Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất tiền gửi
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 11:36, 06/03/2023
Sáng 6.3, Ngân hàng Nhà nước cho biết trong tháng 2 mặt bằng lãi suất đã ổn định, và thực tế lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm.
Theo đó, lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4%/năm (so với cuối năm 2022). Ghi nhận, đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân.
Ngân hàng Nhà nước thông tin thêm, hôm nay các ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi. Trong đó, 4 ngân hàng thương mại nhà nước giảm 0,2%/năm so với mức lãi suất niêm yết của từng ngân hàng tính từ ngày 27.2.2023 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.
Tương tự, các ngân hàng thương mại cổ phần giảm 0,5%/năm so với mức lãi suất của từng ngân hàng tính từ ngày 27.2.2023 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.
“Việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các ngân hàng thương mại giảm chi phí, từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên”, đại diện Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Ngân hàng Nhà nước cho hay, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước đã họp bàn với 4 ngân hàng Vietcombank, Agribank, BIDV, Vietinbank để thống nhất gói tín dụng quy mô 120.000 tỉ đồng. Mỗi ngân hàng sẽ dành khoảng 30.000 tỉ đồng cho 2 vấn đề là nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân.
Thông tin trên được Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3.3 vừa qua.
Theo ông Hà, những khó khăn của thị trường bất động sản thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân như vấn đề pháp lý, mất cân đối cung cầu, khó khăn về vốn, trong đó có nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng.
Còn trả lời tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 vào sáng 3.3, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết hiện nay kinh tế thế giới đang phục hồi chậm, bước đầu đã tránh được nguy cơ suy thoái, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp.
Đặc biệt, trên thị trường tài chính quốc tế, xu hướng tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang diễn ra, do đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới (kể cả châu Á) vẫn tiếp tục tăng lãi suất. Từ đầu năm đến nay, đã có thêm 36 lượt tăng lãi suất trên thế giới. Điều này khiến USD bắt đầu tăng giá trở lại từ giữa tháng 2.2023.
Theo Thống đốc Hồng, diễn biến của USD đang tạo áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước, bởi cơ quan này vừa phải phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, vừa phải nỗ lực ổn định tỷ giá. Trong điều kiện nền kinh tế mở, việc ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá rất quan trọng. Vì vậy, điều hành chính sách lãi suất phải thực hiện hài hòa với đảm bảo ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá.