Bằng chứng cho thấy ong cũng tồn tại nền văn hóa học tập

Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 18:20, 08/03/2023

Việc trao đổi kiến thức trong một cộng đồng là nền tảng cơ bản để xây dựng một nền văn hóa, văn minh. Vì vậy, có câu hỏi là liệu ong vò vẽ có một nền văn hóa sơ khai?

Học tập cộng đồng là trong đó các thành viên cùng loài học những hành vi mới từ nhau. Điều đó được cho là tương đối hiếm trong vương quốc động vật, hay đúng hơn là chỉ được tổ chức bởi xã hội của những sinh vật có bộ não lớn nhất. Nhưng nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí PLoS Biology cho thấy, ong vò vẽ có thể đi ngược lại với khái niệm về sự khôn ngoan thông thường đó.

Chúng ta biết rằng tinh tinh có khả năng học tập cộng đồng. Chúng chế tạo các công cụ “thăm dò” từ cành cây để bắt những con mối ngon lành từ các lỗ trên khúc gỗ và dạy các con non làm điều tương tự. Ngoài ra, một số loài cá heo biết cách truyền cho nhau thủ thuật khi săn mồi.

Trong khi ong vò vẽ thuộc loài Bombus terrestris không hoàn toàn có khả năng thực hiện các kỹ thuật kiếm ăn tiên tiến đó. Một nhóm các nhà khoa học đến từ nhiều tổ chức khác nhau ở Vương quốc Anh đã cố gắng “dạy” một vài con ong thông minh giải một câu đố cơ bản để đạt được “phần thưởng có đường”. Sau đó, họ thả những “học viên” này trở về xã hội ong. Thật đáng ngạc nhiên, hành vi này lan rộng trong bầy ong.

Học tập cộng đồng

Câu đố mà các nhà nghiên cứu đã dạy những con ong vò vẽ của họ giải rất cơ bản: Họ bày những chiếc hộp có thể mở ra bằng cách xoay một cái nắp trong suốt nhờ đẩy một lẫy màu đỏ theo chiều kim đồng hồ hoặc một lẫy màu xanh dương ngược chiều kim đồng hồ.

Khi những học viên là ong vò vẽ đã khá thành thạo trong việc mở nắp và tiếp cận với phần đường bên dưới, các nhà nghiên cứu đã thả chúng vào các đàn với hàng trăm cá thể và đặt một số hộp trải khắp khu vực nuôi nhốt của bầy ong. Trong hai thí nghiệm khác nhau - lần lượt kéo dài 6 và 12 ngày - các nhà nghiên cứu đã quan sát những con ong khác trong đàn học cách mở nắp và lấy đường bên trong.

Sau hơn nữa trong thử nghiệm, một số chú ong đã được huấn luyện để chỉ chuyên đẩy các lẫy màu đỏ trong khi những chú ong khác được huấn luyện để chỉ đẩy các lẫy màu xanh. Hai bầy ong được đào tạo riêng này được thả vào các khu vực riêng biệt. Những con ong của mỗi bầy có thói quen mở nắp nhận quà theo đúng màu sắc mà con ong học viên được đào tạo.

Trong khi đó, những bầy ong không có ong học viên hướng dẫn việc mở nắp thì hầu như không có cách lấy quà. Từ đó, các nhà nghiên cứu kết luận: “Kết quả của học tập cộng đồng có tác động lớn đến đời sống của loài ong”.

Cơ sở của nền văn hóa ong?

Việc trao đổi kiến thức trong một cộng đồng là nền tảng cơ bản để xây dựng một nền văn hóa, văn minh. Vì vậy, có câu hỏi là liệu ong vò vẽ có một nền văn hóa sơ khai? Các tác giả nói rằng điều đó khó xảy ra.

Tuổi thọ của từng cá thể ong thợ Bombus terrestris rất ngắn và các đàn sẽ sụp đổ trước mùa đông. Nếu không có ong thợ nào sống sót qua sự suy giảm vào cuối mùa, thì mọi truyền thống kiếm ăn sẽ bị mất theo chúng. Do đó, có vẻ như với ong Bombus terrestris, chúng sẽ không thể xây dựng nền văn hóa kéo dài qua các thế hệ trong tự nhiên.

Tuy nhiên, các loài côn trùng phát triển trong việc xây dựng xã hội như ong mật lại sống thành bầy đàn tồn tại trong nhiều năm. Vì vậy, có thể chúng đã tạo được một điều gì đó tương tự như nền văn hóa, văn minh của chúng.

Anh Tú (dịch)