Cách Unisoc sống tốt bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ với ngành chip Trung Quốc
Thế giới số - Ngày đăng : 16:21, 05/03/2023
Unisoc, công ty sản xuất chip không dây có trụ sở tại Thượng Hải (Trung Quốc) đang mở rộng thị phần chip smartphone cấp thấp. Đây là một ví dụ về cách các công ty bán dẫn Trung Quốc có thể tồn tại và thậm chí phát triển dưới các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ.
Tại phòng triển lãm rộng 2.200 mét vuông của Unisoc ở khu công nghệ cao Zhang Giang, nơi gần đây phóng viên SCMP ghé thăm, công ty giới thiệu những thành tựu, bao gồm cả nhóm công nghệ được tập hợp trong thời gian phong tỏa năm ngoái để thiết kế chip 5G.
Hơn 200 kỹ sư đã ngủ tại văn phòng trong gần 3 tháng để tạo ra chip, theo một đại diện Unisoc, và có một bức ảnh nhóm tôn vinh những nỗ lực của họ. “Không có siêu anh hùng, chỉ là tấm gương sáng ngời của nhiều người làm việc cùng nhau”, theo dòng chữ phía trên bức ảnh.
Unisoc sau đó đã đưa chip T820 ra thị trường vào tháng 11.2022. Unisoc mới đây trình làng giải pháp truyền thông 5G tại Mobile World Congress (MWC) ở thành phố Barcelona (Tây Ban Nha) vào tháng 3.
MWC là triển lãm công nghệ di động quốc tế lớn nhất thế giới, được tổ chức hàng năm tại Barcelona. Tại đây, các hãng công nghệ di động hàng đầu trình diễn các sản phẩm mới nhất và công nghệ tiên tiến nhất trong ngành ĐTDĐ cùng các thiết bị di động khác.
Hơn 80.000 người, bao gồm cả giám đốc điều hành công nghệ, nhà đổi mới và cơ quan quản lý, tham dự MWC năm nay.
Dù Mỹ đang tiếp tục hạn chế xuất khẩu chip và thiết bị tiên tiến sang Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia, ngành công nghiệp bán dẫn trong nước này vẫn có sức sống, đặc biệt là phân khúc tập trung vào các công nghệ chip trưởng thành.
Trung Quốc có 3.243 công ty thiết kế chip vào cuối năm 2022, tăng 15% so với 2021 và doanh số bán hàng tổng hợp của họ tăng 16% trong 2022, theo Hiệp hội Công nghiệp thiết kế chip Trung Quốc.
Unisoc là nhà thiết kế chip truyền thông hàng đầu. Theo công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint, thị phần của Unisoc trên thị trường chip smartphone toàn cầu là 10% trong quý 3/2022, xếp sau Mediatek (Đài Loan), Qualcomm và Apple (Mỹ) nhưng đứng trước Samsung Electronics (Hàn Quốc).
Trong một cuộc phỏng vấn với SCMP, nhà phân tích Bai Shenghao của Counterpoint cho biết Unisoc vẫn tương đối bình yên trước lệnh trừng phạt của Mỹ cho đến nay do tập trung vào các chip kém tiên tiến hơn. Tuy nhiên, Bai Shenghao cảnh báo Unisoc phải đối mặt rủi ro do chi tiêu yếu của người tiêu dùng, đặc biệt là với smartphone cấp thấp và cơ bản, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn.
Hoạt động kinh doanh của Unisoc bao phủ hơn 133 quốc gia và 80% sản phẩm của công ty được bán ra thị trường nước ngoài. Unisoc thuộc sở hữu tư nhân, đang tiến hành vòng gây quỹ mới trị giá 10 tỉ nhân dân tệ (1,45 tỉ USD), Reuters đưa tin vào tháng trước.
Trong số 5.000 nhân viên Unisoc, 90% tập trung vào nghiên cứu và phát triển, vốn là “cốt lõi” trong năng lực của công ty, một quan chức Unisoc nói tại triển lãm.
Unisoc đạt doanh thu tăng 20% trong năm 2022 so với cùng kỳ 2021 lên thành 14 tỉ nhân dân tệ. Một tuyên bố vào tháng 7.2022 cho biết Unisoc có doanh thu 11,7 tỉ nhân dân tệ vào năm 2021.
Tuy nhiên, bất chấp thành công từ 5G, Unisoc vẫn phải đối mặt với các lệnh trừng phạt từ Mỹ vì Trung Quốc thiếu các nhà máy chế tạo tiên tiến của riêng mình.
Ví dụ, HiSilicon, đơn vị thiết kế chip của Huawei, đã gặp khó khăn bởi lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ với việc xuất khẩu chip tiên tiến. Động thái này khiến TSMC (công ty sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới, có trụ sở ở Đài Loan) phải ngừng kinh doanh với HiSilicon.
Unisoc năm ngoái đã ra mắt ba chip 5G sử dụng quy trình in khắc cực tím 6 nanomet, gồm cả T820 mới được phát hành. Công ty chưa xây dựng kế hoạch sản xuất hàng loạt chip.
Hai chip còn lại của Unisoc, T760 và T770, được sản xuất hàng loạt và sử dụng bởi các thương hiệu smartphone cấp thấp của Trung Quốc như China Telecom, ZTE và HiSense.
Unisoc cũng đã tăng cường nỗ lực đa dạng hóa hoạt động của mình để giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn. Điều này bao gồm việc mở rộng ứng dụng của chip 5G ngoài các sản phẩm điện tử tiêu dùng sang các giải pháp công nghiệp như dịch vụ y tế, hậu cần, điện, khai thác mỏ,... Doanh số chip và mô đun 5G IoT (Internet Vạn Vật) của Unisoc cũng tăng 146% trong năm 2022.
Unisoc tìm cách huy động 10 tỉ nhân dân tệ từ nguồn tài trợ tư nhân
Unisoc đang tìm cách huy động 10 tỉ nhân dân tệ (1,45 tỉ USD) trong vòng tài trợ mới sẽ định giá công ty ở mức khoảng 70 tỉ nhân dân tệ, ba người biết về thỏa thuận này nói với Reuters.
Unisoc đã tiếp cận một số quỹ đầu tư do chính phủ hậu thuẫn cho vòng này, khai thác sự quan tâm ngày càng tăng của nhà đầu tư địa phương với ngành công nghiệp chip nội địa của Trung Quốc, vốn đang chuẩn bị tự cung tự cấp hơn trước áp lực từ Mỹ.
Một trong ba nguồn tin của Reuters nói rằng Unisoc đặt mục tiêu lọt vào danh sách rút gọn các nhà đầu tư vào giữa tháng 3 và kết thúc vòng tài trợ vào cuối tháng 6 trên đường tiến tới niêm yết trong nước.
Unisoc đã thông báo đang gây quỹ đầu tháng 2, với thư ký hội đồng quản trị Jia Shaoxu cho biết họ sẽ sử dụng số tiền này để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm và công nghệ, theo tài khoản WeChat chính thức của công ty.
Việc gây quỹ diễn ra khi Trung Quốc tăng cường nỗ lực thúc đẩy lĩnh vực chip nội địa và Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi đất nước trở nên tự túc hơn về công nghệ.
Mỹ đã áp dụng một loạt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để làm chậm tiến bộ công nghệ và quân sự của Trung Quốc, gồm cả các biện pháp hạn chế Trung Quốc tiếp cận các công cụ sản xuất chip của Mỹ và loại bỏ nước này khỏi một số chip được sản xuất ở bất kỳ đâu trên thế giới bằng thiết bị của Mỹ.
Các công ty mà chính quyền Biden nhắm đến có SMIC (nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc) và YMTC (nhà sản xuất chip nhớ số 1 Trung Quốc).
Unisoc được kiểm soát bởi công ty cổ phần tư nhân Wise Road Capital. Wise Road Capital đã tiếp quản Unisoc vào năm 2022 sau khi Tsinghua Unigroup, công ty mẹ cũ của nó, đối mặt với tình trạng phá sản.
Unisoc cạnh tranh với Qualcomm, MediaTek, Samsung Electronics và danh mục sản phẩm của công ty Trung Quốc gồm cả bộ vi xử lý di động cho smartphone cũng như chip đơn giản hơn cho các thiết bị kết nối internet.
Dù doanh số bán hàng thấp so với các đối thủ, thị phần toàn cầu của Unisoc về bộ vi xử lý di động đã tăng lên khoảng 10% vào năm 2022, theo Counterpoint.
Ngoài Wise Road Capital, các cổ đông của Unisoc còn gồm cả quỹ đầu tư chip do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn được gọi là Big Fund (nắm giữ 13% cổ phần Unisoc), cùng với Intel Capital (nắm giữ 11% cổ phần Unisoc thông qua khoản đầu tư từ năm 2014).