. Tôi vẫn khuyên học sinh, ngoài thi tốt nghiệp THPT chỉ nên tham gia 1 kỳ thi đánh giá năng lực hoặc đánh giá tư duy khác chứ đừng nên đăng ký quá nhiều ảnh hưởng tới việc ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT", thầy Ngọc lưu ý.

tuyen-sinh-2023.jpg
Các trường học tăng tốc ôn tập, hướng nghiệp cho học sinh lớp 12

Cũng đưa ra quan điểm của mình, cô Trần Thị Mai Phương - Giáo viên Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình) cho rằng các học sinh muốn có kết quả cao trong các kỳ thi riêng cần cách học khoa học, biết hệ thống và hiểu bản chất vấn đề. Riêng đối với kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy thì cần đọc nhiều. Các em cần nắm chắc kiến thức phổ thông, bám chắc đề thi minh họa mà đơn vị tổ chức thi công bố, học ôn tập từ đề thi minh họa để chiếm ưu thế, khắc phục kiến thức thiếu hụt.

Lựa chọn học nghề, ứng dụng ChatGPT vào tuyển sinh và giảng dạy

Việc chọn trường nào, học trường nào, ra trường có việc làm hay không, năng lực mình có đủ sức thi vào hay không luôn là câu hỏi đau đầu của các sĩ tử trước mùa thi. Tuy nhiên, để giúp các em an tâm phần nào trước các áp lực khá lớn, PGS.TS Phạm Mạnh Hà - Trường ĐH Quốc gia Hà Nội, khẳng định dù lựa chọn ngành nghề nào, trường ĐH, CĐ hay trường nghề thì tài năng của các em mới chính là thước đo quan trọng để đảm bảo cho một công việc ổn định.

"Đầu tiên khi các em lựa chọn trường, chọn ngành thì nên đặt ra câu hỏi "Tôi thích nghề gì" và liệt kê những điều mà bản thân biết về ngành nghề đó, hứng thú hay không, tỷ lệ ra trường xin việc sau đó là như thế nào? Tiếp đến mới đặt ra câu hỏi "Bản thân tôi phù hợp nghề gì", "Tôi chọn nghề gì" và cuối cùng mới đến "Tôi nên học ở đâu". Căn cứ vào tình hình kinh tế của gia đình, điểm chuẩn của các trường để sắp xếp thứ tự ưu tiên. Kể cả khi các em lựa chọn học nghề thì việc các em ra trường có công việc ổn định, thời gian đào tạo ngắn hơn cũng khiến các em sớm trưởng thành hơn trong cuộc sống", PGS.TS Phạm Mạnh Hà chia sẻ.

Hiện nay, các trường ĐH, CĐ cũng như các trường nghề đang cùng lúc tổ chức các chương trình hướng nghiệp cho học sinh. Đặc biệt các trường đang ưu tiên các ngành liên quan đến công nghệ, sử dụng công nghệ mới để tiếp cận với các học sinh nhanh chóng, chính xác hơn.

Theo khảo sát thị trường, các trường nghề khi tuyển sinh đều đa số là có đơn đặt hàng của các doanh nghiệp nên sẽ nhanh chóng giải quyết được vấn đề việc làm sau khi ra trường của các sinh viên. Năm 2023 các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đặt mục tiêu tuyển sinh cao. Thống kê sơ bộ cả nước có hơn 1.300 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, hàng năm có gần 990.000 học sinh, sinh viên tốt nghiệp và các cơ sở nghề nghiệp đặt mục tiêu sẽ chiếm 35-40% tỷ lệ các học sinh thi vào các trường.

Theo bà Nguyễn Hằng Nga, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội, hiện nay ngành công nghệ đang được chú trọng. Đặc biệt là sự ra đời của ứng dụng ChatGPT. Việc sử dụng ChatGPT không đòi hỏi người dùng quá cao về công nghệ thông tin nên các em học sinh, sinh viên có thể ứng dụng được ngay. Một trong những ngành nghề mà sinh viên dễ tìm hiểu hơn và ứng dụng ChatGPT tốt đó là Công nghệ thông tin, bởi nó mang tính chất phổ thông và gần gũi. Nhưng lãnh đạo các trường cho rằng, để ChatGPT hỗ trợ được trong đào tạo nghề thì người thầy phải rất hiểu về ChatGPT thì mới có thể khai thác được những lợi thế của nó.

Mặc dù hiện nay chưa có hỗ trợ cho các tài khoản đăng ký sử dụng ChatGPT từ Việt Nam nhưng một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp như trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội đã triển khai cho giáo viên chủ động nghiên cứu ứng dụng này và có thể giao cho sinh viên sử dụng ChatGPT để tìm hiểu nội dung bài học tiếp theo. Tới đây, khi có tài khoản ChatGPT, nhà trường sẽ nghiên cứu, sử dụng công cụ này vào công tác tuyển sinh trực tuyến cho các em học sinh, để giảm tải công việc cho đội ngũ tư vấn ngành nghề của nhà trường.

Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cho biết, khi có tài khoản, mùa tuyển sinh năm nay sẽ ứng dụng ChatGPT để tư vấn cho các em học sinh. Nhà trường cũng tổ chức các giáo viên để hỗ trợ đội ngũ tư vấn viên có dịch vụ tư vấn tốt nhất cho người học, tiết kiệm được nhân sự và kinh phí trả lương. Và, các trường cũng muốn sử dụng nền tảng công cụ ChatGPT để chăm sóc cho đối tượng tuyển sinh là học sinh các trường phổ thông được tốt hơn. Cũng như hy vọng với những hỗ trợ của ChatGPT sẽ giúp cho hoạt động tư vấn tuyển sinh và tuyển sinh của nhà trường hiệu quả hơn trong năm học này.

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung