Nghị định 08: Mở 'cánh cửa' khơi thông cho trái phiếu doanh nghiệp

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 06:00, 08/03/2023

Những sửa đổi tại Nghị định số 08 về trái phiếu doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian tới.

Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định 08/2023 sửa đổi bổ sung Nghị định 65 về phát hành trái phiếu riêng lẻ, trong đó cho phép tổ chức phát hành trái phiếu kéo dài kỳ hạn thêm tối đa 2 năm và thanh toán gốc, lãi bằng tài sản khác ngoài tiền mặt. Nghị định mới ban hành cũng tạm ngưng quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, xếp hạng tín nhiệm và thời gian phân phối trái phiếu.

Giới chuyên gia tài chính, công ty chứng khoán nhận định rằng, Nghị định 08 sẽ tác động tích cực lên tâm lý thị trường, giảm bớt áp lực đáo hạn nợ cho các nhà phát hành trong năm 2023-2024, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, đây chỉ được coi là giải pháp tình thế, kéo dài thời gian để doanh nghiệp có thời gian tái cấu trúc. Số phận các doanh nghiệp ra sao sẽ phụ thuộc rất lớn vào sự thiện chí của trái chủ và nhà phát hành.

Chia sẻ với báo chí về vấn đề này ngày 7.3, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, Nghị định 08 được ban hành đã thể hiện sự phản ứng linh hoạt chính sách phù hợp với các điều kiện thực tế của thị trường hiện nay.

Nói về điểm mới của Nghị định này, Thứ trưởng cho biết, thứ nhất là, Nghị định 08 quy định các doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong trường hợp gặp khó khăn khi thanh toán gốc và lãi trái phiếu có thể sử dụng các tài sản hợp pháp của mình để đàm phán với các nhà đầu tư thanh toán bằng tài sản. Việc này dựa trên nguyên tắc tuân thủ các quy định của pháp luật dân sự và các pháp luật có liên quan, được sự nhất trí của các nhà đầu tư và phải đảm bảo tính pháp lý của tài sản cũng như công bố các thông tin có liên quan.

dsc04652.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

Thứ hai là, Nghị định 08 quy định các doanh nghiệp nếu gặp khó khăn thì có thể đàm phán với các nhà đầu tư để gia hạn thêm thời gian đối với trái phiếu, thời gian gia hạn tối đa là 2 năm, cũng trên nguyên tắc là được sự nhất trí của các nhà đầu tư. Trong trường hợp nhà đầu tư không nhất trí thì doanh nghiệp vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình trên cơ sở các quy định trong phương án đã công bố trước đây.

Thứ ba là, Nghị định 08 cũng cho phép tạm ngưng một số quy định tại Nghị định 65. Đó là: ngưng quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân; ngưng các quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành; ngưng về thời gian để phát hành đối với một đợt trái phiếu.

"Có thể thấy rằng các nội dung của Nghị định 08 được ban hành đã thể hiện sự phản ứng linh hoạt chính sách phù hợp với các điều kiện thực tế của thị trường Việt Nam, nhất là sau biến động mạnh mẽ của thị trường tài chính - tiền tệ thế giới và trong nước, những khó khăn của nền kinh tế sau đại dịch COVID-19 và những biến động về địa chính trị. Việc đưa ra những quy định mới này giúp củng cố niềm tin của thị trường, đưa các nhà đầu tư, cũng như đưa các doanh nghiệp phát hành trở lại với thị trường, giúp tiếp tục ổn định và phát triển thị trường một cách minh bạch và bền vững", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Xét về tính hiệu quả, Thứ trưởng cho rằng Nghị định 08 sẽ đem lại những điều kiện phù hợp với tình hình thị trường hiện tại, giúp minh bạch hóa các quy định của pháp luật có liên quan và đặc biệt là tạo điều kiện cho cả nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành có thể có những quy định rất rõ ràng về mặt pháp lý để xử lý những vấn đề liên quan đến thị trường phát sinh trong thời gian vừa qua.

Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về việc nếu hoãn nâng quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp và xếp hạng tín nhiệm bắt buộc thì liệu thị trường có rơi vào tình trạng thiếu minh bạch và thiếu thông tin hay không, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định đối với vấn đề này khi xây dựng Nghị định thì Bộ Tài chính cũng đã cùng với các bộ, ngành liên quan báo cáo với Chính phủ rất kỹ lưỡng.

Bên cạnh việc tạm thời cho ngưng quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân và xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành thì doanh nghiệp khi phát hành ra thị trường vẫn phải tuân thủ các quy định khác có liên quan. Doanh nghiệp phải công bố thông tin cho các nhà đầu tư một cách rõ ràng, minh bạch, trong đó có xác nhận của bên thứ ba là kiểm toán độc lập. Đặc biệt, doanh nghiệp phải thực hiện công bố thông tin về việc sử dụng tiền trái phiếu đã huy động.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cá nhân cần thực hiện các quy định khác tại Nghị định 65 như nhà đầu tư phải hiểu về doanh nghiệp, phải hiểu các rủi ro có liên quan khi tham gia đầu tư và kí cam kết chấp nhận tất cả rủi ro phát sinh nếu có. "Trên thực tế, hiện nay chúng ta mới có 2 doanh nghiệp được cấp phép trong nước để thực hiện định giá xếp hạng tín nhiệm, cho nên việc tạm ngưng quy định xếp hạng tín nhiệm cũng hoàn toàn phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay", lãnh đạo Bộ Tài chính nói.

Đánh giá về vai trò nhà đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư tổ chức trên thị trường trái phiếu hiện nay, Thứ trưởng Chi nhìn nhận: "Nhà đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư tổ chức đóng vai trò quan trọng và gần như là quyết định cho sự phát triển bền vững của thị trường trái phiếu của doanh nghiệp Việt Nam. Chúng tôi có rất nhiều giải pháp khác nhau để phát triển các công ty quản lý quỹ và các công ty đầu tư tài chính chuyên nghiệp khác, trên cơ sở đó thì thành lập các quỹ đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp. Qua đó, các nhà đầu tư cá nhân hoàn toàn có thể đầu tư vào các quỹ đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp này. Các quỹ này được vận hành, quản lý bởi các nhà đầu tư chuyên nghiệp, tổ chức đó là các công ty quản lý quỹ và các tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp".

Trong khi đó, trao đổi với Một Thế Giới về vấn đề này, chuyên gia tài chính kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho rằng, việc ban hành Nghị định 08 là cần thiết, được thị trường, nhà đầu tư và doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.

Nói về tác động của Nghị định này, ông Lực cho rằng Nghị định 08 sẽ tạo hành lang, cơ sở pháp lý cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu đàm phán với các trái chủ để giãn hoãn nợ trái phiếu đáo hạn với thời gian gia hạn tối đa là 2 năm. Qua đó, giảm áp lực trả nợ trái phiếu đáo hạn với điểm rơi cao điểm năm 2023 (khoảng 120.000 tỉ đồng đối với các doanh nghiệp bất động sản) và năm 2024 (khoảng 110.000 tỉ đồng đối với doanh nghiệp bất động sản).

Nghị định cũng sẽ tạo cơ sở pháp lý kèm theo hướng dẫn cơ bản đảm bảo việc thực hiện đàm phán đổi trái phiếu lấy tài sản một cách rõ ràng nhất, giảm thiểu rủi ro tranh chấp sau này. Doanh nghiệp cần công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư.

Ngoài ra, Nghị định còn cho phép giãn tiến độ đến hết năm 2023 đối với việc áp dụng một số điều kiện, yêu cầu cao, đáp ứng thông lệ về tiêu chí nhà đầu tư chuyên nghiệp, về yêu cầu rút ngắn thời gian phân phối trái phiếu và về xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành. Điều này được vị chuyên gia trên đánh giá là cần thiết trong bối cảnh thị trường khó khăn và thanh khoản giảm như hiện nay.

Về phía cơ quan quản lý, ông Lực cho rằng Bộ Tài chính nên xem xét các giải pháp khuyến khích phát hành trái phiếu ra công chúng nhiều hơn, có giải pháp phát triển nhà đầu tư tổ chức, thành lập trung tâm giao dịch trái phiếu thứ cấp, thúc đẩy phát triển các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, tăng cường giáo dục tài chính nhằm nâng cao chất lượng nhà đầu tư.

Tuyết Nhung