Vì sao hoạt động đòi nợ thuê ‘ngầm’ vẫn tồn tại?
Sự kiện - Ngày đăng : 16:16, 07/03/2023
“Lách luật”, thành lập công ty thu hồi nợ
Trao đổi với PV Một Thế Giới, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết với các loại tội phạm có tổ chức, hoạt động theo băng, nhóm thì tính chất nguy hiểm cho xã hội cao hơn nhiều so với các tội phạm thông thường khác.
Theo phân tích của luật sư Cường, các mâu thuẫn, tranh chấp dân sự trong đời sống phát sinh rất nhiều, đặc biệt là trong lĩnh vực vay nợ, tín dụng. Nhiều người cho vay tiền nhưng không đòi được, ngại kiện tụng nên đã tìm đến các nhóm đòi nợ thuê để ủy quyền, nhờ đòi lại tiền.
Ngoài ra, "lợi dụng quy định pháp luật về dịch vụ thu hồi nợ nên nhiều kẻ xấu đã thành lập các công ty thu hồi nợ, tập hợp lực lượng, trang bị công cụ hỗ trợ về thực hiện đòi nợ rất manh động, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội”, luật sư nói thêm.
Được biết, mới đây, Công an TP.Hà Nội đã khởi tố, tạm giam 31 người để điều tra hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”. Nhóm người này đã mở 7 công ty để thu mua hơn 330.000 hợp đồng khó đòi với tổng số nợ hàng nghìn tỉ đồng, sau đó dùng các thủ đoạn ép người vay phải trả.
Theo thông tin ban đầu từ phía công an, hệ thống công ty có hơn 100 người, có nhiệm vụ gọi điện thoại đòi nợ. Mỗi tháng, một người phải xử lý 500 hợp đồng, phải đòi được 300 triệu đồng; nếu hai tháng liên tiếp không đủ định mức sẽ bị đuổi việc.
Ngoài ra, nhóm này còn dùng nhiều số điện thoại để liên tục gọi điện, nhắn tin chửi bới, đe dọa người thân, đồng nghiệp của người nợ tiền. Chúng còn cắt ghép hình ảnh khách hàng và người thân của họ vào các hình ảnh đồi trụy hoặc thông tin không đúng sự thật rồi đăng lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự, tạo sức ép...
Hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã bị cấm ở Việt Nam
Theo chia sẻ từ luật sư Cường, khi sửa đổi Luật Đầu tư năm 2020 thì Việt Nam chính thức đưa hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ vào nhóm “các lĩnh vực cấm đầu tư”.
Nói cách khác, dưới góc độ pháp lý, từ khi Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực đến nay, hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã bị cấm ở Việt Nam, bởi vậy tất cả các tổ chức thực hiện dịch vụ thu hồi nợ theo quy mô doanh nghiệp đều là hành vi vi phạm pháp luật. Người thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Sau khi quy định pháp luật mới có hiệu lực, một loạt các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực thu hồi nợ đã phải thay đổi cơ cấu hoạt động hoặc giải tán. Tuy nhiên hoạt động đòi nợ thuê ‘ngầm’, trái pháp luật vẫn tồn tại gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội”, luật sư Cường nói thêm.
Theo phân tích từ luật sư, sở dĩ xuất hiện nhiều nhóm người đòi nợ thuê, hoạt động theo kiểu xã hội đen là do trong xã hội vẫn còn nhiều người coi thường pháp luật, lười lao động, đua đòi theo lối sống buông thả…
Ngoài ra, nhận thức, hiểu biết pháp luật của nhiều người dân còn hạn chế nên khi nợ tiền thì dễ dàng bị người đòi nợ theo kiểu xã hội đen đe dọa mà không dám chống đối, không dám trình báo sự việc với cơ quan chức năng. Nhiều người trẻ tuổi nhẹ dạ cả tin hay sa vào tín dụng đen rồi dẫn đến mất khả năng thanh toán, bị nhóm người lợi dụng, ép buộc...
Để đấu tranh với các băng ổ nhóm tội phạm, luật sư Cường cho biết cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, trong đó có các giải pháp về hoàn thiện chính sách pháp luật, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Phát động phong trào toàn dân phòng chống tội phạm để kịp thời phát hiện, xử lý triệt để các nhóm tội phạm khi mới nhen nhóm thành lập…