Săn lùng san hô đỏ khiến hệ sinh thái biển bị tổn hại nghiêm trọng
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 15:22, 03/03/2023
Mourad Arfaoui, chủ một cửa tiệm buôn bán đồ trang sức ở thị trấn Tabarka (Tunisia) cho biết, suốt hơn 20 năm qua, cửa tiệm trang sức từ san hô đã nuôi sống gia đình ông. Nhưng hiện tại, ông băn khoăn rằng liệu cửa tiệm có được các con ông thừa kế không vì nguồn cung san hô đỏ rất thiếu.
Arfaoui nói: “Có lẽ ngày nào đó, sẽ không còn bất kỳ san hô nào nữa ở đây. Đơn giản là chúng sẽ biến mất”.
Hệ sinh thái biển đang "hấp hối"
Ở Tabarka, một thị trấn nhỏ ở Bắc Phi, nơi cách đảo Sardinia của Ý 200 km, người dân địa phương cho biết, cứ 10 tiệm bán đồ trang sức làm bằng san hô đỏ thì 9 tiệm đã phải đóng cửa vì thiếu nguồn san hô. Và khi thợ lặn chuyển số “vàng đỏ” ít ỏi lấy được từ dưới biển về bờ thì giá bán luôn rất cao.
San hô đỏ được gọi là “vàng đỏ”, quý hiếm, thường có ở Biển Đỏ và Địa Trung Hải. Loài san hô này tránh ánh sáng, sống rất sâu dưới biển. Người địa phương gọi chúng là “Cây Đỏ của Địa Trung Hải” vì chúng giúp phát triển hệ sinh thái biển.
Nhưng vẻ đẹp của loài san hô đỏ khiến các nhà kim hoàn săn tìm ráo riết, sẵn sàng trả giá cao để có được nó. Từ hàng chục năm qua, người ta đánh bắt san hô đỏ bằng lưới cào và cào sạch hết những rạn san hô. Và cũng vì thế mà Trái đất phải trả giá cho hoạt động này của con người.
Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN) đã phải đưa san hô đỏ vào Sách Đỏ các loài động - thực vật có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Từ những năm 1980, nhiều quốc gia đã cấm dùng lưới cào để cào san hô. Năm 2019, Ủy ban Nghề cá Địa Trung Hải (GFCM) còn thông qua nhiều quy định khác để bảo vệ san hô. Hiện nay, thợ lặn chỉ có thể bắt san hô ở độ sâu hơn 50 mét, và chính phủ các nước phải bảo đảm được khâu truy vết nguồn gốc của sản phẩm đánh bắt này.
Tại Tunisia, chỉ có vài chục thợ lặn được cấp phép để đánh bắt san hô đỏ.
Thế nhưng, đằng sau những cánh cửa đóng kín, các doanh nhân ở thị trấn Tabarka đã nói đến một chợ đen đang hoạt động. San hô đỏ có giá cao đã thu hút các tổ chức tội phạm và chính quyền địa phương gặp khó khăn trong việc thực hiện các quy định.
Một nghiên cứu của Liên minh châu Âu (EU) đã chỉ ra, san hô đỏ có giá nhiều triệu euro đã được buôn lậu khỏi Địa Trung Hải trong mỗi năm. Điểm đến của chúng thường là Bắc Phi và miền nam nước Ý.
San hô đỏ được gọi là “máu bò đỏ” tại Algeria. Dù quốc gia này có những quy định đánh bắt chặt chẽ hơn nhưng nạn buôn lậu vẫn đang diễn ra. Theo các chuyên gia, mỗi năm có khoảng 3 tấn “máu bò đỏ” được tuồn ra nước ngoài.
Các hoạt động phi pháp này đã khiến vài vùng biển “hầu như cạn kiệt san hô. Chợ đen quá mạnh và gây ra nhiều rắc rối lớn cho chúng tôi”, theo Salah Bjaoui, một cựu thợ lặn bắt săn hô ở Tabarka.
Cảnh sát đã bắt nhiều xe chở san hô đỏ được giấu cùng với các viên thuốc lắc. “Vàng đỏ” này thường được chở từ Tunisia đến các điểm nhận hàng trên toàn thế giới và rất khó thể truy nguồn gốc.
Chủ tiệm trang sức làm bằng san hô đỏ Bjaoui cho biết: “San hô đỏ giờ không khác gì ma túy. Hồi trước, cảnh sát đã bắt một người Ý cùng với một tàu ở đây, khi ông ta lén lút đem san hô đỏ qua Ý. Ở thị trấn này ai cũng biết rõ hoạt động buôn lậu san hô đỏ”.
Bị đe dọa vì "vàng đỏ"
Torre del Greco, một thị trấn nhỏ vùng ngoại ô thành phố Naples (Ý) nhưng được xem là “thủ đô thế giới” của hoạt động mua - bán san hô đỏ. Ở đây có công ty gia đình chế tác đồ trang sức bằng san hô đỏ để cung cấp cho các thương hiệu quốc tế “sang chảnh” như Gucci và Bulgari. Và chỉ có các thương hiệu này mới có thể chịu nổi giá bán san hô đỏ đắt đỏ.
Không nhiều người ở Torre del Greco muốn chia sẻ với báo Đức Deutsche Welle về thị trường chợ đen san hô đỏ đang “ăn nên làm ra”.
Miko Cataldo, một trong số ít người buôn “vàng đỏ” cho biết: “Ngày nào chúng tôi cũng có rắc rối với bọn buôn lậu”.
Không chỉ ngành trang sức có nhu cầu cao về “vàng đỏ”, mà tại nhiều nước châu Á, san hô đỏ được đánh giá cao về những khả năng cải thiện sức khỏe cũng như được dùng làm mỹ phẩm.
Như nhiều người khác trong ngành, Cataldo hưởng lời to từ việc mua - bán san đỏ. Nhưng bọn tội phạm cũng đe dọa Cataldo ngay trong tiệm bán của ông, do ông dám lên tiếng chống lại chúng. Ông nói: “Đó là một kiểu "chiến tranh" mà chúng tôi đang chiến đấu ở đây”.
Ý đã lập một kế hoạch quốc gia để bảo tồn hệ sinh thái biển. Nhưng thay vào đó, bọn buôn lậu lại đem san hô đỏ qua Pháp và Tây Ban Nha, Cataldo nói thêm.
Đối với chủ tiệm trang sức Arfaoui ở Tabarka, nạn buôn lậu xuất phát từ lòng tham: “San hô đỏ đang bị đe dọa tuyệt chủng, vì chúng ta không để thời gian cho chúng mọc. Con người đã không kiên nhẫn và chỉ muốn thụ hưởng sự giàu có của biển cả”.