Lừa đảo “con cấp cứu tại bệnh viện”: Đối tượng nói sai tên trường, lớp nhưng phụ huynh vẫn chuyển tiền
Sự kiện - Ngày đăng : 18:36, 09/03/2023
Liên quan đến việc điều tra các đối tượng lừa đảo “con cấp cứu tại bệnh viện”, chiều 9.3, ông Hồ Tấn Minh – Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, khẳng định không có chuyện ngành giáo dục để lọt thông tin của phụ huynh hay học sinh ra ngoài giúp cho các đối tượng trên lừa đảo. “Dữ liệu thực hiện trong công tác chuyển đổi số của ngành giáo dục được thực hiện nghiêm ngặt có phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể và được giám sát chặt chẽ trên hệ thống nên việc lọt dữ liệu là không có”, ông Minh nói.
Theo ông Minh, nhiều đối tượng lừa đảo “con cấp cứu tại bệnh viện” đưa thông tin không chính xác về học sinh, nhất là không đúng tên trường, lớp nhưng do phụ huynh hoảng loạn, không để tâm đến thông tin đã thực hiện chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng. “Qua kiểm tra thực tế cho thấy, nhiều nội dung mà đối tượng lừa đảo đưa ra không đúng so với thông tin chúng tôi quản lý, có những thông tin đối tượng lừa đảo thông báo học sinh đang học trường đó, nhưng chúng tôi tìm hết cả trường đó không có học sinh nào tên như vậy; hay đối tượng nói học sinh học lớp 7 nhưng thực tế trẻ đã lên lớp 9. Tuy nhiên, khi phụ huynh nghe thông tin của con thì hoảng loạn, không để tâm đến thông tin nên đã thực hiện chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng”, ông Minh cho biết.
Việc để lọt thông tin học sinh và phụ huynh ra ngoài, ông Minh nhận định có thể do các phụ huynh thành lập các nhóm Zalo, Viber để trao đổi thông tin trên mạng xã hội. Những thông tin của học sinh được đăng lên những nhóm này có thể dẫn đến nguy cơ bị lọt thông tin ra ngoài. “Do đó các bậc phụ huynh cần cẩn trọng điều này; đồng thời khi tiếp nhận thông tin về con mình phụ huynh cần bình tĩnh liên hệ lại với nhà trường và giáo viên chủ nhiệm”, ông Minh khuyến cáo.
Ông Minh cho biết, hiện Sở Giáo dục và Đào tạo đang chủ động phối hợp với công an thành phố trong các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ để ngăn chặn triệt để tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của phụ huynh học sinh.
Chia sẻ về điều này, Thượng tá Lê Mạnh Hà – Phó phòng tham mưu, Công an TP.HCM cho rằng đây có thể là do lỗ hổng bảo mật, hoặc do nhân viên của các đơn vị doanh nghiệp, cửa hàng thu thập các thông tin rồi bán lại cho các đối tượng trên. “Những cửa hàng làm thẻ khách hàng thân thiết, hay những khu vui chơi, khu ăn uống, các trung tâm ngoại ngữ… có khai báo thông tin có nguy cơ bị rò rỉ thông tin. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, việc sử dụng thông tin có quy chế chặt chẽ, an toàn nên tính bảo mật ở mức độ cao. Tuy nhiên, để biết chính xác thông tin của phụ huynh và học sinh bị lọt từ đâu cần phải chờ kết quả cụ thể trong quá trình điều tra”, ông Hà chia sẻ.
Theo ông Hà, các đối tượng này có “chia vai”, người đóng vai bác sĩ bệnh viện, người đóng vai giáo viên để tạo thêm niềm tin cho phụ huynh.
“Các phụ huynh nên liên lạc trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm khi cần nắm thông tin liên quan đến học tập, rèn luyện, sinh hoạt của học sinh tại trường; các cơ sở giáo dục tuyên truyền số điện thoại đường dây nóng của trường đến phụ huynh học sinh để liên hệ khi cần thiết”, ông Hà khuyến cáo.
Cũng theo ông Hà, tính đến thời điểm này, công an TP đã tiếp nhận 4 tin báo từ cơ quan truyền thông và 3 tố giác của người dân tại công an phường liên quan đến các đối tượng lừa đảo “con cấp cứu tại bệnh viện”. Ngoài ra, trong ngày 8.3 tại huyện Củ Chi có 2 người dân cung cấp 2 thông tin nhận được điện thoại từ các đối tượng lừa đảo trên yêu cầu chuyển 100 triệu đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp, nhưng rất may người dân đã đọc thông tin trên báo chí nên không chuyển tiền cho đối tượng. “Điều này cho thấy, cơ quan truyền thông đã vào cuộc kịp thời giúp người dân cảnh giác”, ông Hà nói.