TP.HCM còn rất nhiều vướng mắc về quỹ đất dành cho việc xây dựng mở rộng trường lớp
Giáo dục - Ngày đăng : 17:49, 02/03/2023
Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin, trong xây dựng kế hoạch để thực hiện đến năm 2025 đạt 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi), có 3 quận chưa đạt là: Quận 4 (289 phòng), Quận 12 (240 phòng), quận Gò Vấp (220 phòng).
Chỉ tiêu đạt 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học cũng không đồng đều giữa các cấp học, trong đó cấp tiểu học và trung học cơ sở đạt thấp. Lý do là ở các vùng đông dân cư, đông dân số trong độ tuổi đi học như khu vực quận Thủ Đức cũ, Quận 12, quận Gò Vấp, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh... số phòng học xây mới không theo kịp số người học tăng.
Tại hội nghị, một số quận huyện nêu ra những khó khăn, vướng mắc chủ yếu trong xây dựng phòng học hiện nay là thủ tục, quy định đầu tư công còn phức tạp; quỹ đất hạn hẹp; kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng không thỏa đáng; gia tăng dân số cơ học,…
Một số quận huyện luôn trong tình trạng áp lực cao, như quận 12 đang có nhu cầu xây mới 1.600 phòng nhưng chỉ xây thêm được 312 phòng; huyện Hóc Môn cần thêm 1.230 phòng học nhưng chỉ xây thêm được 403 phòng...
Bà Võ Thị Chính, Phó Chủ tịch UBND Quận 12 cho biết, đến cuối 2022, toàn quận có 2.874 phòng học, với 122.413 dân trong độ tuổi đi học, đạt 235 phòng học/10.000 dân. Nhiều trường tiểu học tại quận này có trên 50 lớp, nhiều lớp có sĩ số hơn 60 em/lớp.
Với tốc độ tăng dân số và tiến độ thực hiện dự án xây dựng trường học như hiện nay thì quận này xác định không thể đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân: "Chúng tôi cũng đề xuất với thành phố tiếp tục quan tâm, giải quyết kiến nghị của quận về việc thu hồi các khu đất do các cơ quan, công ty xí nghiệp của nhà nước đang quản lý nhưng thực tế khai thác không hiệu quả. Cụ thể quận đã có văn bản đề xuất 14 khu đất do các đơn vị này quản lý mà không khai thác hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích, đề xuất TP xem xét thu hồi, giao quỹ đất cho quận để phát triển hệ thống trường lớp trong thời gian tới".
Bà Đào Thị My Thư, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp bày tỏ, để đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân, địa phương cần bổ sung thêm 1.300 phòng học. Trong khi đó, hầu hết dự án hiện nay đều vướng công tác đền bù, giải tỏa do giá bồi thường theo quy định nhà nước hiện nay quá thấp, người dân không đồng thuận bàn giao đất.
Trước thực tế khó khăn đó, Sở GD-ĐT TP.HCM kiến nghị các quận, huyện ưu tiên bố trí vốn ngân sách để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình trường học theo kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch được duyệt phù hợp với yêu cầu phát triển và thực tế từng địa bàn quận, huyện. Trong đó, cần tập trung các khu vực có tốc độ tăng dân số cơ học cao hoặc địa bàn có các khu công nghiệp, khu chế xuất như quận 7, 9, 12, quận Bình Tân, Gò Vấp, Thủ Đức và huyện Bình Chánh.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức khẳng định, chỉ tiêu thực hiện 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học là một trong những mục tiêu quan trọng được thành phố quyết tâm thực hiện trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X.
Đến nay, về tổng thể, toàn thành phố đạt tỷ lệ 294 phòng học/10.000 dân số, tức đã tiệm cận chỉ tiêu đề ra. Song trên thực tế, tỷ lệ này không đồng đều giữa các quận, huyện và bậc học.
"Nếu không thật sự nghiêm túc ngồi bàn kỹ vấn đề này, ngoài việc không thực hiện được chỉ tiêu đã đề ra, chúng ta còn chưa làm tròn trách nhiệm của thành phố đối với người dân. Thành phố phải đảm bảo điều kiện tối thiểu về an sinh giáo dục. Các địa phương cần rà soát lại xem thật sự đã coi giáo dục là quốc sách hàng đầu hay chưa", Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đặt câu hỏi.
Ông Dương Anh Đức đề nghị các địa phương tập trung rà soát, giải quyết, quyết liệt đeo bám, kịp thời có đề xuất để các sở ngành nói riêng, UBND TP.HCM nói chung hỗ trợ địa phương trong việc thực hiện chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân.
Liên quan đến vấn đề quỹ đất cho giáo dục mà hầu hết các địa phương kiến nghị, ông Dương Anh Đức yêu cầu các đơn vị, sở ngành cùng rà soát lại. Đặc biệt trong thời gian qua, có nhiều dự án xây dựng đô thị mới, theo quy hoạch đều có đất dành cho giáo dục, y tế thì các đơn vị phối hợp xem xét những quy hoạch đó có được thực hiện hay không, đất giáo dục đang được làm gì, có đúng quy định không.
Hiện nay TP đang rất cần đất để xây dựng trường công và không nên để những dự án như vậy biến thành loại hình khác. Điều này cần được các đơn vị rà soát báo cáo trường hợp cụ thể và đề xuất phương án tốt nhất để khai thác phục vụ việc học cho học sinh.