Trong cuộc sống, khi gặp những điều không may hoặc tai ương, tật ách chúng ta thường nghe những lời khuyên như "Đức năng thắng số", hoặc "Tu thân tích đức" thì sẽ qua khỏi. Vậy tại sao, người đời lại có những lời khuyên như vậy? Và hiểu thế nào cho đúng về câu "Đức năng thắng số"!
"Đức năng thắng số" có thể hiểu là Phúc Đức thắng số mệnh. "Đức năng" ở đây chính là sự Đức độ và tình yêu thương giữa con người với con người. Ngay cả trong các tôn giáo lớn như Phật giáo hay Thiên chúa giáo cũng đều nhấn mạnh đến phần Đức lên hàng đầu. Chữ “Đức” được mọi người nhắc đến thường xuyên trong cuộc sống, trong sự dạy dỗ con cái, khuyên răn con người sống cho phải đạo, đẹp đời.
Trong kinh Dịch xem việc tu dưỡng “Đức” còn quan trọng hơn nuôi dưỡng hình hài, vì thế mới nói “Dữ thiên đồng đức” có nghĩa “Đức” có giá trị vai trò ngang bằng với trời.
Còn trong giáo lý phương Đông, "Đức năng thắng số" hay "Nhân định thắng Thiên" đều nhấn mạnh đến cái Đức và Đạo, bao trùm trong cuộc sống và trên mọi lãnh vực của văn hóa Đông Phương, ngay cả trong triết ly hiện sinh và trong lãnh vực binh pháp, từ cổ chí kim đến hiện đại.
Ngay trong môn khoa học Tử vi, tất cả những nguyên lý đạo giáo được thấy trong Tử vi qua cung Phúc Đức và những bộ Phúc Tinh chuyên đi cứu giải. Cái mờ ảo của "Đức năng thắng số" là khi xem 1 lá số. Chọn con đường hướng thiện "lấy đức thắng số" đòi hỏi sự bền bỉ lâu dài cho đến cùng của con người, để đến hướng đến cái Chân - Thiện, tìm thấy hạnh phúc cho chính mình.
Ở bên kia phương trời Tây, Rene Descartes một nhà toán học, nhà vật lý cũng còn là triết gia nổi tiếng vào thế kỷ thứ 17 đã nói một câu đã được ghi mãi mãi trong lịch sử tư tưởng nhân loại bằng tiếng La Tinh “Cogito ergo sum” (I think, therefore I am; Je pense, donc Je suis) có nghĩa “tôi có suy nghĩ do đó tôi hiện hữu”. Descartes đã nói một điều con người là sinh vật biết tư duy, có suy nghĩ, phân biệt phải trái, hiểu rõ sự hiện hữu kiếp nhân sinh, từ đó con người cần phải sống sao cho có ý nghĩa. Phải chăng câu nói của Descartes cũng đồngnghĩa với chữ “Đức” trong tư tưởng Đông Phương, là “tu đức” để có sống một cuộc sống cao thượng, trong sạch và hợp với đức trời.
Còn trong cuộc sống đời thường, ta có thể thấy và gặp nhiều người nghèo khó, nhưng lúc nào họ cũng đầy bình an và hạnh phúc. Tiêu biểu nhất trong lich sử Việt Nam là Thọ Tường Tử Nguyễn Công Trứ, cuộc đời thăng trầm lên voi xuống chó, ông vẫn sống tự tại và để lại một triết lý sống cho hậu thế đáng ngưỡng mộ: "Tri túc, tiện túc, đãi túc hà thời túc/ Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn".
Dưới đây là một số câu chuyện về “Đức năng thắng số” mà chuyên mục Lý Dịch tổng hợp và chia sẻ:
Câu chuyện 1: Việc thiện nên làm, tránh làm điều ác
Vào triều Bắc Tống, ở một làng nọ có một cậu bé tàn tật chừng mười tuổi, gãy chân, sống một cuộc sống ăn xin nghèo khổ.
Trước làng là một con suối lớn. Vì không có cầu, nên dân làng muốn qua suối là phải lội, rất bất tiện, nhất là đối với những người già vào mùa nước lũ.
Nhiều năm đã qua đi như vậy, cho đến một hôm người ta thấy cậu bé ăn xin bị tật gom những tảng đá về bên suối. “Cháu muốn xây cầu để mọi người đi lại thuận tiện”, cậu giải thích. Người làng cho đó là chuyện khôi hài của một cậu bé khùng nên không để ý đến.
Nhưng đống đá dần dần lớn lên qua tháng năm trở thành một cái gò, và dân làng bắt đầu hiểu ra. Nhiều người cũng góp thêm sức vào, chẳng mấy chốc đã đủ đá xây cầu. Rồi người ta thuê thợ xây dựng đến làm.
Trong quá trình cùng làm, cậu bé bị mảnh đá bắn vào mắt và mù cả hai mắt. Người dân lấy làm thương cảm lắm. Nhưng cậu bé, mặc dù đã què lại thêm mù, vẫn không một lời ca thán và cố gắng trong khả năng của mình cùng góp sức xây cầu với dân làng.
Cuối cùng, sau những tháng ngày nhọc nhằn vất vả, cây cầu đã được xây xong. Dẫu không nhìn thấy gì, nhưng trên khuôn mặt của cậu hiện một nụ cười rạng rỡ.
Đột nhiên một tiếng sấm nổ vang dù trời quang mây tạnh. Và người ta thấy rằng cậu bé ăn mày đáng thương đã bị sét đánh chết ngay trên chiếc cầu mới xây.
Bấy giờ đúng lúc Bao Công đi thị sát qua làng. Dân làng kéo ra kêu oan với Bao Công, rằng tại sao trời xanh lại hại người tốt. Trước câu chuyện quá thương tâm, và cảm thấy quá bất công, Bao Thanh Thiên chẳng cầm nổi lòng mình, bèn viết câu: Ninh hành ác vật hành thiện (tức thà làm điều ác còn hơn làm điều thiện).
Trở về Kinh thành sau chuyến công du, Bao Công cảm thấy trong lòng không thoải mái, nhất là về những gì ông đã viết trong lúc không dằn được lòng mình. Trong bản tấu trình, ông đã không tâu lên Hoàng thượng về sự kiện hy hữu đó.
Hoàng thượng hôm ấy mời Bao Công đến chơi và dẫn Bao Công đến gặp hoàng tử mới ra đời trong lúc Bao Công đi thị sát ngoại tỉnh. Hoàng tử trông khôi ngô nhưng mắc tật khóc suốt ngày. Hoàng thượng cũng muốn hỏi Bao Công xem có cách nào cho hoàng tử hết khóc.
Bao Công thấy hoàng tử da dẻ trắng trẻo mịn màng, và trong lòng bàn tay dường như có một hàng chữ. Ghé mắt vào nhìn kỹ thì chính là câu Ninh hành ác vật hành thiện: thà làm điều ác còn hơn làm điều thiện). Quá bất ngờ và xấu hổ, Bao Công lấy tay để xoá, và kỳ lạ thay, ông vừa vuốt qua thì dòng chữ biến mất. Hoàng tử nín khóc tức thì.
Hoàng thượng rất đỗi ngạc nhiên, hỏi tại sao lại như thế. Bao Công sợ hãi quỳ xuống kể lại hết đầu đuôi câu chuyện, và xin Hoàng thượng xá tội vì đã không báo cáo về chuyện này trong bản tâu trình. Hoàng thượng bèn ra lệnh Bao Công phải điều tra cho rõ vụ việc.
Đêm ấy Bao Công ngả đầu lên chiếc gối “âm dương địa phủ” và lập tức trong mộng đi đến cõi âm gian. Diêm Vương kể cho ông rằng hoàng tử đó vào mấy đời trước từng làm việc đại gian ác, nên Thần đã an bài phải trả nghiệp ác ấy trong ba đời:
Đời thứ nhất què cụt, đời thứ hai mù lòa, và đời thứ ba bị sét đánh chết. Nhưng khi què quặt xin ăn, cậu bé đã luôn vì người làm việt tốt, nên Thần đã rút lại thời gian trả nghiệp và khiến cậu bé ăn xin bị mù.
Sau khi mù, cậu bé đã không những không oán thán ai hết mà vẫn luôn vì người làm điều thiện. Vì lý do ấy mà Thần đã an bài lại một lần nữa để cậu bé trả hết nghiệp trong một đời.
Diêm Vương nói với Bao Công: “Một đời trả hết nghiệp thay cho ba đời, lại còn được chuyển sinh làm đương kim Thái tử, hưởng thụ phúc phận của Thiên tử”.
Việc thiện nên làm, việc ác nên tránh. “Đức năng thắng số” là vậy!
Câu chuyện 2: Tướng mạo thay đổi tùy theo hành động
Một tay bán dầu tên Bùi Độ (đời vua Hán Cảnh Đế) nghèo khổ lang thang, được thầy tướng số cho biết sẽ chết đói vì có hai đường chỉ chạy xéo từ cằm lên mép miệng. Ngày kia Bùi Độ gặp một thiếu nữ ngồi khóc bên giếng sâu. Hỏi ra sự tình mới biết thiếu nữ mang vàng đi để chuộc tội oan của cha, chẳng may bị đánh rơi xuống giếng. Ai cũng nói dưới giếng có con trăn to. Thiếu nữ đang tuyệt vọng muốn quyên sinh. Bùi Độ thương tình, nghĩ mình trước sau cũng chết đói nên liều mạng leo xuống tìm được vàng cho thiếu nữ. Nhờ đó gia đình thiếu nữ được phục hồi danh dự và quyền thế.
Sau một thời gian, nhà tướng số gặp lại Bùi Độ và kinh ngạc nói rằng tướng chết đói của Bùi Độ đã biến mất mà thay vào đó là tướng công khanh phú quý rực rỡ. Đúng vậy, sau khi được cứu sống thiếu nữ tên Ngọc Hà đền ơn, đem Bùi Độ về dạy học và giao ước vợ chồng rồi mới thưa với phụ thân. Cha nàng gửi gắm Bùi Độ sang một người bạn khác để nhờ tiến cử.
Thời gian xa cách Ngọc Hà, Bùi Độ đã lạc lòng với những hình bóng giai nhân khác. Trên bước đường tiến quan, Bùi Độ ghé vào thăm nhà tướng số cũ để tạ ơn, nhưng ông bảo Bùi Độ đã hiện lại tướng chết đói. Bùi Độ tức giận bỏ đi. Sau khi được làm quan, Bùi Độ đánh mất nhân cách, chỉ lục lạo, cưỡng bức các cô gái đẹp, bị triều đình hạ lệnh bắt về kinh trị tội. Bùi Độ sợ hãi trốn vào rừng rồi chết đói cạnh một mỏm đá. Ngọc Hà đau khổ tìm chồng, trông thấy bộ xương và cũng gục chết bên cạnh. Cái phước của Bùi Độ xuất hiện do tâm niệm liều mạng tìm vàng cứu cô gái. Phước đó quá lớn đến nỗi chuyển hẳn tướng mạo và số mệnh để cho Bùi Độ trở thành quan chức vinh hiển. Nhưng rồi, tư cách tầm thường tham dục đã phá vỡ phước cũ để cho nghiệp chết đói đủ cơ duyên xuất hiện trở lại.
Như vậy, tướng mạo tùy thuộc vào nghiệp chứ không cố định. Nếu chúng ta thường xuyên biết “liều mạng” cứu giúp mọi người, ắt hẳn tướng mạo và số kiếp chúng ta sẽ thay đổi một cách tốt đẹp.
Câu chuyện 3: Tướng thay đổi tùy Tâm
Tào Bân là vị đại tướng nổi tiếng triều Tống, giúp Tống Thái Tổ bình định thiên hạ, có công lao chinh chiến rất lớn. Có một lần, Tào Bân gặp Trần Hi Di là một người có học vấn rất uyên bác, giỏi xem tướng thuật. Ông này xem qua tướng mạo của Tào Bân rồi nói:
Hai bên thành xương của ông lồi lên, ấn đường rộng, mắt dài phóng ánh sáng, chắc chắn sớm trở nên giàu có, song có tướng xấu là quai hàm cao, miệng trệ, xem ra ông không được hưởng phước khi tuổi già. Cứ theo đây mà nói, mỗi khi xuất binh chinh chiến ông nên đối xử khoan hồng, gieo trồng phước đức cho lúc tuổi già.
Tào Bân nghe Trần Hi Di nói liền cúi đầu cảm tạ, ghi nhớ lời ấy.
Một lần, khi Tào Bân xuất trận, phó tướng Toại Ninh và rất nhiều tướng sĩ thuộc hạ đều chủ trương giết sạch dân trong thành để thị uy. Tào Bân biết được liền ra lệnh nghiêm cấm giết hại dân lành, cấm xâm hại phụ nữ hoặc cướp bóc tài sản của dân. Sau khi chiến sự kết thúc, ông còn cấp lương thực cho những người xa quê muốn trở về, dân chúng không ai không cảm tạ tấm lòng nhân đức của ông.
Sau đó, Tào Bân nhận lệnh dẫn binh đánh Giang Nam. Bởi không nỡ nhìn thấy cảnh dân tình khốn khổ lầm than vì chiến cuộc nên ông cáo bệnh không đi. Các võ tướng dưới quyền ông lúc đó đều kéo đến thăm hỏi bệnh tình của ông trước khi xuất chinh. Tào Bân nói với tất cả những người đến thăm bệnh:
Bệnh của tôi không thuốc gì chữa khỏi, nhưng chỉ cần tất cả anh em thành tâm thành ý cùng thề rằng ngày tiến công Giang Nam tuyệt đối không được tùy tiện giết hại dân lành, như thế thì bệnh của tôi sẽ tự nhiên thuyên giảm thôi.
Các tướng sĩ vốn hết sức kính trọng Tào Bân, nên họ liền cùng nhau phát lời thệ nguyện đúng như vậy. Đến ngày đánh Giang Nam, nhờ đó mà có vô số dân thường được thoát khỏi sự lạm sát. Tấm lòng từ bi của vị tướng quân họ Tào được truyền rộng khắp Giang Nam, dân chúng ai nấy đều cảm kích. Vì thế, mọi người cùng rủ nhau mang lương thực đi đón quân triều đình. Sức chống cự của phản quân vì thế rất yếu ớt. Nhờ vậy mà trận chiến này không phải tốn hao nhiều nhân mạng, hơn nữa còn bảo vệ được tài sản của nhân dân không bị tàn phá.
Sau đó ít lâu, Tào Bân có dịp tình cờ gặp lại Trần Hi Di. Ông ta nhìn tiên sinh một lúc rồi nói:
Lạ thật! Năm trước tôi xem tướng của ông thấy quai hàm cao miệng trệ, lúc đó tôi khẳng định ông không có phước về già, nhưng hiện tại đã biến đổi, miệng mép đầy đặn xinh đẹp, ánh kim quang thù diệu nhìn thấy khắp mặt và râu tóc, nhất định sẽ được sống lâu nhiều phước lộc.
Tào Bân hỏi lại: Sao gọi là kim quang?
Đó là ánh sáng hiển hiện của phước đức, nếu người có âm đức thì mặt hiện ánh sáng màu vàng y, mắt sáng, cả khuôn mặt đều tỏa ra khí sắc tốt lành. Người như vậy không chỉ tăng tuổi thọ, con cháu nhiều đời về sau cũng đều hưởng nhờ phước đức.
Quả nhiên, về già Tào Bân sống trong cảnh an nhàn thư thái, lúc ra đi cũng hết sức nhẹ nhàng, thọ 69 tuổi, sau khi chết được truy phong tước hiệu Tể Dương quận vương. Tiên sinh có cả thảy 9 người con trai, con trưởng là Vĩ, con thứ là Tông, con thứ ba là Xán, đều là những tướng lãnh nổi tiếng; nhiều đời con cháu về sau đều vinh hiển không ai sánh.
Minh An (Tổng hợp) - Ảnh: Internet