Áp lực 252 nghìn tỉ trái phiếu đáo hạn, danh sách các DN chậm trả nợ đang dày lên

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 11:53, 08/03/2023

Báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, danh sách các doanh nghiệp (DN) chậm nghĩa vụ thanh toán trái phiếu đang dày lên và áp lực đáo hạn tăng mạnh vào quý 2 và quý 3/2023.

VNDIRECT cho biết áp lực TPDN đáo hạn hạ nhiệt trong quý 1/2023, song thử thách sẽ rơi vào giai đoạn quý 2/2023. Trong năm 2023, ước tính giá trị đáo hạn TPDN vào khoảng 252 nghìn tỉ đồng (tăng 64% so với cùng kỳ).

Trong đó, quý 1/2023 sẽ có khoảng 31 nghìn tỉ đồng (giảm 41% so với cùng kỳ) TPDN đáo hạn, tuy nhiên áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh trong quý 2 và quý 3 với giá trị lần lượt khoảng 76,5 nghìn tỉ đồng (tăng 120% so với cùng kỳ) và 83 nghìn tỉ đồng (tăng 39% so với cùng kỳ).

Sau giai đoạn thách thức này, lượng TPDN đáo hạn sẽ giảm về mức 61 nghìn tỉ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ) trong quý 4/2023.

Xét theo ngành nghề, nhóm DN bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất với 43% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong năm 2023, tương đương 107,7 nghìn tỉ đồng (tăng 76,2% so với cùng kỳ). Theo sau là nhóm tài chính – ngân hàng với 31% tỉ trọng giá trị đáo hạn, tương đương 77,6 nghìn tỉ đồng (tăng 24% so với cùng kỳ). Các ngành khác chiếm khoảng 26% tổng giá trị TPDN riêng lẻ đáo hạn trong 2023, với khoản 66,5 nghìn tỉ đồng (tăng 126% so với cùng kỳ).

“Trong bối cảnh thị trường BĐS trầm lắng, nhiều DN gặp khó về dòng tiền và hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn, danh sách các DN chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ đang dần tăng lên”, báo cáo nêu.

tp.jpg
Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp lớn dần vào quý 2, 3/2023

Đến ngày 5.3.2023, có 46 DN nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc TPDN. Ước tính, tổng dư nợ TPDN của các DN này vào khoảng 121,1 nghìn tỉ đồng, chiếm khoảng gần 12% dư nợ TPDN toàn thị trường.

Khoảng gần 38,5 nghìn tỉ đồng TPDN của các DN trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 15% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm.

“Chúng tôi cho rằng để thị trường TPDN có thể phục hồi sẽ cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ khác như cần thêm nhiều giải pháp quyết liệt hơn từ DN để củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào TPDN. Các doanh nghiệp BĐS cũng phải nỗ lực tái cơ cấu, tái cấu trúc sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thực của thị trường; đồng thời có biện pháp xử lý hàng tồn kho nhằm thu tiền về để giải quyết những khó khăn hiện tại về dòng tiền”, VNDIRECT nêu.

VNDIRECT cũng cho rằng, cơ quan quản lý cần có phương án đẩy nhanh giải quyết các thủ tục pháp lý cho các dự án BĐS và việc hỗ trợ các DN tiếp cận được nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng, để giải quyết vấn đề thanh khoản ngắn hạn là rất quan trọng.

VNDIRECT cũng nhận định, nhìn chung Nghị định 08 sẽ tạo ra hành lang pháp lý cần thiết xử lý một vài điểm nghẽn hiện nay trên thị trường TPDN.

Cụ thể, tạo cơ sở pháp lý để tổ chức phát hành thỏa thuận về việc điều chỉnh một số điều khoản của trái phiếu, đặc biệt là việc gia hạn thời điểm đáo hạn. Trước đó một số tổ chức phát hành đã tự thảo thuận với trái chủ nhưng chưa có cơ sở pháp lý cụ thể nên việc thỏa thuận gặp nhiều khó khăn và tỷ lệ thành công thấp.

Nghị định 08 cũng cho phép tổ chức phát hành thanh toán nghĩa vụ nợ và lãi trái phiếu bằng các tài sản hợp pháp khác. Trong bối cảnh nhiều DN đang gặp khó khăn về dòng tiền như hiện nay thì giải pháp này cũng mở ra một lựa chọn khả thi cho DN (trong trường hợp trái chủ đồng ý).

Tuy nhiên, việc thỏa thuận có được trái chủ chấp thuận hay không sẽ phụ thuộc vào các điều khoản cụ thể, trong đó bao gồm tính pháp lý, định giá của các tài sản mà DN đưa ra thanh toán cho các trái chủ.

Ngoài ra, nghị định này cũng tăng tỷ lệ phát hành TPDN thành công thông qua việc hoãn thực thi một số điều khoản như quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc tăng thời gian phân phối; giãn xếp hạng tín nhiệm bắt buộc đến 1.1.2024 sẽ giúp tăng khả năng tiếp cập huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu riêng lể đổi với một số doanh nghiệp DN.

Hoài Lam