Bước chuyển mình của Microsoft với trợ lý AI mới

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 06:30, 07/03/2023

Đã đưa AI vào cuộc chiến về tìm kiếm với Google, Microsoft đang chuyển sang công nghệ AI mới nhất để bắt kịp các đối thủ trên thị trường ứng dụng doanh nghiệp như Oracle, Salesforce và SAP.

Gã khổng lồ phần mềm đang giới thiệu một trợ lý AI mới có tên Dynamics 365 Copilot dành cho các ứng dụng xử lý các tác vụ như bán hàng, tiếp thị và dịch vụ khách hàng. Dựa trên công nghệ của OpenAI, Dynamics 365 Copilot có thể soạn thảo các câu trả lời qua email và trò chuyện theo ngữ cảnh cho các truy vấn dịch vụ khách hàng.

Dynamics 365 Copilot có thể giúp các nhà tiếp thị đưa ra các danh mục khách hàng để nhắm mục tiêu và viết danh sách sản phẩm cho thương mại điện tử.

Các khả năng mới được phát hành ở dạng xem trước hôm 6.3 và đang được thử nghiệm bởi hàng trăm khách hàng đầu tiên. Ví dụ, nhà sản xuất rượu khai vị Campari (Ý) đang thử các công cụ tiếp thị để tạo ra các chiến dịch được nhắm mục tiêu cho các sự kiện xung quanh cocktail Negroni.

Video Microsoft giới thiệu Dynamics 365 Copilot

Microsoft cũng cho biết loạt thông báo AI tiếp theo của họ, được lên kế hoạch vào ngày 16.3, sẽ liên quan đến “năng suất tại nơi làm việc”, một thuật ngữ mà nhà sản xuất hệ điều hành Windows thường sử dụng để chỉ phần mềm Office.

Các ứng dụng dành cho doanh nghiệp là chương trình mới nhất của Microsoft để có được sự thay đổi AI trong năm nay khi công ty bổ sung các công cụ tạo ngôn ngữ và chatbot vào mọi thứ, từ công cụ tìm kiếm Bing đến phần mềm hội thảo video Teams.

Chiến lược này diễn ra sau màn ra mắt thành công của công cụ lập trình AI có tên GitHub Copilot vào năm 2022 và việc Microsoft mở rộng đầu tư vào OpenAI, công ty tạo ra ChatGPT, hồi tháng 1.

Hôm 23.1, Microsoft cho biết đã đầu tư hàng tỉ USD vào OpenAI trong một thỏa thuận kéo dài nhiều năm sẽ chứng kiến gã khổng lồ phần mềm trở thành nhà cung cấp dịch vụ đám mây độc quyền cho công ty khởi nghiệp tại thành phố San Francisco, Mỹ.

Satya Nadella, Giám đốc điều hành Microsoft, nói: “Chúng tôi đã thiết lập quan hệ đối tác với OpenAI xung quanh tham vọng chung nhằm thúc đẩy nghiên cứu AI tiên tiến một cách có trách nhiệm và dân chủ hóa AI như một nền tảng công nghệ mới. Ở giai đoạn hợp tác tiếp theo của chúng tôi, các nhà phát triển và tổ chức trong các ngành sẽ có quyền truy cập vào cơ sở hạ tầng, mô hình và chuỗi công cụ AI tốt nhất với Azure để xây dựng và chạy các ứng dụng của họ”.

Thỏa thuận này sẽ chứng kiến ​​Microsoft tăng cường đầu tư vào việc phát triển và triển khai các hệ thống siêu máy tính để hỗ trợ nghiên cứu của OpenAI. Các dịch vụ đám mây của Microsoft sẽ hỗ trợ tất cả khối lượng công việc của OpenAI trên các sản phẩm, dịch vụ API và nghiên cứu.

Satya Nadella cho biết công ty có kế hoạch đại tu toàn bộ dòng sản phẩm của mình bằng AI và các công cụ từ OpenAI.

Trong danh mục ứng dụng kinh doanh, nơi Microsoft đã hoạt động hơn hai thập kỷ nhưng tụt hậu so với các đối thủ, Satya Nadella muốn sử dụng AI để phá vỡ các rào cản giữa các chương trình riêng biệt trước đây, mỗi chương trình có quy trình làm việc và từ viết tắt riêng, như ERP (lập kế hoạch nguồn lực doanh nghiệp) và CRM (quản lý quan hệ khách hàng). Thay vào đó, ông nói chúng nên được trộn lẫn và dùng một Dynamics 365 Copilot có thể truy xuất thông tin, trợ giúp nhân viên thực hiện các nhiệm vụ. Tuy nhiên, giống như Bing chatbot, Satya Nadella lưu ý rằng công cụ Dynamics 365 Copilot của Microsoft cũng sẽ mắc lỗi.

ERP, CRM, tiếp thị, dịch vụ khách hàng, chuỗi cung ứng - tất cả những danh mục riêng biệt này đều được tạo ra bởi con người, phải không? Ý tôi là tất cả chúng đều là những danh mục vô nghĩa do các nhà cung cấp nghĩ ra”, Satya Nadella nói.

Vị trí điều hành đầu tiên của ông tại Microsoft là chạy một phiên bản ứng dụng kinh doanh trực tuyến có tên bCentral.

buoc-chuyen-minh-cua-microsoft-voi-tro-ly-ai-moi.jpg
Satya Nadella tháng trước đã tiết lộ phiên bản mới của công cụ tìm kiếm Bing và trình duyệt Edge được hỗ trợ bởi công nghệ mới nhất từ OpenAI - Ảnh: Bloomberg

Các hệ thống generative AI thế hệ mới như ChatGPT và DALL-E đã thu hút sự chú ý rộng rãi của người tiêu dùng trong năm qua, khiến các doanh nghiệp phải loay hoay tìm hiểu cách thức và liệu họ có nên sử dụng các khía cạnh doanh nghiệp của các công cụ tạo nội dung này hay không.

Ngoài ra, cơn sốt AI đang gây ra lo lắng khi các chương trình mắc lỗi và hoạt động không như ý muốn. Một số ngân hàng đã cấm sử dụng ChatGPT và các công ty khác đang yêu cầu nhân viên không chia sẻ thông tin bí mật với chatbot này hoặc bày tỏ lo ngại về cách các sản phẩm AI đang sử dụng sẽ xử lý dữ liệu riêng tư của công ty.

Thế nhưng, hầu hết công ty dường như không thể ngừng nói về AI và cách công nghệ này có khả năng biến đổi doanh nghiệp của họ.

Với các đại diện dịch vụ khách hàng, Microsoft cho biết Dynamics 365 Copilot sẽ xem xét các tài liệu của công ty và lịch sử trường hợp của khách hàng rồi đưa ra câu trả lời dựa trên kiến thức đó. Satya Nadella cũng lưu ý rằng Microsoft sẽ không sử dụng dữ liệu khách hàng cho mục đích riêng của công ty.

Ông cho biết: “Thử nghĩ về một nhân viên dịch vụ khách hàng, anh ta đang xử lý câu hỏi của khách hàng và 18 cơ sở dữ liệu khác nhau trong nội bộ để đưa ra các câu trả lời. Bây giờ, bạn có Dynamics 365 Copilot cho phép truy vấn 18 cơ sở dữ liệu và tìm ra câu trả lời”.

Các nhà tiếp thị có thể trò chuyện với phần mềm dữ liệu khách hàng của họ bằng tiếng Anh đơn giản để phát triển các nhóm khách hàng được nhắm mục tiêu và cũng nhận được những đề xuất cho các phân khúc bổ sung mà họ có thể chưa nghĩ đến. Chatbot cũng sẽ giúp họ trở nên sáng tạo hơn, đưa ra các đề xuất cho các chiến dịch email dựa trên các chủ đề và thể loại mà người dùng yêu cầu. Người dùng có thể lựa chọn từ các danh mục như trang trọng, sang trọng hoặc mạo hiểm, theo Charles Lamanna, Phó chủ tịch Microsoft cho ứng dụng doanh nghiệp và nền tảng.

Gã khổng lồ phần mềm tháng trước cũng tiết lộ công nghệ AI viết email cho những nhân viên bán hàng bận rộn. Bây giờ, Microsoft đang thêm tính năng bán hàng vào Teams, cho phép tạo bản tóm tắt qua email cho các cuộc họp và phát hiện các hành động cụ thể mà người dùng cam kết hoàn thành. Trong tương lai, Microsoft sẽ kết nối chúng với lịch. Ví dụ, nếu những người tham dự cuộc gọi video thảo luận về việc tổ chức cuộc họp khác trong vài tuần nữa, phần mềm sẽ lên lịch cho cuộc họp đó, Charles Lamanna nói.

Tạo ra chatbot và trợ lý ảo để sử dụng trong kinh doanh khác với việc yêu cầu một trợ lý tìm kiếm trả lời câu hỏi mở, ví dụ như kế hoạch ăn uống cho trẻ em hoặc chuyến du lịch đến Mexico - những tình huống mà Microsoft đưa ra để quảng bá cho Bing chatbot.

Các sản phẩm kinh doanh dựa trên một bộ thông tin cụ thể hơn, ví dụ như dữ liệu một khách hàng của Microsoft, thay vì một phạm vi thông tin rộng lớn có sẵn trên internet. Điều này có thể làm cho việc nhận được câu trả lời chính xác dễ dàng hơn, nhưng cũng có thể làm tăng nguy cơ nếu AI mắc sai lầm và gây khó chịu cho người dùng hoặc làm hỏng dữ liệu tài chính. Cả hai vấn đề này đều đã xuất hiện trên Bing chatbot.

Satya Nadella cho biết công nghệ này sẽ mắc lỗi và con người sử dụng nó cần kiểm tra sự thật.

"Đó là lý do tại sao tôi quan tâm rất nhiều đến không chỉ sức mạnh của công nghệ, mà còn các trường hợp sử dụng và thiết kế của sản phẩm, để chúng ta có thể tự nhắc nhở về cả các quy chuẩn và trách nhiệm xã hội mà con người phải đảm nhiệm. Sức mạnh cùng với những giới hạn sai số của công nghệ này", Satya Nadella chia sẻ.

Sơn Vân