Cánh đồng không dấu chân người ở Sóc Trăng

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 14:50, 09/03/2023

Thời gian qua, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã chú trọng đến cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp bước đầu thành công, tạo niềm tin cho người nông dân, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
z4167601914201_ba9479f5a9311460fefaaebe6a24d52c.jpg
Trạm quan trắc theo trên cánh đồng huyện Châu Thành - Ảnh: Lương Xuân Cao

Ông Võ Minh Luân, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) cho biết: “Cuối tháng 3.2020, UBND huyện Châu Thành đã thông qua đề cương Dự án xây dựng cánh đồng sản xuất thông minh, hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội triển vọng phát triển lớn trong sản xuất nông nghiệp của địa phương, vì sẽ mang lại nhiều lợi ích cho bà con nông dân, do có sự định hướng về quy trình sản xuất nông nghiệp hiện đại. Đây là dự án lớn của huyện, nằm trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020. Kỳ vọng dự án sẽ giúp nông dân phát triển nông nghiệp theo từng vùng quy hoạch, phù hợp với lợi thế tự nhiên và theo nhu cầu của thị trường, giúp nông dân khắc phục những tồn tại, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Chủ yếu thực hiện mô hình luân canh lúa, màu; mô hình sản xuất lúa đặc sản; mô hình trồng nấm rơm; mô hình nuôi bò bằng rơm rạ đã ủ.

z4167600479817_162ff2a4ceb1f3af1698945fa8c8a37e.jpg
Cánh đồng  thông minh của HTX Phước An, Xã Phú Tân, Huyện Châu Thành - Ảnh: Lương Xuân Cao

Dự án này do Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện là cơ quan thực hiện. Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện là cơ quan quản lý. Đơn vị tư vấn kĩ thuật và chuyển giao công nghệ là khoa học đất thuộc trường đại học Cần Thơ. Trung tâm khuyến nông tỉnh, Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh và Trung tâm giống nông nghiệp là các đơn vị phối hợp triển khai.

Theo ông Luân, kế hoạch của dự án là trong 3 năm sẽ tạo ra bước đột phá cho trên 3.500ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Châu Thành, 6.415 hộ nông dân được chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật. Ở giai đoạn 1 của dự án được thực hiện ở hợp tác xã Phước An, xã Phú Tân (huyện Châu Thành) với 295 thành viên, quản lý sản xuất 523ha diện tích cánh đồng lớn. Trong đó, có 45ha đang sản xuất thử nghiệm giống lúa ST24, còn lại toàn bộ diện tích sử dụng giống lúa OM5451 và OM18.

Thực hiện dự án, từ làm đất cho đến thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch đều được cơ giới hóa 100%. Theo dự án tất cả diện tích 523ha sản xuất theo hướng hữu cơ, trong đó có 62ha sản xuất lúa đặc sản ST24. Việc làm đất được cơ giới hóa, ứng dụng máy san phẳng đồng ruộng laser; gieo sạ lúa và sử dụng máy cấy; bón phân bằng máy phun; phun thuốc đều được cơ giới hóa, phun bằng máy bay không người lái; nước phụ vụ tưới, tiêu do hợp tác xã quản lý dịch vụ tưới và tiêu nước đến tận ruộng, phục vụ 100% diện tích. Sau khi thu hoạch, khâu vận chuyển cũng được cơ giới hóa 100%; khâu phơi sấy, chế biến, thương mại do các doanh nghiệp (ngoài liên kết) thực hiện. Hiện tại, HTX có kho chứa thóc công suất 1.000 tấn phục vụ cho nông dân. Sản lượng lúa của nông dân ở đây luôn đạt chất lượng cao, được tiêu thụ hết toàn bộ.

z4167603171156_6c1be474e9f4ac2c7ad6898b97399530.jpg
Các xã viên HTX Phước An sau khi thu hoạch lúa -Ảnh: Lương Xuân Cao

Năng suất lúa khi thực hiện dự án cánh đồng thông minh cao hơn so với sản xuất truyền thống, lợi nhuận cũng tăng. Cụ thể, với lúa vụ Đông – Xuân, năng suất đạt từ 6,2 – 6,5 tấn/ha; vụ Hè – Thu đạt từ 5,5 – 5,8 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí đầu tư sản xuất, mỗi ha nhà nông thu lợi nhuận khoảng trên 21 triệu đồng; còn sản xuất truyền thống đầu tư cao, lợi nhuận chỉ đạt khoảng 17 triệu đồng/ha.

Ông Lâm Phương Tùng, nông dân HTX Phước An cho biết: “Tham gia dự án cánh đồng thông minh, nhà nông giảm rất nhiều chi phí đầu tư như lúa giống giảm được từ 50-60kg/ha, giảm được 2-3 lần phun thuốc trừ sâu; giảm chi phí bơm nước khoảng 50%; giảm thất thoát trong thu hoạch từ 10-15%. Bên cạnh đó, nông dân còn được Nhà nước đầu tư hệ thống đường giao thông, lắp đặt trạm bơm tự động; lắp đặt hệ thống quan trắc nước thông minh và hệ thống quan trắc sâu rầy hại lúa. Những hệ thống này được kết nối với điện thoại thông minh nên nhà nông nắm rất vững về độ mặn của nước để kịp thời đóng cống hay lấy nước, đảm bảo lúa phát triển tốt. Hệ thống quan trắc sâu rầy cũng giúp cho bà con phát hiện sớm sâu bệnh để kịp thời xử lý, không ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa. Nhà nông chúng tôi bây giờ rất khỏe so với trước, chi phí đầu tư cho sản xuất giảm, thu nhập cao hơn, đời sống bà con ngày càng khấm khá hơn. Mô hình cánh đồng thông minh đã mang lại lợi ích rất nhiều cho nông dân chúng tôi”.

Ông Trương Quốc Điền, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành khẳng định: “Mô hình cánh đồng thông minh là bước tiến lớn của ngành nông nghiệp huyện Châu Thành trong những năm vừa qua. Hiệu quả của HTX đã chứng minh cho thành công của mô hình cánh đồng thông minh. Với mô hình liên kết sản xuất lúa sạch, trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGap, với các giống lúa thuần chủng như: OM 5451 và OM 18, lúa ST 24 và tự sản xuất được lúa giống cho các xã viên trong HTX, mang lại hiệu quả cao cho nông dân. Sắp tới, huyện sẽ tiêp tục thực hiên mô hình ở các xã Hồ Đắc Kiện, Thuận Hòa, Thiện Mỹ và một phần của xã Phú Tâm”.

Nói về tiềm năng lúa của Sóc Trăng, ông Vương Quốc Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết, sản lượng lúa của Sóc Trăng nhiều năm qua luôn vượt mốc 2 triệu tấn. Trong đó có đến 90% là lúa chất lượng cao. Đăc biệt có đến 54% là lúa thơm đặc sản. Lúa Sóc Trăng đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, đủ cung cấp cho các nhà sản xuất, chế biến phục vụ xuất khẩu. Hiện nay lúa Sóc Trăng được nhiều khách hàng lựa chọn, đó là một tín hiệu vui cho nông nghiệp Sóc Trăng.

Lương Xuân Cao