Bộ Xây dựng rút đề xuất gói tín dụng 110 nghìn tỉ đồng cho nhà ở xã hội

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 17:27, 02/03/2023

Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có buổi làm việc và thống nhất sẽ thực hiện gói đề xuất 120.000 tỉ đồng của NHNN do đây là gói có sẵn, có thể thực hiện được ngay. Do đó, Bộ Xây dựng không đề xuất gói 110.000 tỉ đồng nữa.

Vừa qua, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững" diễn ra sáng 17.2, Bộ Xây dựng đã có đề xuất Chính phủ bố trí gói tín dụng khoảng 110.000 tỉ đồng theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỉ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013-2016 trước đây) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay.

Gói hỗ trợ được đề xuất từ bài học của cuộc khủng hoảng bất động sản giai đoạn 2009-2013, sau đó gói tín dụng 30.000 tỉ đồng cho vay mua nhà ở xã hội được thực hiện rất tốt.

noxh.jpg
Bộ Xây dựng rút đề xuất gói tín dụng 110 nghìn tỉ đồng cho nhà ở xã hội

Cụ thể, đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dành khoảng 50% gói tín dụng, tương đương 55.000 tỉ đồng cho chủ đầu tư dự án vay ưu đãi. Đối với người mua nhà ở xã hôi nhà ở công nhân, dành khoảng 50% gói tín dụng, tương đương 55.000 tỉ đồng cho khách cá nhân là người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng vừa cho biết, sau hội nghị, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước đã có buổi làm việc, xác định nguồn tái cấp vốn hiện tại tương đối khó khăn. Theo đó, thống nhất sẽ thực hiện gói đề xuất 120.000 tỉ đồng của Ngân hàng Nhà nước do đây là gói có sẵn, có thể thực hiện được ngay.

Trước đó, đánh giá về đề xuất trên của Bộ Xây dựng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc có một gói tín dụng riêng cho lĩnh vực này là cần thiết để tăng nguồn cung nhà ở xã hội, giúp giảm tình trạng mất cân đối cung – cầu trên thị trường bất động sản.

“Nhưng nguồn vốn từ đâu cũng phải cân nhắc, tức là với nguồn vốn từ tái cấp vốn, là cung ứng tiền ra với thời gian dài hạn, có thể làm giảm tính linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ. Vì vậy, cần tính toán nguồn vốn tổng thể trên cơ sở chính sách tiền tệ cũng đang thực hiện nhiều chỉ đạo của Chính phủ về tái cơ cấu như tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng,… và ở các lĩnh vực, các ngành kinh tế khác”, Thống đốc đặt vấn đề.

Hoài Lam