Những sự thật kỳ lạ về bảng hiệu Hollywood

Văn hóa - Ngày đăng : 10:20, 06/03/2023

Dòng chữ "Hollywood" được coi là biểu tượng của ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ được cả thế giới biết đến. Bảng hiệu này tọa lạc trên đỉnh núi Lee, thuộc rặng núi Santa Monica, thành phố Los Angeles (Mỹ).

Lịch sử của tấm bảng hiệu Hollywood

Tấm bảng hiệu được dựng lần đầu vào năm 1923 và nó có tên là "Hollywoodland" để quảng bá cho một dự án khu dân cư cao cấp của công ty bất động sản Woodruff & Shoults nằm tại khu vực Beachwood Canyon, Los Angeles.

anh-chup-man-hinh-2023-03-06-luc-09.54.19.png

W&S đã thuê Crescent Sign Company thiết kế bảng hiệu và công ty này đã cho dựng 13 chữ cái hướng về phía nam của ngọn đồi. Các chữ cái được làm bằng gỗ, rộng 9,1m và cao 15,2m, sơn màu trắng. 4000 bóng đèn được gắn quanh viền các chữ cái và hệ thống đèn được thiết kế nháy sáng lần lượt các cụm từ "Holly", "Wood" và "Land". Bên dưới các chữ cái còn có đèn hắt để thu hút sự chú ý. Chi phí làm bảng hiệu này vào khoảng 21.000 USD khi đó, tương đương 330.000 USD năm 2021. Vào năm 1923 khi lần đầu được dựng lên, ý định của W&S chỉ là sử dụng bảng hiệu trong khoảng 1 năm rưỡi. Tuy nhiên, tấm bảng hiệu Hollywoodland đã tồn tại lâu hơn rất nhiều, một phần là do sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh tại Los Angeles.

Hành trình khôi phục bảng hiệu

Bảng hiệu đã trải qua nhiều lần nâng cấp, sửa chữa trong suốt nhiều năm. Lần trùng tu lớn đầu tiên diễn ra vào năm 1949, lúc này chữ "Land" bị loại bỏ và chỉ còn chữ "Hollywood". Thời gian này chất liệu gỗ và thép miếng của bảng hiệu ngày càng xuống cấp. Đến thập niên 70, kết cấu khung sắt của tấm bảng hiệu bị mục nát, chữ O đâu tiên trong từ bị vỡ một nửa, phần còn lại như chữ u viết thường, chữ O thứ 3 thì rơi ra khỏi bảng hiệu, lúc này nó trở thành Hullywod.

anh-chup-man-hinh-2023-03-06-luc-09.54.46.png

Vào năm 1978, một cơn bão lớn đã khiến tấm bảng Hollywood hư hỏng nặng và sau khi kiểm tra kết cấu, các kỹ sư đã phát hiện ra những cột gỗ dùng để chống đỡ các chữ cái đã bị mối mọt xâm nhập và toàn bảng hiệu có thể bị đổ sập bất cứ lúc nào. Vì vậy trong cùng năm, phòng phương mại Hollywood đã phát động một chiến dịch gây quỹ 250.000 USD để cứu tấm bảng hiệu. Chiến dịch này đã rất thành công và công lớn là nhờ Hugh Hefner - ông trùm Playboy.

Phòng thương mại Hollywood đã triển khai công tác xây dựng mới tấm bảng hiệu ngay trong năm 1978. Bảng hiệu cũ chính thức được phá bỏ vào ngày 8.8.1978, đây cũng là lần đầu tiên sau 55 năm ngọn đồi Hollywood không có bảng hiệu. Đến ngày 11.11.1978, nhân dịp kỷ niệm 75 thành lập đô thị Hollywood thì bảng hiệu mới đã được khánh thành. Những chữ cái mới cao đến 13,4m và rộng từ 9,4 đến 11m, kết cấu được làm chắc chắn với hệ thống khung giàn bằng thép, các cột gỗ cũng đã được thay bằng cột thép với móng và bệ đỡ bằng bê tông.

Hồn ma Entwistle

Năm 1932, một nữ diễn viên 24 tuổi đang gặp khó khăn tên là Peg Entwistle đã leo lên đỉnh của chữ H và nhảy xuống tự tử. Sự việc này đã gây chấn động làng giải trí nước Mỹ lúc bấy giờ, nó trở thành biểu tượng của những giấc mơ tan vỡ tại kinh đô điện ảnh. Từ đó, Peg Entwistle được mệnh danh là "Hollywood Sign Girl".

anh-chup-man-hinh-2023-03-06-luc-09.57.09.png

Những câu chuyện ma bắt đầu lưu hành vào những năm 1940 khi chính chữ H đó bị đổ. Vào năm 1990, một cặp vợ chồng trẻ đi bộ trong Công viên Griffith đã kể lại rằng họ nhìn thấy một người phụ nữ tóc vàng mặc trang phục của những năm 1930 đang đi lạc đường, nhưng khi họ đến gần, cô gái đã biến mất. Cặp vợ chồng không hề biết gì về vụ tự sát của Entwistle trước đó.

Địa điểm lý tưởng của những kẻ thích chơi khăm

Trong lần trùng tu vào năm 1973, một người nào đó đã lén che chữ D bằng hình của ca sĩ Leon Russell và treo thêm dòng chữ "Save the Sign". Tuy nhiên nổi tiếng nhất vẫn là trò biến Hollywood thành Hollyweed (weed - cần sa). Lần đầu tiên HOLLYWOOD bị "chế" thành Hollyweed là vào tháng 1.1976 và lần thứ 2 vào đúng 41 năm sau.

Danny Finegood - một sinh viên của trường đại học Northridge California (Mỹ) đã dùng những tấm vải đen, trắng để biến 2 chữ O thành 2 chữ E nhằm kỷ niệm đạo luật hợp pháp hóa cần sa của tiểu bang California.

anh-chup-man-hinh-2023-03-06-luc-09.56.30.png

Sau đó, một số kẻ chơi khăm khác đã đổi tên bảng hiệu thành Ollywood để phản đối lời khai của Oliver North về vụ bê bối Iran-Contra. Vào năm 1985, người dân lại thấy bảng hiệu được đổi tên thành Raffeysod một cách bí ẩn. Sau đó, ban nhạc rock New Orleans The Raffeys đã nhận mình là kẻ đứng sau trò chơi khăm này.

Đan Thuỳ (Tổng hợp)