Báo Trung Quốc dọa Elon Musk vì bình luận tweet 'COVID-19 có thể bắt nguồn từ phòng thí nghiệm Vũ Hán'
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 00:32, 01/03/2023
Trang CNBC vừa đưa tin về cảnh báo Elon Musk từ Thời báo Hoàn cầu, ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo (cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc).
Cụ thể hơn, Thời báo Hoàn cầu cảnh báo Elon Musk rằng ông có thể “đập vỡ nồi cơm ở Trung Quốc” sau khi đưa ra phản hồi các tweet cho rằng đại dịch COVID-19 có thể bắt nguồn từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Câu nói này gần giống với thành ngữ “cắn kẻ nuôi bạn”, CNBC cho biết.
Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai của Tesla. Nhà sản xuất ô tô điện của Mỹ có nhà máy với khuôn viên rộng lớn ở thành phố Thượng Hải.
Bộ Năng lượng Mỹ đã kết luận rằng đại dịch COVID-19 bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, nhưng các nguồn tin quen thuộc với vấn đề này nhấn mạnh với NBC News rằng kết luận đó không được coi là quá quan trọng.
Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã đưa ra kết luận tương tự ở mức “độ tin cậy vừa phải” vào năm 2021.
CNBC đưa tin Trung Quốc rất nhạy cảm với vấn đề trên, đặc biệt là khi đang thu hút đầu tư từ bên ngoài sau nhiều tháng phong tỏa vì COVID-19 khiến người dân bức xúc.
Bộ Năng lượng Mỹ nhận định nhiều khả năng COVID-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm Trung Quốc, nhưng nguồn tin của tờ Wall Street Journal cho biết kết luận này có "độ tin cậy thấp".
Bộ Năng lượng Mỹ trước đó chưa phán đoán về nguồn gốc SARS-CoV-2 nhưng đã thay đổi khi cập nhật một tài liệu năm 2021 của Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ - Avril Haines.
Wall Street Journal nhấn mạnh việc nhiều bộ phận của cộng đồng tình báo có những nhận định khác nhau về nguồn gốc đại dịch COVID-19. Bộ Năng lượng Mỹ giờ đây cũng theo bước FBI cho rằng SARS-CoV-2 dường như lây lan do sự cố ở một phòng thí nghiệm của Trung Quốc.
Trong khi 4 cơ quan khác cùng với một ủy ban tình báo quốc gia Mỹ vẫn cho rằng nhiều khả năng COVID-19 có nguồn gốc lây nhiễm tự nhiên, 2 cơ quan tình báo khác chưa đưa ra nhận định.
Năm 2021, FBI từng đưa ra kết luận với "độ tin cậy trung bình" rằng đại dịch COVID-19 dường như là hậu quả của vụ rò rỉ vi rút từ phòng thí nghiệm và đến nay vẫn duy trì quan điểm.
Việc Bộ Năng lượng Mỹ đổi ý là kết quả của thông tin tình báo mới. Tờ Wall Street Journal cho rằng sự kiện này có ý nghĩa quan trọng do đây là cơ quan có chuyên môn khoa học và giám sát mạng lưới 17 phòng thí nghiệm Mỹ, trong đó có một số tiến hành nghiên cứu sinh học tiên tiến.
Bản đánh giá cập nhật dài 5 trang "được thực hiện dựa trên thông tin tình báo mới, nghiên cứu sâu hơn về tài liệu học thuật và tham khảo ý kiến các chuyên gia bên ngoài chính phủ", trong bối cảnh các đảng viên Cộng hòa tại Quốc hội đang yêu cầu thêm thông tin, theo một phát ngôn viên từ Bộ Năng lượng Mỹ.
Các quan chức Bộ Năng lượng Mỹ từ chối cung cấp thêm thông tin về lý do thay đổi quan điểm của mình. Họ lưu ý rằng Bộ Năng lượng Mỹ và FBI đi đến cùng một kết luận, song với những lý do khác nhau.
Các giả thuyết về nguồn gốc COVID-19 đến nay đều tập trung vào hai trường hợp: Một loài động vật truyền vi rút sang người, hoặc vi rút vô tình bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
COVID-19 bắt đầu bùng phát mạnh mẽ vào đầu năm 2020, khiến gần 7 triệu người chết trên toàn cầu, làm gián đoạn hoạt động kinh tế, thương mại và du lịch toàn cầu, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) vẫn chưa quyết định nguồn gốc COVID-19 là rò rỉ phòng thí nghiệm hay lây nhiễm tự nhiên, nhưng cho rằng SARS-CoV-2 không phải là một phần trong chương trình vũ khí sinh học của Trung Quốc.
Khi được hỏi về báo cáo mới nhất, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan thừa nhận có "nhiều quan điểm khác nhau" trong các cơ quan tình báo về vấn đề này, song nhấn mạnh rằng Tổng thống Joe Biden từng nhiều lần chỉ đạo cộng đồng tình báo đầu tư vào nỗ lực xác định rõ nguồn gốc COVID-19. Theo Jake Sullivan, có nhiều quan điểm khác nhau trong cộng đồng tình báo và nhiều bộ phận cho biết họ chưa có đủ thông tin.
Jake Sullivan nói thêm rằng Tổng thống Biden đã yêu cầu Phòng Thí nghiệm Quốc gia thuộc Bộ Năng lượng Mỹ tham gia đánh giá. "Tổng thống muốn sử dụng mọi công cụ để tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra", Jake Sullivan cho biết.
"Hiện tại, cộng đồng tình báo vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng", Sullivan nói thêm, đề cập đến 8 trong 18 cơ quan cùng với Hội đồng Tình báo Quốc gia, những đơn vị đã tiến hành nghiên cứu nguồn gốc COVID-19.
Một báo cáo hồi tháng 5.2020 của Phòng Thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore thuộc Bộ Năng lượng Mỹ kết luận giả thuyết SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm là hợp lý.
Giới chức Trung Quốc lâu nay vẫn phản đối kết luận rằng SARS-CoV-2 có thể bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm nước này, trong đó có Viện Vi rút học Vũ Hán, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc và Viện Sinh phẩm Vũ Hán.
Theo báo cáo tình báo năm 2021 của Mỹ, COVID-19 xuất hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán, không muộn hơn tháng 11.2019, khi ba nhà nghiên cứu từ Viện Vi rút học Vũ Hán, được cho từng tham gia nghiên cứu về coronavirus, bị ốm đến mức phải nhập viện.
Elon Musk gặp thách thức đưa Tesla đi trước đối thủ Trung Quốc
Elon Musk sẽ đối mặt với một thách thức quan trọng trong Ngày hội đầu tư của Tesla hôm 1.3: Thuyết phục các nhà đầu tư rằng dù các đối thủ đang bắt kịp Tesla nhưng hãng tiên phong về ô tô điện có thể tạo ra bước nhảy vọt khác để mở rộng vị trí dẫn đầu.
Tesla là nhà sản xuất ô tô điện số 1 trên thế giới vào năm 2022, nhưng BYD (Trung Quốc) và các hãng khác đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách, theo phân tích của hãng tin Reuters về dữ liệu doanh số xe điện toàn cầu và khu vực do trang EV-volumes.com cung cấp.
Trên thực tế, BYD đã vượt qua Tesla về doanh số ô tô điện vào năm ngoái ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi Volkswagen dẫn đầu về doanh số xe điện ở châu Âu kể từ năm 2020.
Dù thu hẹp vị trí dẫn đầu của Volkswagen ở châu Âu, Tesla đánh mất thị phần tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như thị trường trong nước khi mà cuộc cạnh tranh trở nên gay gắt.
Những thách thức lớn nhất với Tesla đến từ các nhà sản xuất ô tô lâu đời và một nhóm các hãng sản xuất xe điện Trung Quốc. Một số công ty khởi nghiệp ô tô điện Mỹ hy vọng sẽ được hưởng lợi từ việc Tesla gặp khó khăn, gồm cả nhà sản xuất xe điện hạng sang Lucid, có cổ phiếu giảm 16% hôm 23.2 sau kết quả tài chính và doanh số bán hàng đáng thất vọng.
Trong 2 năm tới, các đối thủ bao gồm General Motors Co, Ford Motor Co, Mercedes-Benz, Hyundai Motor và Volkswagen sẽ tung ra nhiều mẫu ô tô điện mới, từ một chiếc Chevrolet giá dưới 30.000 USD đến những chiếc sedan và SUV hạng sang giá trên 100.000 USD.
Hôm 23.2, Mercedes đã sử dụng Thung lũng Silicon làm nền tảng cho một buổi trình diễn dài về cách mà các mẫu xe của hãng trong tương lai sẽ đưa chủ sở hữu đắm chìm trong những luồng nội dung giải trí phong phú, được truyền tải thông qua các siêu màn hình kéo dài trên bảng điều khiển và khiến màn hình chữ nhật trên các mẫu ô tô điện Tesla trông thật lỗi thời.
Các lãnh đạo cũng nhấn mạnh rằng chỉ Mercedes mới có hệ thống lái xe tự động một phần Cấp độ 3 tiên tiến được phê duyệt để sử dụng ở Đức. Sự chấp thuận tại Mỹ đang chờ được xử lý ở bang California.
Tại Trung Quốc, Tesla phải giảm giá các mẫu ô tô điện bán chạy nhất của mình trước áp lực ngày càng tăng từ các nhà sản xuất nội địa bao gồm BYD, Nio và Zeekr (thương hiệu của Geely Automobile).
Các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc có thể nhận được một cú hích nữa nếu CATL (hãng sản xuất pin Trung Quốc) thực hiện kế hoạch giảm giá mạnh các loại pin được sử dụng trong xe của họ.