Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường giám sát thực nghiệm SGK và triển khai biên soạn SGK dân tộc
Giáo dục - Ngày đăng : 20:53, 26/02/2023
Bộ GD-ĐT cho biết hiện có nhiều ý kiến cử tri cho rằng mỗi địa phương áp dụng một bộ sách giáo khoa riêng, dẫn đến tình trạng thay đổi SGK nhiều lần, đồng thời sách giáo khoa của học sinh ở địa phương này không thể mua và sử dụng ở địa phương khác.
Bộ GD-ĐT khẳng định theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28.11.2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã quy định: "SGK cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình Giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh. Bộ sách sẽ định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số SGK cho mỗi môn học". Như vậy, vai trò của sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới đã khác so với SGK hiện hành.
Các SGK khác nhau được biên soạn với ngữ liệu, hình ảnh, cấu trúc khác nhau nhưng đều có chung mục tiêu là cụ thể hóa chương trình, nhằm đáp ứng yêu cầu cần đạt đối với từng nội dung giáo dục được quy định trong chương trình.
Sắp tới Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường giám sát quá trình tuyển chọn tác giả, thực nghiệm SGK của các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK tại các cơ sở giáo dục theo đúng quy định, đảm bảo chủ động về tiến độ chuẩn bị SGK theo đúng lộ trình. Bộ cũng tăng cường kiểm tra các địa phương triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, kiểm tra việc tổ chức lựa chọn SGK. Lựa chọn chặt chẽ hơn các thành viên tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định SGK, tăng cường trách nhiệm và tăng cường giám sát việc thực hiện của các hội đồng quốc gia thẩm định SGK để nâng cao chất lượng sách.
Cùng với đó, Bộ GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo triển khai việc biên soạn SGK dân tộc, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng theo kế hoạch đã ban hành. Chỉ đạo, huy động các nguồn lực để tổ chức dịch một số SGK được phê duyệt sang sách chữ nổi Braille. Phát huy việc biên soạn SGK điện tử, học liệu điện tử theo đúng tinh thần xã hội hóa của Nghị quyết số 122/2020/QH14 của Quốc hội.
Cũng theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, trong báo cáo tóm tắt của Hội thảo SGK giáo dục phổ thông, Bộ GD-ĐT cũng đã đưa ra đánh giá về chất lượng các bản mẫu SGK mới. Về ưu điểm, cấu trúc các bản mẫu SGK cơ bản đáp ứng, đồng nhất về cấu trúc, nội dung theo quy định về SGK. Ngữ liệu, hình ảnh được sử dụng không vi phạm quy định về chủ quyền quốc gia, thân nhân tác giả; không có vấn đề mang tính nhạy cảm về chính trị, ngoại giao, dân tộc, tôn giáo. Nội dung phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá thể hiện trong các bản mẫu SGK đều đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực học sinh được quy định trong chương trình các môn học/hoạt động giáo dục.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng thẳng thắn nhìn nhận còn một số hạn chế. Cụ thể, còn một số nội dung, thuật ngữ được sử dụng trong các bản mẫu SGK chưa đảm bảo tính liên thông giữa các môn học/hoạt động giáo dục. Tiến trình nội dung bài học của các bản mẫu SGK trong một môn học còn có sự chênh lệch đáng kể giữa các SGK khác nhau. Chất lượng một số bản mẫu SGK còn hạn chế, bên cạnh những lỗi về nội dung còn rất nhiều lỗi về mặt chính tả, câu từ, ngôn ngữ, hình ảnh…
Về việc thẩm định, phê duyệt SGK, một số hạn chế còn tồn tại như việc xem xét, thẩm định đối với một vài văn bản, ngữ liệu đưa vào SGK chưa chú ý đầy đủ các khía cạnh tác động xã hội; gây băn khoăn trong dư luận khi SGK đưa vào sử dụng. Việc thẩm định SGK còn cần phải thực hiện qua nhiều vòng, nhiều đợt dẫn đến việc phê duyệt danh mục SGK còn chậm gây khó khăn trong việc tổ chức lựa chọn SGK.