Trình độ bác sĩ của Việt Nam phần đông vẫn còn quá yếu kém

Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 19:49, 19/10/2015

Sai sót y khoa là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay trên thế giới. Tuy nhiên điều đáng nói, các bác sĩ, các nhà quản lý y tế ở Việt Nam lại trốn tránh, không muốn công bố về những sai sót của mình.

Chia sẻ về vấn đề y đức của ngành y ngày nay với truyền thông hôm 19.10, GS-TSKH Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết các bác sĩ , các nhà quản lý y tế ở Việt Nam gần như không muốn báo cáo về những sai sót y khoa. Thực tế cho thấy chỉ có 56% các bác sĩ và nhà quản lý muốn công khai một phần sai sót y khoa; có đến 42% không muốn công khai bất cứ những sai sót gì.

Kết quả đợt khảo sát của Hội Điều dưỡng Việt Nam với 555 cán bộ y tế tại 5 bệnh viện ở Hà Nội cho thấy chỉ 155 người có suy nghĩ báo cáo sai sót y khoa, còn lại 400 người không muốn báo cáo.

GS-TSKH Phạm Mạnh Hùng cho rằng những người làm nghề y cần phải đổi mới văn hóa an toàn cho người bệnh. Việc báo cáo nhưng sai sót y khoa là nhằm hạn chế, khắc phục những sai sót để hành nghề tốt hơn, nếu giấu diếm điều đó sẽ rất nguy hiểm.

Theo phân tích của ông Hùng, vấn đề sai sót trong y khoa không chỉ gây chết người mà còn gây tổn thất lớn về mặt kinh tế. Thống kê ở Mỹ cho thấy thiệt hại do sai sót y khoa mỗi năm lên đến 19,5 tỉ USD, mỗi ca sai sót y khoa gây thiệt hại khoảng 13.000 USD.

Nguyên nhân gây sai sót trong y khoa có nhiều, cả yếu tố chủ quan và khách quan nhưng theo ông Hùng, có một nguyên nhân lớn, không thể chấp nhận, đó là kiến thức không đầy đủ, thiếu kinh nghiệm.

“Trình độ chuyên môn của bác sĩ Việt Nam còn quá thấp. Đừng vì một vài bác sĩ có “bàn tay vàng” mà chúng ta vội kết luận trình độ bác sĩ của Việt Nam không hề thua kém so với nước ngoài. Đó chỉ là một số ít, phần đông vẫn còn quá yếu kém, chúng ta không thể nói không thua kém được”, GS Phạm Mạnh Hùng chia sẻ.

Ông Hùng cho rằng cách đào tạo bác sĩ như hiện nay ở Việt Nam là chưa ổn. Một bác sĩ không phải đào tạo 6 năm mà phải là 9 năm. Ở nước ngoài, một bác sĩ tối thiểu phải đào tạo 9 năm. Nếu chỉ đào tạo 6 năm thì chỉ mới là cử nhân y tế, chứ không thể nào gọi là bác sĩ được.

“Vậy mà nhiều người, khi học y 6 năm ra trường vẫn xưng là bác sĩ rồi “tự tung tự tác” khám chữa bệnh tràn lan. Nếu chúng ta không thay đổi cách đào tạo thì sẽ không ổn, ngành y tế sẽ khó phát triển”, ông Hùng nói.

Hồ Quang

>> Lâm Thùy Anh: “Tôi chưa thấy... ao làng nào to như Hoa hậu Sắc đẹp hoàn cầu“
>> Cái bục giảng và câu chuyện đổi mới giáo dục
>> Nữ sinh bị lột áo, đánh hội đồng, bắt nhảy xuống sông
>> Mỹ nhân giúp người Việt hả hê trước quân Ngô
>> Thanh niên 9x bị phạt 2,5 triệu vì lăng mạ công an trên Facebook