TP.HCM đã từng có 4 trường hợp mắc cúm gia cầm A H5N1 gây chết người ở Campuchia
Thông tin Y học - Ngày đăng : 18:37, 02/03/2023
Thông tin trên được bà Lê Hồng Nga - Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM chia sẻ với báo chí vào chiều 2.3 về công tác phòng chống cúm A H5N1 của TP.
Theo bà Nga, dù cúm A H5N1 chưa được xem là bệnh lưu hành, nhưng TP có mật độ giao lưu lớn, tập trung nhiều chợ đầu mối thu mua gia cầm ở nhiều vùng khác nhau, nên người dân phải luôn cảnh giác cao độ về nguy cơ cúm A H5N1 xâm nhập.
Vào năm 2004, TP đã từng ghi nhận 4 trường hợp mắc cúm A H5N1, nhưng từ đó đến nay, TP chưa ghi nhận thêm trường hợp mắc nào.
Cúm A H5N1 được đánh giá là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm. Đây là bệnh truyền nhiễm nhóm A, đặc biệt nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao. “Chính vì vậy, chúng ta luôn cảnh giác với cúm A H5N1. Người dân không nên ăn tiết canh, thịt gia cầm sống, hoặc chưa được nấu chín kỹ; đồng thời luôn giữ vệ sinh, rửa tay sạch sẽ khi tiếp xúc với gia súc, gia cầm”, bà Nga khuyến cáo.
Tuy nhiên bà Nga cho rằng, vi rút H5N1 không dễ dàng lây lan từ gia cầm sang người nên khả năng người dân mắc cúm A H5N1 là rất thấp “Hiện nay chưa có thông tin nào đánh giá sự thay đổi nguy cơ lây lan của vi rút H5N1 từ gia cầm sang người so với trước đây. Có nghĩa là vi rút H5N1 không dễ dàng lây từ gia cầm sang người mà vi rút này chỉ thường xuất hiện ở gia cầm và thủy cầm”, bà Nga nói.
Về công tác phòng, chống cúm A H5N1, bà Nga cho biết, sau khi nhận được cảnh báo của Viện Pasteur TP.HCM về 2 trường hợp nhiễm cúm A H5N1 tại nước láng giềng Campuchia, trong đó có 1 trường hợp tử vong, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành và các cơ quan y tế trực thuộc đáp ứng tình huống khẩn cấp cúm gia cầm; đồng thời đã tham mưu cho UBND TP ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện về đáp ứng khẩn cấp cúm gia cầm.
Đối với ngành y tế, Sở Y tế đã chỉ đạo tăng cường giám sát người mang mầm bệnh đến từ các vùng dịch ở nước ngoài. Theo đó, tại cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, các cảng hàng hải thực hiện giám sát người từ nước ngoài vào TP. Nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ sẽ khám, điều tra dịch tế; đồng thời tại các cửa khẩu cũng sẽ phối hợp với ngành thú y kiểm soát chặt gia cầm nhập khẩu vào TP.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe đối với cộng đồng, nhất là những trường hợp có nguy cơ cao mắc bệnh cúm A H5N1.
Ngành y tế TP cũng đã chỉ đạo giám sát các trường hợp viêm hô hấp cấp nặng, nhất là những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ; tăng cường giám sát các chùm ca bệnh viêm đường hô hấp cấp. “Khi phát hiện những trường hợp viêm đường hô hấp cấp nặng, hoặc chùm ca bệnh sẽ báo cáo và hội chẩn với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới nhằm đưa bệnh nhân đến bệnh viện điều trị kịp thời, báo cáo với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tiến hành điều tra dịch tễ, khoanh vùng, đánh giá nguy cơ để kịp xử lý ổ dịch”, bà Nga chia sẻ.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng chỉ đạo các trung tâm y tế và phòng y tế quận, huyện phối hợp tham mưu cho UBND quận, huyện kế hoạch phòng chống cúm A H5N1 trên địa bàn theo hướng dẫn chuyên môn của Sở Y tế.
Các bệnh viện tăng cường giám sát các trường hợp viêm hô hấp cấp nặng, và hội chẩn với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới ngay sau khi phát hiện; đồng thời tập huấn lại phát đồ chẩn đoán về điều trị cúm A H5N1.
“Trong sáng nay (2.3), Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP đã phối hợp với Chi Cục Thú y và Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM) tổ chức lớp tập huấn giám sát, và phòng chống cúm A H5N1 trên người cho tất cả các trung tâm y tế quận, huyện để tuyên truyền trực tiếp cho các trạm y tế”, bà Nga cho biết thêm.