Mỗi tháng 25,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất, kinh doanh
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 10:35, 28/02/2023
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 2, cả nước có 8.841 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 18,5% so với tháng trước và tăng 21,4% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết cả nước còn có 3.927 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 73,9% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2022; có 3.802 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 89,1% và tăng 9,7%; có 2.636 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 61,5% và tăng 37,5%; có 1.167 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 42,7% và giảm 5,4%.
Tính chung hai tháng đầu năm 2023, cả nước có 37,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 51,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 14,5%; bình quân một tháng có 25,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20.2.2023 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 3,1 tỉ USD, giảm 38% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam hai tháng đầu năm 2023 ước tính đạt 2,55 tỉ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong hai tháng đầu năm 2023 có 10 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 109,4 triệu USD, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước; có 4 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 5,7 triệu USD (cùng kỳ là - 7,2 triệu USD). Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 115,1 triệu USD, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo cũng cho hay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2.2023 tăng 0,45% so với tháng trước. So với tháng 12.2022, CPI tháng 2 tăng 0,97% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,31%. Bình quân hai tháng đầu năm 2023, CPI tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022; lạm phát cơ bản tăng 5,08%, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,6%).
Nguyên nhân chủ yếu do lạm phát cơ bản từ tháng 7.2022 đến tháng 12.2022 có mức tăng so với tháng trước cao hơn CPI chung do giá xăng dầu là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng CPI trong các tháng này thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản. Lạm phát cơ bản tháng 2.2023 ở mức nền cao hơn CPI chung nên có mức tăng so với cùng kỳ năm trước cao hơn.
Chỉ số giá vàng tháng 2.2023 tăng 0,92% so với tháng trước; tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân hai tháng đầu năm 2023, chỉ số giá vàng trong nước tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 2.2023 tăng 0,2% so với tháng trước do nguồn cung bảo đảm; tăng 3,67% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân hai tháng đầu năm 2023, chỉ số giá đô la Mỹ trong nước tăng 3,42% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo báo cáo, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 2 đạt 933 nghìn lượt người, tăng 7,1% so với tháng trước và gấp 31,6 lần so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại.
Tính chung hai tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến nước ta đạt 1,8 triệu lượt người, gấp 36,6 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chưa bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19.