Việc kết nối hàng hóa giữa ĐBSCL và TP.HCM vẫn chưa thật thông suốt

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 17:59, 10/03/2023

Chiều 10.3, Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã diễn ra ở TP.Bến Tre.
z4171481693050_09914ebbc0cdf50493268a9ad1ec2484.jpg
Khung cảnh hội nghị kết nối giao thương giữa TP.HCM và ĐBSCL - Ảnh: Mỹ Tho

Hội nghị là cơ hội kết nối giao thương giữa các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước và doanh nghiệp các tỉnh, thành thuộc vùng ĐBSCL. Tham gia hội nghị có các tập đoàn, hệ thống phân phối lớn trên địa bàn TP.HCM và sự góp mặt của hơn 124 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất của 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

z4171481442640_7f3b3e1a67223b296440585a3e5f1e06.jpg
Các doanh nghiệp ĐBSCL tham gia trưng bày hàng hóa - Ảnh: Mỹ Tho

Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm sản xuất nông nghiệp, thủy sản lớn nhất của cả nước. Vùng này thực hiện sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho 65% dân cư của vùng. Bước đầu thành công trong tái cơ cấu theo hướng xoay trục sản phẩm chủ lực thủy sản-trái cây-lúa gạo chất lượng cao, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Qua đó, đã hình thành các mô hình chuyên canh lúa, cây ăn trái và thủy sản, áp dụng công nghệ cao. ĐBSCL đã tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, hiệu quả, tăng lợi thế cạnh tranh trên thương trường quốc tế. ĐBSCL đóng góp tỷ lệ lớn vào GDP nông nghiệp cả nước: chiếm 31,37% GDP ngành nông nghiệp, đóng góp tới 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% về trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu.

z4171481984027_a38527b6b42f29106ebe8fe4e36de2e7.jpg
Khách tham quan các gian trưng bày hàng hóa - Ảnh: Mỹ Tho

Từ năm 2011 đến nay, chương trình kết nối cung - cầu giữa các địa phương vùng ĐBSCL và TP.HCM ngày càng được mở rộng cả về quy mô và chất lương, số lượng địa phương, doanh nghiệp tham gia ngày càng tăng, các biên bản ghi nhớ, hợp đồng kinh tế được các bên ký kết ngày càng nhiều. Riêng tại hội nghị năm qua đã ghi nhận 581 biên bản ghi nhớ hợp tác trên các lĩnh vực.

z4171483047943_e5b1f76d4fcda37b4402b2a95f4b0a4a.jpg
Chế biến sản phẩm mít sấy ở ĐBSCL - Ảnh: Mỹ Tho

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho rằng, tuy có nhiều tiến bộ từ chương trình hợp tác, nhưng theo các doanh nghiệp, việc đưa hàng hóa doanh nghiệp phân phối vào các siêu thị lớn ở TP.HCM chưa được thông suốt, do nhiều quy định ràng buộc. Đây là vấn đề cần bàn bạc, tìm hướng giải quyết.

Tại hội nghị kết nối cung cầu lần này, các đơn vị phân phối muốn hợp tác với tất cả các cơ sở sản xuất, để hàng hóa phong phú, đa dạng hơn. Tuy nhiên, trong thời buổi cạnh tranh, các doanh nghiệp sản xuất cũng cần đồng hành với đơn vị phân phối để triển khai các chương trình khuyến mãi. Từ đó doanh nghiệp sản xuất và đơn vị phân phối cùng bán được hàng, người tiêu dùng cùng được hưởng lợi.

Trong khuôn khổ hội nghị, doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất các địa phương vùng ĐBSCL đã trưng bày, giới thiệu sản phẩm tham gia kết nối với các nhà phân phối TP.HCM, qua đó, góp phần đẩy mạnh kết nối giao thương, thúc đẩy hợp tác đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Mỹ Tho