Ồ ạt trồng sầu riêng, có đáng ngại?

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 10:59, 02/03/2023

Nông dân ở nhiều vùng đang ồ ạt trồng sầu riêng. Cục Trồng trọt đã cảnh báo loại cây này đang phát triển nóng, tuy nhiên cơn sốt trồng sầu riêng với hy vọng làm giàu vẫn chưa ngưng lại.

Nhiều hộ nông dân ở khu vực ĐBSCL, Tây Nguyên, Bình Phước... đã ồ ạt bỏ lúa, mít, hồ tiêu... để trồng sầu riêng với hy vọng làm giàu. Hiện tượng này nở rộ sau sự kiện hơn 100 tấn sầu riêng đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc từ ngày 17.9.2022. Quyết định cho sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc theo đường chính ngạch đã nuôi hy vọng cho bà con cơ hội trong việc gia tăng xuất khẩu mặt hàng có giá trị này sang thị trường tỷ dân.

sau-rieng.jpg

Theo đó, giá sầu riêng thu mua đã tăng mạnh, lên mức 150.000 - 200.000 đồng/kg. Tuy nhiên cũng từ đây, diện tích trồng sầu riêng trên cả nước được mở rộng đáng kể. Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nông dân đã ồ ạt bỏ lúa, mít để trồng sầu riêng. Còn tại Tây Nguyên, sầu riêng cũng đang thay thế nhiều diện tích hồ tiêu, cà phê.

Nhiều hộ nông dân ở Tây Nguyên cho biết nhận thấy lợi nhuận cao từ cây sầu riêng đem lại nên dù phải mất 2-3 năm mới thu hoạch thì vẫn kỳ vọng rất lớn về lợi nhuận thu lại từ loại cây này. Mặc dù lo ngại sẽ khó tìm được đầu ra trong thời gian tới do số lượng nông dân chuyển sang trồng sầu riêng ồ ạt, tuy nhiên nhiều hộ dân ở Tây Nguyên vẫn tiếp tục mở rộng diện tích vì chạy theo giá cả thị trường.

Hiện nay, diện tích sầu riêng ở khu vực Tây Nguyên tăng khá nhanh, lên đến hơn 40.000 hecta. Với diện tích này, sản lượng và số lượng sầu riêng vùng Tây Nguyên đều đã vượt quy hoạch đề ra. Nguy cơ cung vượt cầu rất dễ xảy ra trong thời gian tới.

Cục Thống kê tỉnh Bình Phước cho biết, diện tích trồng cây sầu riêng tại địa phương này năm 2022 đạt 4.802ha, tăng 1.364ha so với năm 2021. Diện tích cây ăn trái các loại trên địa bàn tỉnh hiện có 13.901ha. Trong đó đáng chú ý, diện tích sầu riêng chiếm 4.802ha, tăng 28,4% so với năm 2021. Trong số 4.802ha sầu riêng, có khoảng 2.289ha (tăng 611ha) cho sản phẩm, năng suất ước đạt 95,24 tạ/ha (tăng 2,2 tạ/ha); sản lượng ước đạt 21.804 tấn (tăng 6.189 tấn so với năm 2021).

sau-rieng-2.jpg

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), toàn bộ mã số mới sầu riêng vừa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt vào ngày 23.2, trong đó, 3 tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng và Tiền Giang được cấp nhiều mã vùng trồng nhất. Tiền Giang cũng là tỉnh được cấp nhiều mã số cơ sở đóng gói nhất, với tổng cộng 27 mã. Như vậy, đến nay, Việt Nam hiện có 246 mã số vùng trồng và 97 mã số cơ sở đóng gói đáp ứng đầy đủ yêu cầu của phía Trung Quốc.

Từ khi thị trường Trung Quốc mở cửa cho trái sầu riêng Việt Nam thì giá thu mua loại trái cây này đã tăng rất cao. Điều này đã khiến nhiều nông dân ồ ạt phá bỏ các loại cây trồng, như: hồ tiêu, cà phê, điều để chuyển sang trồng sầu riêng. Giới chuyên gia lo ngại hiện tượng phát triển nóng sầu riêng với sản lượng lớn sẽ hạ giá thành sản phẩm này và sẽ không có người thu mua. Vì vậy, cơ quan quản lý cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, tổ chức các buổi hội thảo để người dân có thêm thông tin, kiến thức, tránh tình trạng đổ xô đi trồng cây vì thấy giá tăng cao. Đặc biệt, cần để các hộ nông dân hiểu thay vì tăng diện tích trồng ồ ạt không kiểm soát thì cần nâng cao chất lượng, thương hiệu, quy trình chế biến sản xuất để nâng tầm trái sầu riêng Việt Nam.

Cục Trồng trọt đã cảnh báo việc tăng diện tích cây sầu riêng một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào, không theo định hướng, có thể dẫn đến hậu quả khó lường, cung vượt quá cầu, dội chợ... Nghiêm trọng hơn là tại các vùng trồng không phù hợp như nhiễm mặn, nhiễm phèn; vùng không chủ động được tưới tiêu sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng về năng suất và chất lượng sầu riêng của Việt Nam.

Theo Đề án phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích sầu riêng cả nước là 65.000 - 75.000 ha. Tuy nhiên con số này hiện đã lên hơn 80.000 ha và vẫn đang tiếp tục tăng lên. Theo đó, hiện nay thực trạng này cũng đáng báo động bởi hiện mới chỉ có 20% sản lượng được vào thị trường Trung Quốc.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng vừa có công văn gửi các tỉnh thành phía Nam, yêu cầu nâng cao chất lượng chuỗi giá trị sầu riêng, không mở rộng tự phát. Các địa phương phải vào cuộc. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xác định những vùng có thể phát triển sầu riêng bền vững, hệ thống thủy lợi đáp ứng được. Đồng thời, sẽ liên kết lại các doanh nghiệp bao tiêu xuất khẩu sầu riêng thời gian qua cùng đánh giá về khả năng thị trường để liên kết với các vùng nguyên liệu lớn.

Bài và Ảnh: Tuyết Nhung