Cà Mau: Tín hiệu vui nhìn từ chiến lược phát triển kinh tế biển
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 19:45, 07/03/2023
Sản lượng chưa cao
Cà Mau có ba mặt giáp biển, với đường bờ biển dài 254 km, có khoảng 80 con sông, kênh, rạch…, đi ra biển và có diện tích ngư trường được thăm dò khai thác rộng khoảng 71.000 km2, là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, có trữ lượng hải sản lớn và phong phú về chủng loại có giá trị và sản lượng lớn như tôm, mực, ghẹ, các loài cá nổi… Ngư trường khai thác truyền thống của tàu thuyền tỉnh Cà Mau chủ yếu tại vùng biển Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Tại cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển những ngày qua, biển động khiến việc vươn khơi đánh bắt của ngư dân địa phương gặp nhiều khó khăn. Không thể vươn khơi nên ông Cường, ngư dân ở Kiên Giang, đang có tàu cá neo đậu tại cửa biển Rạch Gốc không giấu được vẻ mặt thất vọng.
“Hiện đang vào mùa đánh bắt nhưng sản lượng từ những chuyến biển trong những tháng đầu năm 2023 không cao như thường niên. Khai thác biển giờ khá bấp bênh, nguồn lợi từ biển ngày càng ít dần do kiểu khai thác tận diệt. Mong rằng, mỗi ngư dân mỗi khi vươn khơi đánh bắt cần có ý thức hơn, bắt những loài đủ kích thước và thả về tự nhiên những lời thuỷ sản bé để tái tạo”, ông Cường chia sẻ.
Chia sẻ với PV Một Thế Giới, ông Lâm Sĩ Em, Phó Chủ tịch thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển đánh giá, hiện nay địa phương đang vào mùa khai thác biển. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2023, sản lượng đánh bắt của ngư dân địa phương chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Nguyên nhân là do thời tiết bất thường, biển động mạnh khiến cho việc ra khơi của bà con ngư dân gặp nhiều khó khăn. “So với những năm trước, những tháng đầu năm 2023 sản lượng khai thác, đánh bắt biển của ngư dân địa phương chỉ ở mức trung bình”, ông Sĩ Em nói.
Nói về tình hình kinh tế biển hiện nay, ông Trần Đoàn Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện Năm Căn nhìn nhận, từ đầu năm đến nay, viêc đánh bắt biển của ngư dân địa phương mang lại hiệu quả chưa cao. “Ngư trường hiện nay đã bị cạn kiệt, do nạn đánh bắt quá mức, giờ muốn đánh bắt phải đi xa bờ. Trên địa bàn huyện Năm Căn chỉ có cửa biển Hố Gùi là tập trung phương tiện đánh bắt nhiều nhất, với hơn 100 phương tiện, nhưng chủ yếu đánh bắt ở khu vực gần bờ, chỉ vài phương tiện lớn đánh bắt xa bờ”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, hiện nay nguồn lợi thuỷ sản dần vơi cạn nên việc đánh bắt ở vùng khơi của ngư dân cũng khá bấp bênh, nhiều chuyến biển dài ngày của ngư dân khi vào bờ vẫn bị thua lỗ do chi phí nhiên liệu cao. “Nhìn chung, cuộc sống của ngư dân rất khó khăn. Mong các cấp có thẩm quyền sớm có những chính sách phát triển kinh tế biển để giúp bà con ngư dân gắn bó với nghề biển”, ông Hùng mong muốn.
Ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho hay, so với những năm trước, sản lượng đánh bắt biển của ngư dân địa phương trong những tháng đầu năm 2023 chỉ ở mức trung bình. Dù vậy, địa phương vẫn nỗ lực vận động, tuyên truyền ngư dân bám biển, duy trì hoạt động đánh bắt.
Ông Công chỉ ra rằng, giá nhiên liệu phục vụ những chuyến biển liên tục biến động thất thường là một trong những nguyên nhân khiến kinh tế biển gặp khó. Cùng với đó, sản lượng khai thác ngày càng giảm do nguồn lợi cạn kiệt. “Phương tiện đánh bắt ngày càng nhiều nhưng ngư trường thì vẫn vậy, không mở rộng thêm. Các chính sách về bảo tồn ở ngoài khơi hiện nay cũng đang gặp khó, chưa thực hiện được”, ông Công đánh giá.
Những tín hiệu vui
Toàn huyện U Minh hiện có 1.086 phương tiện (với 4.339 thuyền viên) khai thác thủy sản lớn, nhỏ đang hoạt động khai thác thủy sản biển. Trong đó, tàu dưới 12m có 504 phương tiện; tàu từ 12m đến dưới 15m có 333 phương tiện; tàu từ 15m trở lên có 249 phương tiện. Tổng sản lượng thủy sản 2 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn huyện đạt 1.416 tấn, đạt hơn 20 % kế hoạch năm.
Một lãnh đạo UBND huyện U Minh cho biết, huyện đã vạch ra chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhiền đến năm 2045, với nhiều mục tiêu cụ thể, nhằm phát triển bền vững kinh tế biển của địa phương, đảm bảo hài hoà giữa các hệ sinh thái, giữa bảo tồn và phát triển. Từ đó, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Phát huy tiềm năng, lợi thế từ biển, thân thiện với biển, thích ứng với biển đổi khí hậu.
“Phấn đấu đến năm 2045, huyện U Minh là một trong những huyện phát triển mạnh về kinh tế biển của tỉnh Cà Mau, đạt chỉ tiêu phát triển bền vững về kinh tế biển. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở khu vực ven biển được nâng lên. Đối với tài nguyên biển phải khai thác hợp lý, hiệu quả, bảo vệ môi trường. Đến năm 2030, huyện U Minh tập trung đầu tư phát triển các ngành kinh tế biển như kinh tế thuỷ sản, du lịch, dịch vụ, năng lượng tái tạo, công nghiệp, đô thị ven biển và các ngành kinh tế mới…”, vị lãnh đạo UBND huyện U Minh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Việt Triều, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Cà Mau cho biết, các nhóm nghề khai thác thủy sản tỉnh Cà Mau rất đa dạng như lưới kéo, lưới rê, lưới vây, lưới chụp, nghề câu mực, nghề hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản (thu mua, vận chuyển) và các nghề khác như te, đáy biển, lồng bẫy... Trong đó, tập trung chủ yếu là các họ nghề như, nghề rê, lưới vây, câu mực, lưới kéo, lưới chụp.
“Hiệu quả khai thác thủy sản trong năm 2023 của Cà Mau chỉ đạt mức trung bình ở tất cả các nghề khai thác. Sản lượng khai thác thủy sản 2 tháng đầu năm 2023 ước đạt 39.163 tấn, tăng hơn 3% so với cùng kỳ, đạt 16,67% so với kế hoạch. Trong đó sản lượng tôm 1.544 tấn tăng 1,15% so với cùng kỳ, đạt 15,44% so với kế hoạch”, ông Triều thông tin.