Ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu phát triển mạnh
Quốc tế - Ngày đăng : 10:10, 10/03/2023
Tuần qua, các Bộ trưởng Quốc phòng EU kết thúc hội nghị cấp cao tại Thụy Điển với kết quả là một thỏa thuận tạm thời về việc cùng nhau sắm đạn pháo 155mm đồng thời gửi thêm đạn từ kho dự trữ cho Ukraine.
Phát biểu tại Stockholm ngày 8.3, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov nói rằng nước ông cần gấp một triệu đạn pháo để ngăn bước tiến của quân Nga. Quyết định cuối cùng dự kiến được đưa ra vào ngày 20.3 khi các ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng EU nhóm họp tại Brussels (Bỉ).
Theo giám đốc điều hành nhà thầu quốc phòng Thụy Điển Saab Micael Johansson: “Tôi nghĩ nhiều nước đã nghe thấy hồi chuông cảnh tỉnh và cần bổ dung đạn dược dự trữ. Xu hướng này sẽ kéo dài nhiều năm”.
Giới đầu tư đã sớm nhìn ra cơ hội trên nên vài tháng gần đây đổ xô mua cổ phiếu ngành công nghiệp quốc phòng. Chỉ số phản ánh cổ phiếu của 25 doanh nghiệp quốc phòng hàng đầu châu Âu (STOXX Europe Total Market Aerospace and Defense) tăng đến 41% kể từ cuối tháng 9 năm ngoái, chỉ số toàn cầu MSCI World Aerospace and Defense tăng 26% so với cùng kỳ.
Tiếp tục cam kết viện trợ
Khi cuộc chiến bước sang năm thứ hai, EU cùng Mỹ và Anh tiếp tục đưa ra nhiều cam kết viện trợ quân sự cho Ukraine.
EU vào đầu tháng 2 thông báo cấp thêm 545 triệu euro vào quỹ hỗ trợ quân sự 3,6 tỉ euro cho Ukraine. Tháng trước đó Đức, Pháp, Ba Lan, Anh cam kết chuyển giao xe tăng chiến đấu hiện đại Leopard 2, Abrams.
Nhà thầu quốc phòng lớn nhất châu Âu BAE Systems năm ngoái nhận số đơn hàng kỷ lục tổng trị giá lên đến 37 tỉ bảng Anh. Giám đốc tài chính Brad Greve nhận định khi chính phủ các nước “biến nhu cầu thành đơn hàng” thì tác động của nỗ lực bổ dung đạn dược dự trữ sẽ đến, ngành công nghiệp quốc phòng nhờ vậy sẽ tăng trưởng với chu kỳ dài hơn.
Cổ phiếu BAE Systems tăng 5% kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Công ty dự báo thu nhập trên mỗi cổ phiếu (thước đo khả năng sinh lời) tăng từ 5 - 7% trong năm 2023.
Giám đốc Johansson kỳ vọng doanh số của Saab sẽ tăng 15% trong năm nay do đơn hàng viện trợ cho Ukraine chắc chắn tăng nữa và các chính phủ châu Âu chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng của chính mình.
Đầu tuần qua, công ty Đức Rheinmetall công bố ý định mở một nhà máy sản xuất xe tăng chiến đấu tại Ukraine với sản lượng khoảng 400 chiếc/năm - dấu hiệu cho thấy ngành công nghiệp quốc phòng nhận định nhiều năm tới nhu cầu sẽ rất lớn.