Mưu mẹo của nữ chủ tịch NSJ Group khiến loạt lãnh đạo sở vướng vòng lao lý
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:35, 02/03/2023
“Quy trình 93 bước” trong vụ án tại Sở GD-ĐT Quảng Ninh
Như Một Thế Giới đã đưa tin, liên quan đến vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị liên quan, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 15 bị can.
Trong số đó có Vũ Liên Oanh (cựu Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh); Ngô Vui (cựu Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Sở GD-ĐT Quảng Ninh); Hoàng Thị Thúy Nga (Chủ tịch NSJ Group)…
Cơ quan điều tra nhận định hành vi thông đồng, móc ngoặc với nhau thực hiện hành vi thông thầu của Vũ Liên Oanh, Hoàng Thị Thúy Nga và các bị can trong vụ án đã gây hậu quả thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản nhà nước, phạm vào tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo kết luận điều tra, để thực hiện hành vi phạm tội, Nga đã phân công, chỉ đạo toàn bộ các phòng ban, nhân viên cấp dưới thực hiện hành vi vi phạm theo quy trình 93 bước và giao cho Giám đốc Công ty MQF phụ trách khối giáo dục, thực hiện và chỉ đạo toàn bộ mảng công việc liên quan đến thiết bị giáo dục, từ khâu lập dự án, tính toán giá sản phẩm, đến lập hồ sơ dự thầu, đấu thầu...
Lời khai của Nga thể hiện trong kết luận điều tra cho thấy từ năm 2016, Nga thừa nhận đã gặp và thống nhất với Vũ Liên Oanh (Giám đốc Sở); Ngô Vui (Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính) để nhân viên công ty của Nga phối hợp với cán bộ Sở GD-ĐT Quảng Ninh thực hiện việc lập 6 dự án, các thủ tục đấu thầu trình các sở ban ngành thẩm định, phê duyệt.
Việc làm này của Nga nhằm mục đích để Công ty NSJ được trúng thầu, bán các sản phẩm thiết bị giáo dục cho các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh theo đúng danh mục, giá thiết bị do Công ty NSJ cung cấp.
Cụ thể, từ năm 2016-2019, Nga chỉ đạo nhân viên của các công ty NSJ, MQF tổ chức thực hiện lập dự án, sau đó nhờ Nguyễn Tấn Sỹ (Giám đốc Công ty VNNew) ký, đóng dấu đại diện pháp nhân Công ty VNNew, hợp thức việc lập dự án, trình các sở ban ngành tỉnh Quảng Ninh phê duyệt.
Ngoài ra, Nga chỉ đạo nhân viên lập các báo giá, sau đó nhờ các công ty có mối quan hệ quen biết ký đóng dấu, cung cấp cho Sở GD-ĐT, các sở ban ngành làm căn cứ phê duyệt dự án, dự toán.
Liên quan đến việc đấu thầu, theo kết luận điều tra, do có mối quan hệ quen biết hoặc nể nang Nga nên một số công ty đồng ý tham gia dự thầu giúp khi cấp dưới của Nga đề nghị mà không được hưởng lợi gì. Nga là người quyết định giá tham dự thầu của Công ty NSJ và các công ty được mượn pháp nhân.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định Hoàng Thị Thúy Nga là chủ mưu, cầm đầu cùng với Vũ Liên Oanh. Quá trình điều tra, bị can Hoàng Thị Thúy Nga chỉ khai nhận về hành vi vi phạm quy định về đấu thầu; không khai nhận việc đưa tiền cho các bị can Vũ Liên Oanh, Ngô Vui và Hà Huy Long.
“Bị can chưa ăn năn hối lỗi nên cần xem xét xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung”, kết luận nêu rõ.
Tiếp cận lãnh đạo để tác động
Ngày 17.2.2023, TAND TP.Cần Thơ xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Y tế TP.Cần Thơ, tuyên phạt Hoàng Thị Thúy Nga 8 năm tù giam về tội danh nêu trên.
Theo nội dung vụ án, năm 2017, biết được nhu cầu đầu tư thiết bị y tế của Sở Y tế Cần Thơ, Hoàng Thị Thúy Nga đã chủ động đến gặp và được ông Võ Thành Thống (khi đó là Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ) giới thiệu với Bùi Thị Lệ Phi (Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ).
Sau khi được ông Thống giới thiệu, Nga đến gặp Phi và Cao Minh Chu (khi đó là Phó giám đốc Sở Y tế Cần Thơ) để được tạo điều kiện cho công ty của Nga tham gia các gói thầu, trúng thầu cung cấp thiết bị y tế và chào hàng hệ thống DSA tại Bệnh viện Tim với giá là 38 tỉ đồng.
Nhận được sự đồng ý, Hoàng Thị Thúy Nga đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới thực hiện quy trình lập hồ sơ dự thầu dựa trên giá mà Nga đã chào với Phi và Chu cho Công ty NSJ và Công ty Bình An; tự lập hồ sơ dự thầu cho Công ty “quân xanh” giúp Công ty NSJ và Công ty Bình An trúng thầu.
Với thủ đoạn, hành vi tương tự gói thầu tại Bệnh viện Tim, từ năm 2017 - 2019, Công ty NSJ và Công ty Bình An trúng thêm 3 gói thầu tại Bệnh viện Nhi do Sở Y tế Cần Thơ là chủ đầu tư. Hành vi sai phạm của các bị cáo đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 32 tỉ đồng.
HĐXX TAND TP.Cần Thơ nhận định Hoàng Thị Thúy Nga là chủ mưu, người khởi xướng việc thực hiện hành vi phạm tội, tiếp cận lãnh đạo để tác động, dùng lợi ích vật chất mua chuộc các cán bộ quản lý thực hiện theo đúng ý đồ của mình.
Trong vụ án sai phạm xảy ra tại Công ty AIC, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã được đưa ra xét xử trước đó, HĐXX TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt Hoàng Thị Thúy Nga 12 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Sau đó, bà Nga đã có đơn kháng cáo.
Tại phiên tòa, HĐXX cấp sơ thẩm đã tiến hành làm rõ việc Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch Công ty AIC) giới thiệu Hoàng Thị Thúy Nga (khi đó là Trưởng ban Quản lý dự án phụ trách khu vực phía nam của Công ty AIC) với Trần Đình Thành (khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai).
Sau đó, Nhàn và Nga đã nhiều lần gặp gỡ lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và đề nghị tạo điều kiện để Công ty AIC tham gia đấu thầu, rồi trúng các gói thầu thiết bị y tế tại dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đồng Nai.
Cáo trạng của VKS còn xác định Nga cũng trực tiếp chỉ đạo nhân viên Công ty AIC lập hồ sơ “quân đỏ”, “quân xanh” để hạn chế cạnh tranh trong đấu thầu.
Ngoài ra, Nga còn trực tiếp và chỉ đạo nhân viên thực hiện việc thông đồng với các đơn vị tư vấn mời thầu, tư vấn thẩm định giá để Công ty AIC trúng 16 gói thầu theo danh mục và giá do AIC đưa ra, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 148 tỉ đồng.