Serbia, Kosovo cân nhắc các đề xuất của EU nhằm cải thiện quan hệ
Quốc tế - Ngày đăng : 19:00, 27/02/2023
Căng thẳng đã leo thang kể từ khi Kosovo đơn phương ly khai khỏi Serbia vào năm 2008. Việc Kosovo tuyên bố độc lập đã được nhiều nước phương Tây công nhận song bị Serbia phản đối. Các nhà lãnh đạo phương Tây lo ngại rằng một cuộc xung đột Balkan mới có thể nổ ra ngay khi cuộc chiến ở Ukraine bước sang năm thứ hai.
Tại các cuộc họp ở Brussels, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và lãnh đạo Kosovo Albin Kurti sẽ thảo luận về các cách thức thực hiện các đề xuất của châu Âu. Một quan chức cấp cao của EU cho biết, Liên minh châu Âu đang hướng tới việc bình thường hóa quan hệ giữa Belgrade và Pristina.
Các cuộc đàm phán trước đây giữa ông Vucic và Kurti đã không thành công khi cả hai bên đều đổ lỗi và không chịu nhường nhịn lẫn nhau. Nhưng lần này cả hai nhà lãnh đạo đã được cho là tán thành các đề xuất “về nguyên tắc”.
Tại cuộc họp do người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell chủ trì hôm 26.2, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết ông “sẵn sàng nghiên cứu ý tưởng và thực hiện kế hoạch được EU đề xuất với những hạn chế được xác định rõ ràng”.
Ông Vucic đã nhiều lần nói rằng Serbia từ chối công nhận Kosovo là một quốc gia độc lập cũng như không đồng ý để nước này trở thành thành viên của Liên Hợp Quốc.
EU đã làm trung gian đàm phán giữa Serbia và Kosovo kể từ năm 2011, nhưng rất ít trong số thỏa thuận đã được ký kết được thực hiện. EU và Mỹ đã thúc đẩy tiến độ đàm phán nhanh hơn kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào năm ngoái.
Trong những tháng gần đây, các đặc phái viên của Mỹ và EU đã thường xuyên đến thăm Pristina và Belgrade để khuyến khích hai bên chấp nhận các đề xuất mới. Hai nhà lãnh đạo Serbia và Kosovo đã gặp các đại diện cấp cao của EU bên lề một hội nghị an ninh lớn ở thành phố Munich của Đức vào tháng 2.
Đầu tháng này, hàng trăm người theo chủ nghĩa dân tộc Serbia đã tập trung tại thủ đô Belgrade để yêu cầu Tổng thống Vucic từ chối kế hoạch của EU và rút khỏi các cuộc đàm phán. Đông đảo người biểu tình đã mang biểu ngữ “Không đầu hàng” khi tập trung gần tòa nhà tổng thống Serbia.